Đăng ngày: 30/03/2022
Trọng Nghĩa
Sau gần năm tuần lễ xua quân xâm lược và liên tục dội bom đạn và tên lửa xuống các thành phố lớn của nước láng giềng, vào hôm qua, 29/03/2022, các cuộc đàm phán thực chất đầu tiên giữa Nga và Ukraina tại thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) đã mang lại những tia hy vọng hòa dịu đầu tiên, với cam kết xuống thang quân sự từ phía Matxcơva, và nhượng bộ đáng kể từ phía Kiev khi chấp nhận từ bỏ ý định gia nhập NATO để tiến tới một quy chế trung lập.
Tuy nhiên, căn cứ vào những tiền lệ nuốt lời hứa trước đây của tổng thống Nga Putin, giới quan sát đang tự hỏi là đề nghị xuống thang quân sự của Matxcơva phải chăng chỉ là một thủ đoạn tranh thủ thời gian, chỉnh đốn lực lượng trước khi tung ra ngón đòn dứt điểm.
Khi cam kết tại cuộc đàm phán Istanbul là Nga sẽ giảm “triệt để” hoạt động quân sự của mình ở các khu vực Kiev và Chernihiv, thứ trưởng Quốc Phòng Nga Alexandre Fomine đã giải thích rằng các cuộc đàm phán đang chuyển biến tích cực, do đó cần đến một cử chỉ nhằm “tăng cường sự tin tưởng”.
Nhật báo Anh Daily Telegraph còn ghi nhận việc ông Vladimir Medinsky, đại diện Điện Kremlin tại bàn đàm phán cũng tuyên bố rằng Mátxcơva không muốn “để Kiev gặp rủi ro quân sự”, trong khi thủ đô Ukraina là nơi hoạt động của “những người mà quyết định có thể mang lại hòa bình, ví dụ như tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky”.
Tuy nhiên, đối với nhiều nhà quan sát, quyết định của Nga liên quan đến chiến dịch quân sự tại khu vực Kiev – và một vài nơi khác – bắt nguồn từ những thất bại quân sự họ đã gặp phải trong việc tấn công đánh chiếm Kiev cũng như nhiều thành phố lớn của Ukraina.
Nhật báo Anh The Guardian nhận định thẳng thừng là “Nga đã thất bại trong việc đánh chiếm thủ đô Ukraina” và buộc đối phương phải “đầu hàng nhanh chóng”. Đối với tờ báo, thì “Matxcơva đã phô trương quyết định của họ như là một cử chỉ thiện chí, nhưng lại loan báo việc này vào lúc đà tiến công của Nga như đã bị đình trệ trên một số mặt trận, với lực lượng Nga phải đối mặt với sự kháng cự gay gắt của Ukraina, bị tổn thất nặng nề về nhân mạng, hậu cần và chiến thuật”.
Tóm lại, đối với nhật báo Mỹ The Washington Post, quyết định xuống thang quân sự của Nga “không phải là một cử chỉ thân thiện đột ngột của những tội phạm chiến tranh tại Điện Kremlin”, vì “chiến dịch xâm lược ma quỷ của Vladimir Putin vẫn tiếp diễn ở những vùng còn lại của Ukraina”.
Theo nhiều nhà quan sát phương Tây, việc cam kết xuống thang quân sự của Nga có thể chỉ là một thủ đoạn câu giờ nhằm củng cố lực lượng, chuẩn bị cho một đợt tấn công mới.
Đây chính là quan điểm của Washington. Trả lời báo mạng Mỹ The Hill, phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby cho rằng: “Những tuyên bố gần đây của Điện Kremlin hề lừa được ai. Chúng tôi nghĩ rằng đây là một cuộc tái bố trí lực lượng chứ không phải là một cuộc rút quân thực sự”. Theo ông Kirby, Hoa Kỳ chờ đợi “một cuộc tấn công lớn ở các khu vực khác của Ukraina”.
Riêng nhật báo Pháp Ouest-France thì cho rằng khó có thể tin tưởng vào lời hứa của Nga. Matxcơva đã xua quân xâm lược láng giềng ngày 24/02/2022 sau khi đã hứa không can thiệp quân sự vào Ukraina hàng tuần và hàng tháng trước đó.
Ngoài ra không có gì cho thấy rằng Nga đã từ bỏ một trong những mục tiêu tiềm tàng của cuộc chiến này: Chiếm miền nam Ukraina, nơi giàu có nhất về nông nghiệp và công nghiệp. Việc “lui binh” ở vùng xung quanh Kiev không hề là dấu hiệu dự báo một điều tương tự ở Mariupol và thậm chí ở Odessa.