Đăng ngày: 08/04/2022
Mặc dù những tội ác chiến tranh của quân Nga ở Ukraina ngày càng lộ rõ, đến mức Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua quyết định đình chỉ tư cách thành viên của Matxcơva tại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, thế giới có vẻ như không còn đoàn kết chống cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina.
Những hình ảnh về các hố chôn tập thể và những thi thể nằm đầy đường phố Bucha đã không củng cố thêm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với Ukraina.
Trong cuộc bỏ phiếu của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ngày 02/03/2022 về nghị quyết yêu cầu Nga chấm dứt ngay lập tức chiến tranh Ukraina, đã có đến 141 quốc gia thành viên bỏ phiếu thuận. Chỉ có 5 nước, trong đó có Nga và Syria, bỏ phiếu chống. Hôm đó, nhiều nhà ngoại giao đã đứng dậy vỗ tay hoan nghênh kết quả “lịch sử” này.
Nhưng hơn một tháng sau, cuộc biểu quyết hôm qua, 07/04, về việc khai trừ Nga khỏi Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc lại diễn ra khác hẳn. Có đến 24 nước bỏ phiếu chống nghị quyết do Hoa Kỳ đề nghị. Ví dụ như Trung Quốc, đồng minh trung thành của Nga, không còn giữ khoảng cách với Matxcơva nữa. Nếu như trong cuộc biểu quyết hôm 02/03 Bắc Kinh đã bỏ phiếu trắng, thì lần này họ bỏ phiếu chống nghị quyết.
Các nước đồng minh của Nga đa số là những quốc gia thường xuyên bị chỉ trích về nhân quyền, như Trung Quốc, Venezuela và Cu Ba đã bỏ phiếu chống với lý do Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc đã bị “chính trị hóa” với cuộc biểu quyết hôm qua.
Việt Nam bỏ phiếu phản đối nghị quyết
Việt Nam cũng làm giống như Trung Quốc, bỏ phiếu chống nghị quyết khai trừ Nga khỏi Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, sau khi đã bỏ phiếu trắng trong cuộc biểu quyết ngày 02/03. Như để giải thích cho lá phiếu chống, trong bài phát biểu hôm qua tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, đại sứ Đặng Hoàng Giang, trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, tuyên bố Việt Nam “phản đối mọi hành vi tấn công dân thường, vi phạm luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế”, nhưng lại cho rằng cần xác minh, kiểm chứng các thông tin gần đây “một cách công khai, minh bạch, khách quan, với sự hợp tác của các bên liên quan”. Điều đáng nói là Việt Nam đã bỏ phiếu chống vào lúc mà nước này đang ứng cử thành viên Hội Đồng Nhân Quyền nhiệm kỳ 2023-2025 để “đóng góp vào các nỗ lực chung của thế giới nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.”
Trong khối ASEAN, ngoài Việt Nam và Lào bỏ phiếu chống, lần này đa số các nước thành viên khác đều bỏ phiếu trắng (Brunei, Cam Bốt, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore), chỉ có Philippines và đáng ngạc nhiên hơn, Miến Điện, là bỏ phiếu thuận.
Về phần Ấn Độ, mặc dù tuyên bố “bị chấn động rất mạnh” về các vụ thảm sát thường dân ở thành phố Bucha, nước này một lần nữa đã bỏ phiếu trắng. Hôm qua, tổng cộng đã có đến 54 quốc gia bỏ phiếu trắng, chỉ còn 93 quốc gia bỏ phiếu thuận, thấp hơn nhiều so với 141 lá phiếu thuận trong cuộc biểu quyết ngày 02/03 của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.
Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc ra đời vào năm 2006 nhằm thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền toàn cầu. Cơ quan này gồm 47 thành viên được bầu chọn, phân chia theo tỉ lệ đại diện các khu vực địa lý thế giới. Trong thành phần Hội Đồng hiện nay, Nga đại diện cho các nước Đông Âu với nhiệm kỳ 3 năm, bắt đầu từ tháng 01/2021. Ngay sau cuộc biểu quyết hôm qua, Nga đã phản đối bằng cách kết thúc sớm nhiệm kỳ của nước này
Nga chỉ là nước thứ hai trong lịch sử bị đình chỉ tư cách thành viên Hội Đồng Nhân Quyền, sau Libya vào năm 2011. Ngoài ra, đây là lần đầu tiên 1 trong 5 nước thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An bị đình chỉ tư cách thành viên trong một cơ quan của Liên Hiệp Quốc. Nhưng vấn đề là việc này sẽ không đủ để buộc được tổng thống Putin chấm dứt cuộc chiến tàn khốc tại Ukraina, nhất là vào lúc mà quốc tế có vẻ không còn đoàn kết mạnh mẽ chống cuộc xâm lăng của Nga.