Đăng ngày: 31/03/2022
Thùy Dương
Số người Ukraina phải rời bỏ đất nước đi lánh nạn kể từ khi quân Nga xâm lược Ukraina đã vượt ngưỡng 4 triệu người, theo số liệu Phủ Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (HCR) công bố hôm thứ Tư 30/03/2022. Đây là số người tị nạn cao nhất tại châu Âu kể từ sau Đệ Nhị thế Chiến.
Theo HCR, kể từ khi Nga xâm lược Ukraina, 24/02 cho đến 30/03, đã có gần 4 triệu 20 ngàn người tị nạn Ukraina ở nước ngoài. 90% số người Ukraina chạy nạn là phụ nữ và trẻ em. Ngoài ra, theo Liên Hiệp Quốc, còn có khoảng 6,5 triệu người phải di tản từ vùng này sang vùng khác ngay trong nước. Như vậy, trong vòng 5 tuần, có tổng cộng hơn 10 triệu người (hơn 25% dân số Ukraina) phải rời bỏ nhà cửa vì chiến tranh loạn lạc.
Cũng trong ngày hôm qua, cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet kêu gọi các nước tiếp nhận người tị nạn Ukraina có « biện pháp bảo vệ đặc biệt cho phụ nữ và trẻ em, trước mối đe dọa về nạn buôn người, kể cả bóc lột tình dục và bóc lột lao động ». Hiện nay, Ba Lan vẫn là nước tiếp nhận nhiều người tị nạn Ukraina nhất : hơn 2,3 triệu.
Cao ủy nhân quyền Michelle Bachelet : Quân đội Nga dường như phạm tội ác chiến tranh
Phát biểu trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, cao ủy nhân quyền Michelle Bachelet ngày 30/03 nhận định các vụ tấn công của quân đội Nga tại Ukraina có thể là « tội ác chiến tranh », nguyên tắc cơ bản về phân biệt mục tiêu quân sự và dân sự đã không được tôn trọng.
Lãnh đạo Hội đồng Nhân quyền nhấn mạnh là có những cáo buộc đáng tin cậy rằng quân Nga ít nhất 24 lần đã sử dụng bom chùm nhắm vào các khu vực đông dân. Quốc tế đã có công ước cấm sử dụng loại vũ khí có tính sát thương cao này, nhưng cả Nga và Ukraina đều không nằm trong số các nước ký công ước.
Riêng về các cơ sở y tế, theo AFP, bà Bachelet cho biết có khoảng 77 cơ sở, trong đó có 50 bệnh viện, bị hư hại và khoảng 10 cơ sở đã bị phá hủy hoàn toàn. Tuy nhiên, cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc lưu ý con số này trên thực tế có thể cao hơn nhiều, tương tự như số thường dân thiệt mạng.
Theo số liệu chính thức của Liên Hiệp Quốc, tính đến ngày 29/03, có 1.189 thường dân Ukraina, trong đó có 98 trẻ em, đã thiệt mạng vì chiến tranh. Trên thực tế, có nhiều nơi bị tấn công bắn phá nặng nề nhưng Liên Hiệp Quốc chưa thể thống kê số thương vong cụ thể, như Mariupol (miền đông nam Ukraina), nơi mà Cao ủy nhân quyền cho rằng có những hố chôn tập thể. Còn theo chính quyền Ukraina, chỉ riêng tại thành phố cảng này có 5.000-10.000 người chết vì chiến tranh.