26 tháng 3 2022
Một phụ nữ Việt Nam 40 tuổi đã bị tòa án Singapore kết luận có tội hôm 23/3, liên quan vụ nhập khẩu vào Singapore gần 1.800 miếng ngà voi, trị giá tổng cộng 3,3 triệu đôla Singapore.
Báo chí Singapore cho hay sau phiên xét xử hôm 23/3, thẩm phán kết luận bà Dao Thi Boi, 40 tuổi, phạm tội theo Đạo luật về Các loài vật nguy cấp (Nhập khẩu và Xuất khẩu).
Vào thời điểm phạm tội năm 2018, bà Boi, là người Việt Nam có thẻ thường trú nhân Singapore, là chủ sở hữu và giám đốc của VNSG Trading cũng như Song Hong Trading & Logistics.
Ra tòa
Trong quá trình xét xử, tòa án được cho biết vào ngày 3 tháng 3 năm 2018, một nhân viên của Cơ quan Quản lý Xuất nhập cảnh (ICA) làm nhiệm vụ đã quét một thùng hàng có nhãn ghi chứa 203 gói lạc.
Viên chức này thấy những hình ảnh giống với sừng động vật bên trong, và thùng hàng đã bị tạm giữ để điều tra.
Thùng hàng đã được đánh dấu để tái xuất về Việt Nam trước khi bị chặn lại.
Tổng cộng 61 túi chứa 1.787 miếng nghi là ngà voi với tổng trọng lượng 3.480 kg đã được tìm thấy.
Bên công tố nói bà Boi không chỉ làm ngơ mà còn tích cực và cố ý hỗ trợ khách hàng của bà – một người đàn ông Việt Nam tên là Su Thien.
Báo Singapore The Straits Times cho biết, theo tài liệu của tòa án, bà Boi thay mặt Su Thien xử lý khoảng bảy chuyến hàng từ Nigeria đến Singapore thông qua các công ty của bà từ năm 2017 đến ngày 5 tháng 3 năm 2018.
Là người duy nhất điều hành Song Hong Trading & Logistics, bà Boi phải hoàn toàn biết rằng công ty đã nhập khẩu các container có ngà voi, theo bên công tố.
Luật sư bào chữa cho rằng mặc dù các công ty của bà Boi đứng tên nhận hàng thì Su Thiên phải chịu trách nhiệm về nội dung của lô hàng.
Phía bào chữa cũng cho rằng người gửi hàng phải chịu trách nhiệm về những thứ bên trong, bà Boi không biết rằng bên trong đó là thứ gì khác ngoài hạt lạc, và bà không có tư cách để kiểm tra xem người gửi hàng có nhét ngà voi vào thùng hàng hay không.
Bên công tố cho rằng bà Boi không những làm ngơ mà còn tích cực giúp thân chủ nhập ngà voi vào Singapore.
Mặc dù không có bằng chứng nào cho thấy bà Boi biết nội dung số hàng, nhưng thẩm phán cho rằng bà đã không thực hiện tất cả các biện pháp phòng ngừa hợp lý để tránh phạm tội.
Việc tuyên án bà Boi dự kiến sẽ diễn ra vào tháng Năm.
Buôn động vật hoang dã
Theo Cơ quan điều tra môi trường quốc tế (EIA), trog thời gian từ năm 2004 đến tháng 4/2019, Việt Nam có hơn 600 vụ bắt giữ liên quan đến buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.
Tổng khối lượng hàng cấm quãng thời gian này gồm ít nhất 105,72 tấn ngà voi, tương đương với khoảng 15.779 cá thể; 1,69 tấn sừng ước tính có nguồn gốc từ khoảng 610 cá thể tê giác…
Tổ chức WCS cũng thống kê trong 5 năm (2013 -2017) tại Việt Nam có 1.504 vụ vi phạm với 1.461 đối tượng liên quan đến các loài động vật hoang dã bị phát hiện, xử lý.
Theo WCS, trong giai đoạn này, nếu xét theo khối lượng bị tịch thu thì ngà voi chiếm số lượng lớn nhất (23,55%), tê tê (20,17%), rắn và trăn (16,69%).
Hồi tháng Sáu 2021, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) công bố Báo cáo \”Chưa lối thoát – Nạn buôn bán động vật hoang dã trước và trong đại dịch COVID-19 tại Việt Nam\”
Theo báo cáo này, tình hình buôn bán động vật hoang dã tại Việt Nam đến nay vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực.
Họ nói: \”Đặc biệt, vấn nạn buôn bán các sản phẩm từ ngà voi rất sôi động, xuất hiện tại nhiều tỉnh thành ở cả ba miền.\”
Khảo sát nhanh được thực hiện tại 20 tỉnh, thành trong hai năm 2019 – 2020, trong đó PanNature tập trung vào các cơ sở, tụ điểm buôn bán ngà voi, hổ, rùa và chim hoang dã.
Theo đó, có tới 27/31 địa điểm được khảo sát ghi nhận tình trạng buôn bán bất hợp pháp các sản phẩm từ ngà voi; một số khu chợ tại Đồng bằng sông Cửu Long vẫn buôn bán sôi động các loài rùa, chim và các động vật hoang dã khác, bao gồm loài quý hiếm.