Doanh nghiệp phương Tây tháo chạy khỏi Nga, ai hưởng lợi ?

Đăng ngày: 29/03/2022

Thanh Hà

« Đi hay ở ? » là bài toán khó đang đặt ra cho các doanh nghiệp phương Tây hoạt động tại Nga. Từ khi Ukraina bị xâm chiếm, tính đến ngày 18/03/2022 hơn 400 hãng lớn trên thế giới đã thông báo « đình chỉ các hoạt động » tại Nga tránh để mang tiếng tài trợ « cỗ máy chiến tranh » của ông Putin. « Nói dễ hơn làm » bởi đây là một quyết định gây thiệt hại bạc tỷ.

Các công ty biết rõ rằng khi đã ra đi thì khó mà quay trở lại. Kèm theo đó là nguy cơ bị tịch thu tài sản và các tập đoàn Trung Quốc lấp vào chỗ trống mà phương Tây để lại. 

Không hẹn mà hai hãng bia nổi tiếng trên thế giới Heineken và Carlsberg hôm 28/03/2022 cùng thông báo sẵn sàng bán lại cổ phần, rút lui khỏi thị trường Nga. Từ năm tuần qua, hình ảnh Ukraina bị tàn phá vì tên lửa của Matxcơva khiến danh sách các hãng của Âu-Mỹ quay lưng lại với nước Nga dài thêm theo từng ngày.

Các tập đoàn dầu khí Anh-Mỹ, từ BP đến Shell hay ExxonMobil đã mau chóng thông báo ra đi. Cực chẳng đã, con chim đầu đàn trong ngành công nghiệp năng lượng của Pháp là TotalEnergies mãi đến gần đây cũng phải quyết định ngưng mua dầu hỏa, nhưng vẫn không thể từ bỏ các nguồn cung cấp khí đốt của Nga.  

Trong ngành xe hơi, vô hình chung hãng xe Pháp Renault là nạn nhân của Kremlin. Tuần trước, Renault, hiện diện trên quê hương của tác giả cuốn Chiến Tranh và Hòa Bình từ những năm 1960, đã buộc phải thông báo tạm đóng cửa các nhà máy. Volvo Group của Thụy Điển đóng cửa nhà máy ở Kaluga, cách thủ đô Matxcơva 150 cây số về hướng tây nam. Đây là nơi mỗi năm sản xuất đến 5.000 xe vận tải. Về phía tập đoàn Đức Daimler Benz thì chuyển nhượng lại 15 % vốn cho đối tác Nga Kamaz.

Ngay trong tuần lễ đầu chiến tranh Ukraina, đại lý của nhãn hiện quả táo Apple, chuỗi giải khát Starbucks của Mỹ hay các nhà hàng ăn nhanh McDonald’s trên toàn lãnh thổ Nga đã nhanh chóng đóng cửa. Các nhãn hiệu hạng sang của Pháp cũng cho nhân viên tại Nga tạm nghỉ việc.

Nhưng đằng sau những thông báo « đóng cửa », « ngưng hoạt động » hay « rút lui » khỏi thị trường Nga là muôn vàn những thực tế khác nhau vào lúc Matxcơva bị quốc tế trừng phạt kinh tế và tài chính do đưa quân xâm chiếm Ukraina.

Nói dễ hơn làm

Michel Noiry chủ tịch tổng giám đốc Origa, một cơ quan tư vấn cho các doanh nghiệp, trụ sở tại Paris, giải thích tùy theo lĩnh vực hoạt động của công ty, quyết định « đi hay ở » không phải lúc nào cũng đơn giản. Nếu chỉ là một đại lý xe hơi, hay điện thoại, thì việc đóng cửa tương đối dễ dàng, thiệt hại không nhiều và chỉ ảnh hưởng đến nhân viên quản lý cửa hàng đó mà thôi. 

Trái lại nếu đã đầu tư vào các nhà máy sản xuất, vào cơ sở hạ tầng với các đối tác Nga như trong ngành công nghiệp xe hơi hay khai thác dầu khí, quyết định « ra đi » sẽ rất tốn kém và phức tạp về mặt pháp lý.

