3 giờ trước
Đang có những câu hỏi liệu quân đội của Tổng thống Vladimir Putin sẽ dính vào một \”cuộc chiến kéo dài\” như Mỹ ở Việt Nam trước đây do các sai lầm chiến lược hay không.
Một tháng sau cuộc xâm lược của Nga, bắt đầu từ ngày 24/2/2022, Ukraine tới nay vẫn đứng vững, bất chấp nhiều dự báo bi quan của phương Tây trước đó.
Viết trên Geopolitical Futures ngày 25/3, George Friedman chỉ ra:
\”Các quốc gia thường không chọn tham gia vào các cuộc chiến tranh nếu họ biết rằng đó sẽ là những cuộc chiến kéo dài, không chắc chắn và tốn kém. Họ tham chiến khi nghĩ rằng lợi ích của việc giành chiến thắng lớn hơn rủi ro, hoặc khi nghĩ rằng họ có đủ phương tiện để tấn công quyết đoán đủ để giải quyết nhanh chóng.\”
\”Các cuộc chiến tranh kéo dài xuất phát từ những sai lầm cơ bản và nhất quán: đánh giá thấp ý chí và khả năng chống trả của kẻ thù, đánh giá quá cao khả năng của bản thân, gây chiến vì những lý do không chính xác hoặc không đủ hoặc đánh giá thấp mức độ mà một bên thứ ba quyền lực có thể can thiệp và thay đổi cán cân của quyền lực.\”
George Friedman nhận định:
\”Nếu một quốc gia sống sót sau cú đánh đầu tiên, thì xác suất chiến thắng sẽ tăng lên. Điều này đặc biệt đúng với trường hợp chiến tranh lâu dài. Quốc gia khởi xướng chiến tranh có xu hướng chuẩn bị sẵn lực lượng ngay từ đầu, tối đa hóa khả năng giành chiến thắng sớm. Lực lượng phòng thủ thì vẫn chưa sử dụng các lực lượng trong nước hoặc của các đồng minh trước cuộc tấn công. Do đó, quốc gia phòng thủ tăng sức mạnh quân sự của mình nhanh hơn nhiều so với phe tấn công. Người Nhật không thể so sánh nhân lực và công nghệ của Mỹ theo thời gian. Hoa Kỳ đã đánh giá thấp khả năng phục hồi của Bắc Việt Nam, ngay cả khi đối mặt với cuộc bắn phá dữ dội vào thủ đô Hà Nội.
\”Cũng có những ngoại lệ. Người Đức vào năm 1914 đã thất bại trong việc chiếm Paris, và trong cuộc chiến kéo dài sau đó đã bị hải quân Anh bóp nghẹt.\”
\”Có thể cuộc chiến kéo dài sẽ làm hao mòn tài nguyên và ý chí của phe phòng thủ, nhưng khi sống sót sau cuộc tấn công ban đầu, quốc gia phòng thủ có thể có cả ý chí và nguồn lực để tiếp tục.\”
Theo George Friedman, nếu cuộc chiến kéo dài, Nga sẽ gặp rất nhiều trắc trở.
