Đăng ngày: 30/03/2022
Trọng Nghĩa
Cuộc chiến xâm lược Ukraina của Nga hôm nay, 30/03/2022 bước vào ngày thứ 35, với một tia hy vọng nhỏ về cơ may thoát khỏi khủng hoảng lóe lên tại Thổ Nhĩ Kỳ vào hôm qua. Sau một phiên đàm phán song phương, Matxcơva tuyên bố rút một phần quân khỏi khu vực Kiev và miền bắc Ukraina, trong lúc Kiev có vẻ sẵn sàng thỏa hiệp để đạt được một cuộc hưu chiến.
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky lần đầu tiên đã ghi nhận một số tín hiệu “tích cực”, nhưng vẫn tỏ thái độ thận trọng, tương tự như các lãnh đạo phương Tây.
Trong một phát biểu vào khuya hôm qua, tổng thống Ukraina đã kêu gọi người dân cảnh giác, cho dù các cuộc đàm phán đang diễn ra ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) đã để lộ một vài “tín hiệu tích cực”. Theo ông Zelensky: “Kẻ thù vẫn ở trong lãnh thổ của chúng ta. Các cuộc bắn phá các thành phố của chúng ta vẫn tiếp diễn. Mariupol đang bị bao vây”. Đối với lãnh đạo Ukraina: “Người Ukraina không phải là một dân tộc ngây thơ”, và “chỉ những hành động cụ thể” trên hiện trường mới có thể đánh giá được thực tâm của Matxcơva.
Từ Kiev, thông tín viên RFI Stéphane Siohan giải thích:
Hôm qua Thứ Ba tại Istanbul, đại diện của Điện Kremlin thông báo rằng Nga sẽ rút một phần quân đội khỏi các khu vực Kiev, Chernihiv, Sumy và Kharkov, để cho phép bắt đầu đối thoại.
Tại Kiev, người ta cho rằng sở dĩ Điện Kremlin đã phải đưa ra quyết định như vậy, đó là vì trên hiện trường, cuộc phản công của lực lượng Ukraina đang diễn ra, đe dọa nghiêm trọng các vị trí của quân Nga ở phía bắc Ukraina.
Về phần mình, Ukraina cũng đã có nhiều nhượng bộ, mặc nhiên chấp nhận nguyên tắc không gia nhập Liên Minh NATO, nhưng gợi lên một kiến trúc an ninh mới:
Kiến trúc đó sẽ là một hiệp ước quốc tế, được các nước Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Israel, Đức, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada và Ba Lan phê chuẩn. Cơ chế này sẽ bảo đảm an ninh và chủ quyền của Ukraina, đồng thời sẽ tạo điều kiện cho Ukraina gia nhập Liên Hiệp Châu Âu.
Chỉ có điều là tại Kiev, những đề xuất này được tiếp nhận với nhiều sự nghi kỵ vì lẽ Nga cũng sẽ tham gia hệ thống, trong khi chính Nga là nước đã khởi động cuộc chiến đẫm máu đang diễn ra.
Tổng thống Zelensky đã tiếp nhận những bước tiến tại Istanbul bằng thái độ thận trọng, vì lẽ trên chiến trường, quân đội Nga đang bố trí lại lực lượng hơn là triệt thoái, và trong suốt đêm qua cho đến hôm nay, đại bác vẫn tiếp tục gầm lên xung quanh thủ đô Kiev.
Lời kêu gọi cảnh giác của tổng thống Ukraina được đưa ra vào lúc chính quyền Mỹ đã bày tỏ thái độ hoài nghi về các thông báo của Nga. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết là Washington “sẽ theo dõi xem liệu Nga có giữ lời hứa hay không”, trước khi kêu gọi duy trì áp lực đối với Nga thông qua các lệnh trừng phạt.
Theo Nhà Trắng đó cũng là quan điểm của các nước phương Tây được nêu lên trong một cuộc điện đàm vào hôm qua giữa ông Joe Biden với tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng như các thủ tướng Anh Boris Johnson, Ý Mario Graghi và Đức Olaf Scholz.