Đó là lý do vì sao một số công ty Âu-Mỹ nói chung, và Pháp nói riêng, bằng mọi giá vẫn duy trì các hoạt động trên lãnh thổ Nga. Trên đài RFI Pháp ngữ, giáo sư Eric Dor giảng dậy tại đại học quản trị kinh doanh IESEG của Pháp giải thích :

Eric Dor : « Có nhiều yếu tố giải thích thái độ bối rối của các hãng Pháp mà trước hết là cái giá phải trả khi một tập đoàn tháo chạy khỏi nước Nga. Ví dụ như hãng xe Renault, công ty này nắm giữ 68 % vốn của AvToVAZ và đây là hãng sản xuất xe Lada. Về mặt quốc tế, Nga chiếm 18 % thị phần của Renault và năm 2021 hãng xe Pháp này lãi 250 triệu euro nhờ buôn bán với Nga. Cho nên ngừng hoạt động tại Nga, đóng cửa các nhà máy và các địa điểm phân phối, Renault mất rất nhiều. Bài toán nan giải tương tự như vậy đối với trường hơp của hệ thống siêu thị Auchan hay các hãng chuyên bán vật liệu xây dựng Leroy Merlin hoặc là hãng sữa Danone ».

Nga là thị trường lớn thứ nhì của Renault sau Pháp. Đương nhiên viễn cảnh kinh tế Nga kiệt quệ vì chiến tranh, vì các đòn trừng phạt quốc tế, vì đồng rúp mất giá…, đè nặng lên các hoạt động của Renault tại Nga.

Một trở ngại khác hóc búa không kém liên quan đến luật kinh doanh của Nga. Như vừa nói Renault chẳng hạn kiểm soát gần 70 % vốn của AvtoVAZ và có đến ba nhà máy sản xuất xe hơi tại Nga. Vậy « ngừng hoạt động tại Nga » ba nhà máy đó sẽ phải đóng cửa tới khi nào ? Tương lai ba cơ sở đó với hàng chục ngàn nhân viên Nga sẽ ra sao ? Đó chưa kể câu hỏi cần giải quyết thế nào 68 % vốn của tập đoàn AvtoVAZ mà hãng xe Pháp đang nắm giữ ?

Eric Dor trường quản trị kinh doanh IESEG nêu lên một khía cạnh khác nữa của vấn đề :

Eric Dor : « Yếu tố thứ hai tôi muốn nói đến là ngoài những quyền lợi thuần túy về kinh tế, còn có vấn đề lương tâm ở đây nữa. Bốn mươi ngàn người Nga làm việc cho Renault, ngân hàng Société Générale tuyển dụng hơn 12 ngàn nhân viên. Đó là những người làm công ăn lương không nhất thiết họ tán đồng chiến tranh Ukraina nhưng họ cũng không có quyền chống đối. Vậy có nên bắt những người này trả giá hai lần hay không về một hành động hoàn toàn ngoài tầm kiểm soát và ngoài thẩm quyền của họ ? Đó là chưa kể Danone chẳng hạn, gần như độc quyền bán sữa cho trẻ sơ sinh. Nếu đóng cửa không chắc những đối thủ cạnh tranh của hãng này dễ dàng lấp vào chỗ trống Danone để lại. Không thể xem nhẹ tất cả những yếu tố đó ».

Luật kinh doanh của Nga

Vào lúc quốc tế trừng phạt chế độ của Vladimir Putin đem quân xâm lấn Ukraina và các hãng ngoại quốc ồn ào thông báo giữ khoảng cách với Nga, tại Matxcơva, phó thủ tướng đặc trách về kinh tế, Andrei Belaussov trình bày « ba giải pháp » chờ đợi các nhà đầu tư nước ngoài : Hoặc là tiếp tục hoạt động tại Nga, hoặc tạm chuyển nhượng cổ phần cho các đối tác Nga để bảo đảm các công ty vẫn được vận hành. Giải pháp sau cùng là vĩnh viễn rời khỏi nước Nga và trong trường hợp đó công ty bị tuyên bố phá sản, chính quyền sẽ chỉ định một đối tác Nga quản lý công ty. Nói cách khác, Nga tịch thu tài sản của nhà đầu tư ngoại quốc.

Về phía Pháp, nguồn đầu tư ngoại quốc quan trọng nhất của Nga, bảo đảm việc làm cho trên 160.000 người lao động, câu hỏi đặt ra là liệu rằng 1.200 công ty lớn nhỏ cho đến giữa tháng 2/2022 đang hoạt động tại Nga, có sẵn sàng vất bỏ lại tất cả vì chiến tranh Ukraina hay không ?

