Tạm giam Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết – Giọt nước tràn ly

  • Hoàng Ngọc Anh
  • Gửi cho BBC, từ Anh quốc

\"Ông
Chụp lại hình ảnh,Ông Trịnh Văn Quyết

Ngỡ ngàng, hốt hoảng là những cảm xúc ban đầu của nhiều người Việt Nam khi nghe tin có lệnh bắt tạm giam và khởi tố ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch tập đoàn FLC.

Ngỡ ngàng vì trước đó ở ngay tại London, Anh Quốc đang có một sự kiện đã lên lịch sẵn có sự tham gia của Bamboo Airways công ty hàng không thuộc Tập đoàn FLC, đồng tổ chức cùng Đại sứ quán Việt Nam \”Diễn đàn du lịch Việt Nam\” vào ngày 30/3 năm 2022.

Hoảng hốt bởi lệnh bắt tạm giam và khởi tố đối Chủ tịch FLC quá nhanh và bất ngờ, nó khiến cho hàng nghìn người đang nắm trong tay nhóm cổ phiếu FLC thực sự hoảng loạn.

Theo trang báo Lao Động đưa tin, trong 4 ngày từ 20 đến 24 tháng 10 năm 2017 ông Trịnh Văn Quyết đã bán ra 57 triệu cổ phiếu mã FLC mà không báo cáo thông tin giao dịch với Ủy ban chứng khoán Nhà nước (SSC) và Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE).

Tương tự, cùng thời gian FLC Faros do ông Trịnh Văn Quyết làm Chủ tịch hội đồng quản trị đã bán ra 13,6 triệu cổ phiếu AMD của Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản AMD Group.

Nhưng tất cả cái giá cho những sai phạm đó chỉ là hình thức phạt hành chính với con số vô cùng nhỏ bé là 65 triệu đồng và 130 triệu đồng.

Hành vi tháo túng thị trường có hệ thống?

Không chỉ còn là sai phạm đơn thuần, theo tờ Markettimes, trong tay Chủ tịch Trịnh Văn Quyết có đến 20 tài khoản chứng khoán và đã tham gia vào 28 phiên giao dịch, thực hiện mua đi bán lại để đẩy giá chứng khoán của FLC, trong giai đoạn cuối năm 2021, với phương thức này ông Trịnh Văn Quyết đã thu lợi bất chính đến 530 tỷ.

Nếu chi tiết này đúng, thì sự thao túng này đã làm méo mó thị trường chứng khoán Việt Nam. Sự tiếp diễn của ông Trịnh Văn Quyết không chỉ đơn thuần dừng lại ở mức phạt hành chính 1,5 tỷ đồng, bởi nó đang gây ra những hệ lũy làm mất lòng tin của nhiều nhà đầu tư và không mang lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp và nền kinh tế khi các nhà đầu tư chỉ chăm chăm lướt sóng và đu đỉnh để hòng kiếm lợi nhuận từ chênh lệch giá cổ phiếu.

Hành vi tháo túng thị trường chứng khoán luôn có những hình phạt thích đáng.

Vào năm 2018 Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ đã phạt ông chủ của Tesla Elon Musk 40 triệu đô la Mỹ vì đang đưa ra những dòng tweet sai lệch và gây hiểu lầm làm đẩy giá cổ phiếu Tesla trên thị trường chứng khoán.

Theo trang báo BBC, trước đó tại Anh, vào năm 2015 Navinder Singh Sarao 36 tuổi đã bị bắt tại Anh, sau khi các nhà chức trách Hoa Kỳ cáo buộc anh ta đã góp phần vào \”vụ tai nạn chớp nhoáng\” ở Phố Wall năm 2010.

Cũng theo BBC đưa tin, Navinder Singh Sarao đã dùng một phần mềm để tạo ra những lệnh mua hoặc bán ảo nhằm đẩy, hoặc làm mất giá của nhiều cổ phiếu và thu lợi từ chúng sau khi mua vào với giá thấp và bán ra với giá cao.

Anh đã được dẫn độ sang Mỹ, ban đầu anh ta phải đối mặt với 22 cáo buộc, có mức án tối đa là 380 năm.

Những sau đó các công tố viên chỉ đưa ra mức án một năm quản chế tại gia đối với anh vì Sarao không tiêu tiền vào bất kỳ thứ gì xa xỉ.

Rõ ràng không thể dung thứ cho những hành động sai trái thao túng thị trường chứng khoán.

Nếu Bộ Công an Việt Nam quả thật đủ bằng chứng, thì việc bắt tạm giam và khởi tố với ông Trịnh Văn Quyết với hành vi thao túng thị trường chứng khoán là cần thiết để làm sạch một kênh đầu tư đang góp phần vào chuyển dịch dòng tiền trên thị trường tài chính Việt Nam hết sức hiệu quả và cần thiết.

Hơn nữa đây sẽ là lời cảnh tỉnh cho nhiều nhà đầu tư chứng khoán cần hiểu rõ và tuân thủ pháp luật khi tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam vào lúc này.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Bài Liên Quan

Leave a Comment