Những chiếc UUV do Iran tự sản xuất. Ảnh: Tehran Times
Nếu máy bay không người lái (UAV) được ví như át chủ bài trên không, thì các tàu ngầm tự hành (UUV) lại được coi là chìa khóa mở ra kỷ nguyên mới cho các cuộc đối đầu dưới đại dương.
Mới đây, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã lần đầu tiên cho ra mắt loại tàu ngầm thông minh không người lái dành cho lực lượng hải quân nước này. Theo Tehran Times, phát biểu trong sự kiện diễn ra tại thành phố cảng Bandar Abbas ở miền Nam Iran, Thiếu tướng Hossein Salami, Tư lệnh IRGC, đã nêu bật ý nghĩa của việc nâng cao năng lực quốc phòng và áp dụng những phương pháp mới để tăng cường sức mạnh quân sự cho Iran.
Với việc bổ sung các UUV, Thiếu tướng Salami khẳng định cấu trúc tạo nên sức mạnh lực lượng hải quân IRGC đã được hoàn thiện ở tất cả các phương diện.
Trong khi đó, giới phân tích đánh giá các tàu ngầm thông minh tự hành của Iran sẽ giúp tăng cường đáng kể khả năng phát hiện và ngăn chặn các mối đe dọa dưới biển, hỗ trợ Tehran kiểm soát an ninh của nhiều tuyến đường biển huyết mạch ở Trung Đông.
Với khả năng hoạt động ở gần như mọi địa hình dưới đáy đại dương, UUV có thể tiến hành nhiều nhiệm vụ dưới nước vốn không phù hợp với sự tham gia của con người. Những nhiệm vụ này bao gồm vẽ bản đồ nghiên cứu, đo lường độ sâu của vùng biển, thu thập dữ liệu về các đặc điểm như nhiệt, từ trường và âm thanh khi đi qua các vùng biển để phát hiện những mối nguy hiểm, từ đó giúp các tàu ngầm truyền thống đi qua một cách an toàn mà không bị phát hiện.
Khả năng này của UUV đặc biệt phù hợp khi sử dụng ở các vùng biển gây thách thức cho hoạt động của tàu ngầm truyền thống như các vùng nước nông, núi ngầm và bãi cạn.
UUV cũng có tiềm năng được sử dụng để thực hiện các chiến dịch săn mìn và đặt mìn. UUV có thể trinh sát các bãi mìn dưới biển và vô hiệu hóa chúng. Ngoài ra, UUV còn là hệ thống giám sát dưới nước hữu ích nhằm phát hiện kịp thời chuyển động của tàu chiến và tàu ngầm thuộc lực lượng đối phương.
Những năm gần đây, một số quốc gia đã tăng tốc phát triển UUV để giành lấy lợi thế chiến lược ở những vùng biển trọng yếu. Theo trang Asia Times, Vương quốc Anh, nước đang mở rộng sự hiện diện quân sự ở Thái Bình Dương, chuẩn bị vận hành tàu ngầm không người lái cực lớn đầu tiên để bổ sung cho các tàu ngầm lớp Astute của mình.
Dự án của hải quân Hoàng gia Anh mang tên CETUS nhằm tạo ra một phiên bản UUV dài 12m, nặng 27 tấn với chi phí gần 30 triệu USD. Ngoài ra, Anh cũng đang nghiên cứu UUV Manta, phiên bản không người lái của tàu lặn có người lái S201 do nhà thầu MSubs sản xuất.
Trong khi đó, Mỹ cũng đang nghiên cứu chế tạo phương tiện dưới biển không người lái cực lớn (XLUUV) mang tên Orca. 5 chiếc Orca dự kiến được chế tạo vào cuối năm 2022. Đây là dự án do Boeing và Huntington Ingalls Industries (HII) hợp tác thực hiện với chi phí hơn 274 triệu USD.
Bryan Clark- nhà phân tích của Trung tâm Đánh giá ngân sách và chiến lược đồng thời là một cựu sĩ quan tàu ngầm cho rằng, hải quân Mỹ sẽ sử dụng Orca cho các nhiệm vụ như vận tải, rải thủy lôi, lập bản đồ đáy đại dương hoặc thu thập thông tin tình báo.
Các nhà phân tích cho biết, giống như máy bay không người lái đang thay đổi bản chất của chiến tranh trên không, tàu ngầm không người lái đang thay đổi quan điểm của hải quân về những trận chiến dưới đáy biển. Đáng chú ý hơn, UUV có thể trở thành con bài chiến lược khi mang vũ khí hạt nhân.
Những “bóng ma dưới đáy biển” này có thể vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa của kẻ thù bằng cách di chuyển dưới nước, tiến gần hoặc vào trong các thành phố ven biển quan trọng, các cảng biển và căn cứ hải quân để thực hiện mục đích tấn công chớp nhoáng.
HÙNG HÀ