Chuyên gia về dầu khí, năng lượng, cố vấn của Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp, Olivier Appert giải mã thông báo của tập đoàn xăng dầu TotalEnegies « ngừng mua dầu hỏa của Nga » ngay từ cuối 2022, nhưng với khí đốt thì lại là một chuyện khác. 

Olivier Appert : « Trên thị trường dầu hỏa, mức độ rủi ro không nhiều, bởi vì TotalEnergies chủ yếu tập trung vào khí đốt. Công ty Pháp đã đầu tư một số tiền rất lớn, khoảng 13 tỷ euro để mua lại một phần của đối tác Nga Novatek. Chắc chắn là Pháp cần khí đốt của Novatek đó là khí hóa lỏng và lợi thế của tập đoàn này là không bị lệ thuộc vào các đường ống dẫn khí đốt của Nga »

Cần nói thêm, từ lâu nay TotalEnergies xem nước Nga là chìa khóa để làm chủ thị trường khí đốt – đặc biệt là khí hóa lỏng. Total là nhà đầu tư quan trọng nhất vào khí hóa lỏng của Nga với tham vọng trở thành mắt xích không thể thiếu trong chuỗi cung ứng năng lượng của Nga cho toàn châu Âu và cả một phần thị trường của châu Á. Novatek cho phép tập đoàn Pháp thực hiện giấc mơ đó. Và TotalEnergies biết rõ là vị trí của mình đang được rất nhiều các tập đoàn Trung Quốc nhòm ngó.

Nguy cơ hất khỏi thị trường Nga

Đối với bất kỳ một công ty nào, thì mục tiêu sau cùng cũng là để kiếm lời, là chinh phục những thị trường mới, là mở rộng uy tín trên thị trường nội địa và quốc tế. Trong ngắn hạn, một nền kinh tế Nga suy sụp không có lợi gì cho các doanh nhân nước ngoài. Không lợi ích gì khi « ở lại » một quốc đã bị loại ra ngoài hệ thống ngân hàng quốc tế và đang trong giai đoạn bị trừng phạt. Thêm vào đó là mang tiếng « tài trợ cho cỗ máy chiến tranh » của một « tên đồ tể » như tổng thống Mỹ Joe Biden đã đánh giá khi nói về ông Putin. Nhưng « ra đi » cũng không dễ mà chưa chắc là đã giúp được gì để ngăn chặn cỗ máy chiến tranh đó.

Eric Dor : « Chưa chắc là trong một sớm một chiều các hãng khác có thể nhập cuộc, lấp vào  chỗ trống.Tuy nhiên, khi tháo chạy khỏi thị trường Nga có nghĩa là các hãng của Âu-Mỹ để lại cơ sở, nhà máy và rất có thể là Matxcơva tịch thu tất cả những tài sản đó rồi trao cho các doanh nhân Nga quản lý. Đó là những người thân cận với chính quyền. Và như vậy có khác gì là bán rẻ cho các nhà tài phiệt Nga tài sản của mình hay không ? Nếu như Renault bán lại cổ phần đang nắm giữ của hãng xe AvtoVAZ, ai có điều kiện để mua lại phần vốn đó ngoài các doanh nhân thân với Putin ? Thực sự đây là một vấn đề rất nhậy cảm. Dù vậy cũng phải hiểu rằng các nhãn hiệu lớn của Âu-Mỹ không muốn bị coi là đồng lõa với Nga trong bối cảnh hiện nay ».

Kẻ ở người đi, cũng có rất nhiều các nhãn hiệu khác nổi tiếng không kém, bất chấp lệnh trừng phạt của quốc tế, vẫn trụ lại Liên Bang Nga. Đó là trường hợp của hệ thống siêu thị Auchan của Pháp, là dây chuyền phân phối hàng may mặc Mark&Spencer của Anh, là hệ thống nhà hàng ăn nhanh của Mỹ Burger King…

Điểm cuối cùng đáng chú ý ở đây là tất cả tranh luận về việc « nên đi hay ở lại Nga » xuất phát từ áp lực của công luận, của những người tiêu dùng và đó là một ý kiến mà các đại tập đoàn càng lúc càng quan tâm.

Bài Liên Quan

Leave a Comment