\”Câu hỏi về cuộc chiến lâu dài phụ thuộc vào nguồn lực của Nga. Nga có vẻ thiếu bộ binh, vì nước này lại còn đang định tuyển dụng và cố gắng kết hợp các binh sĩ Syria và các nước khác. Khả năng có lực lượng không nói tiếng Nga và chưa trải qua đào tạo tiếng Nga sẽ chỉ được xem xét bởi họ đang thiếu nhân lực.\”
\”Vấn đề do đó đã trở thành chính trị. Kế hoạch chiến tranh ban đầu không thành công. Người Nga chắc chắn có thể tiếp tục cuộc chiến, nhưng rõ ràng họ cần thêm người và một hệ thống hậu cần tổng thể tốt hơn, điều này khó có thể cải thiện khi đối mặt với chiến đấu liên tục.\”
\”Hoa Kỳ, đối mặt với cùng một vấn đề, đã chọn tiếp tục các cuộc chiến ở Việt Nam, Iraq và Afghanistan. Chi phí đáng kể nhưng không đe dọa đến an ninh quốc gia cốt lõi vì Hoa Kỳ có đại dương rộng lớn che chắn. Chiến tranh Ukraine đang ở ngay ngưỡng cửa của Nga và một cuộc chiến kéo dài, với việc ngày càng mất lòng tin vào chính phủ, có thể dẫn đến việc một nhóm lực lượng đặc biệt Ukraine được huấn luyện sẽ mở rộng cuộc chiến sang Nga.\”
George Friedman tổng kết: \”Theo quan điểm chính trị, thật đau đớn khi các tổng thống và tổng tham mưu trưởng thừa nhận thất bại và giảm bớt thiệt hại. Mong muốn tiếp tục cố gắng, cùng với sự miễn cưỡng thừa nhận thất bại, mang theo vô số vấn đề. Tổng thống Nga Vladimir Putin cần một đánh giá tình báo trung thực, nhưng ông đã có một cuộc đánh giá trước khi xâm lược. Đánh giá ấy không phải là một lời nói dối; nó chỉ là sai.\”
\”Trong một cuộc chiến dài ngày, bên phòng thủ có cơ hội phát triển mạnh mẽ, và bên tấn công có thể thấm mệt vì mong chiến thắng và có ý định ném mọi thứ vào xung đột. Nếu Nga không có các nguồn lực được triển khai và dự trữ cho một mối đe dọa có thể xảy ra và không cắt giảm tổn thất quyết liệt, thì nước này sẽ lọt vào một hàng dài thất bại, từ Algiers đến Khartoum đến Huế.\”
Tị nạn
Ngay lúc này, một so sánh với cuộc chiến Việt Nam là việc Hoa Kỳ đã công bố kế hoạch chào đón tới 100.000 người tị nạn Ukraine chạy trốn khỏi cuộc chiến với Nga.
Hơn 3,6 triệu người tị nạn đã rời khỏi Ukraine, theo UNHCR, và hầu hết đến nước láng giềng Ba Lan.
Hoa Kỳ nhận nhiều người tị nạn sau khi kết thúc Chiến tranh Việt Nam và xung đột ở Bosnia vào những năm 1990.
Kể từ khi Mỹ rút khỏi Afghanistan tháng 8 năm ngoái, nước này đã tiếp nhận 76.000 người tị nạn Afghanistan.
Chiến tranh Lạnh lặp lại?
Hôm 25/3, trên trang American Purpose, Michael Mandelbaum so sánh một số điểm với cuộc chiến Việt Nam trước đây.
Tác giả cho rằng ở một số góc độ, những gì đang diễn ra ở Ukraine lặp lại những mô hình quen thuộc từ Chiến tranh Lạnh.
\”Một mô hình như vậy, xung đột ở Ukraine là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm, khi một cường quốc được trang bị vũ khí hạt nhân – Nga – trực tiếp tham chiến và lực lượng còn lại – NATO – cung cấp vật chất cũng như hỗ trợ chính trị cho đối thủ của Nga. Điều này theo mô hình của các cuộc chiến tranh của Mỹ ở Triều Tiên và Việt Nam cũng như cuộc chiến của Liên Xô ở Afghanistan. Giờ đây, cũng như trong những cuộc xung đột trước đây, cường quốc hạt nhân đang chiến đấu trên lãnh thổ của một quốc gia khác.\”
\”Ở một điểm tương đồng khác, Ukraine đang theo chiến lược mà Việt Nam và Afghanistan đã áp dụng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh: người Ukraine không thể hy vọng thắng được người Nga và vì vậy phải cố gắng giáng đủ đòn trừng phạt — bằng cách giết, làm bị thương hoặc bắt giữ binh lính Nga — hy vọng Nga sẽ quyết định rút lui thay vì tiếp tục đổ máu.\”
\”Trong những tuần đầu tiên, cuộc chiến ở Ukraine đã mang đến hai điều bất ngờ nhưng cũng có tiền lệ trong Chiến tranh Lạnh. Nga đã gặp phải sự phản kháng gay gắt hơn nhiều so với dự đoán trước. Nguồn gốc của sự phản kháng đó là chủ nghĩa dân tộc Ukraine – quyết tâm sống trong một đất nước không có sự kiểm soát của nước ngoài. Tương tự như vậy, những người cộng sản Việt Nam đã thắng trong cuộc chiến chống lại Hoa Kỳ vì họ đã huy động được tình cảm dân tộc chủ nghĩa chống lại người Mỹ. Cuộc kháng chiến của người Afghanistan đã thắng Liên Xô bằng cách khai thác phiên bản địa phương của chủ nghĩa dân tộc, lòng trung thành của bộ lạc và tôn giáo.\”