Vai trò của Hội đồng Bảo hiến xuyên suốt kỳ bầu cử tổng thổng Pháp

Đăng ngày: 08/04/2022

Thùy Dương

Đời sống chính trị của Pháp chuẩn bị bước vào những ngày quan trọng : 48 triệu cử tri được kêu gọi đi bầu tổng thống Pháp vào ngày 10/04 (vòng 1) và 24/04 (vòng 2). Xuyên suốt kỳ bầu cử tổng thống Pháp, đằng sau sắc lệnh tổ chức bầu cử, ngày bầu cử, danh sách ứng viên chính thức, việc tổ chức ở các đơn vị bầu cử, kết quả bầu cử chính thức … là vai trò giám sát của Hội đồng Bảo hiến.  

\"\"

Hội đồng Bảo hiến : Vai trò và thành phần

Ngày 23/03/2022, trả lời phỏng vấn RFI tiếng Việt, ông Jean-Jacques Ladet, dân biểu tỉnh Loire, vùng Auvergne-Rhône-Alpes, miền đông nam Pháp, trước hết khái quát vài nét về thành phần và vai trò của Hội đồng Bảo hiến Pháp :  

 « Hội đồng Bảo hiến được thành lập theo Hiến pháp của nền Đệ ngũ Cộng hòa có từ năm 1958. Vai trò chính của Hội đồng Bảo hiến là giám sát xem luật pháp có phù hợp với Hiến pháp hay không. Hiến pháp là yếu tố tham chiếu, xác định hình thái Nhà nước : một Nhà nước Cộng hòa không thể chia cắt, thế tục, dân chủ, xã hội và sau này là phân quyền và phù hợp chế độ chính trị bán tổng thống và chế độ nghị viện.  

Hiến pháp đề ra một số thủ tục thông qua luật về tổ chức, với mục tiêu là xác định phương pháp bảo vệ các quyền và tự do được Hiến pháp bảo đảm. Hội đồng Bảo hiến xác minh tính hợp hiến của các đạo luật. Có hai loại luật : luật về tổ chức và các đạo luật thông thường. Nói cho đơn giản thì luật về tổ chức là phần mở rộng của văn bản Hiến pháp. Luật này cho phép xác định các lĩnh vực được liệt kê trong Hiến pháp và cho phép một số phương thức áp dụng nhất định. Nghe thì có vẻ phức tạp, nhưng chúng ta có thể lấy ví dụ về luật về tổ chức liên quan đến các luật về tài chính, chẳng hạn LOLF, luật đề ra khuôn khổ cho các đạo luật tài chính được thông qua hàng năm. 

Các đạo luật thông thường đương nhiên là phải phù hợp với luật về tổ chức, nói cách khác đạo luật thông thường xác định, hoặc thông qua dự án, hoặc thông qua đề xuất, các quy định và nguyên tắc cơ bản trong các lĩnh vực của đời sống cộng đồng, sinh hoạt chung, những lĩnh vực được nêu cụ thể trong Hiến pháp, chẳng hạn các quyền tự do công cộng, tội phạm, giáo dục, quốc hữu hóa. Mọi điều thuộc trật tự tổ chức cơ bản của đất nước đều thuộc phạm vi luật thông thường.  

Mọi luật về tổ chức đều phải được đệ trình lên Hội đồng Bảo hiến, đó là điều bắt buộc, còn các đạo luật thông thường thì không, nhưng cũng có thể phải làm như vậy nếu có yêu cầu của tổng thống Cộng hòa Pháp, chủ tịch Thượng Viện, chủ tịch Hạ Viện hoặc 60 dân biểu Hạ Viện hoặc 60 thượng nghị sĩ. Thế nên chúng ta thường hay nghe nói là các dân biểu Hạ Viện đã xin ý kiến ​​của Hội đồng Bảo hiến về một dự luật, một đề xuất về luật của chính phủ hoặc của chính Hạ Viện.  

Hội đồng Bảo hiến gồm có 9 thành viên, với nhiệm kỳ 9 năm, cứ sau 3 năm thì 1/3 số thành viên Hội đồng Bảo hiến được bầu mới. Người thứ nhất do tổng thống bổ nhiệm, thành viên thứ 2 do chủ tịch Thượng Viện chọn và thành viên thứ 3 do chủ tịch Hạ Viện quyết định. Tổng thống chỉ định 1 trong 9 thành viên làm chủ tịch Hội đồng Bảo hiến. Hiện tại, Laurent Fabius, người từng làm thủ tướng hồi năm 1984, là chủ tịch Hội đồng Bảo hiến. » 

Bảo đảm tính hợp thức của kỳ bầu cử tổng thống

Về vai trò của Hội đồng Bảo hiến đối với việc tổ chức kỳ bầu cử tổng thống Pháp, dân biểu Ladet giải thích : 

« Trước tiên, Hội đồng Bảo hiến là định chế định ngày bầu cử tổng thống, chính Hội đồng Bảo hiến ấn định ngày bầu cử tổng thống Cộng hòa Pháp. Cũng chính Hội đồng Bảo hiến lập danh sách các ứng viên tổng thống sau khi kiểm tra và xác nhận chữ ký giới thiệu của 500 dân biểu, gồm các thị trưởng, dân biểu cấp tỉnh, cấp vùng, thượng nghị sĩ và dân biểu Hạ Viện … Vì vậy, ở một chừng mực nào đó, có thể nói là chính Hội đồng Bảo hiến thông qua việc ra tranh cử của các ứng viên, đồng thời lập danh sách chính thức các ứng viên tổng thống. Trong kỳ bầu cử tổng thống Pháp năm nay, có 12 ứng viên đáp ứng các tiêu chuẩn được quy định trong Hiến pháp. 

Hội đồng Bảo hiến cũng thực hiện vai trò kiểm tra, giám sát. Vào ngày bỏ phiếu bầu cử tổng thống, Hội đồng Bảo hiến chỉ định một số đại diện đến theo dõi để bảo đảm cuộc bầu cử ở các tỉnh và vùng lãnh thổ hải ngoại được tiến hành đúng, suôn sẻ, thuận lợi.  

Ngoài ra, một trách nhiệm quan trọng khác của Hội đồng Bảo hiến là kiểm tra giám sát tài chính. Quý vị chắc còn nhớ, chúng ta đã đừng đề cập đến vấn đề này ở kỳ trước, Hội đồng Bảo hiến không phải định chế đầu tiên kiểm tra, giám sát tài chính, đây không phải sự kiểm tra giám sát trực tiếp. Công tác kiểm tra giám sát trực tiếp là do Ủy ban quốc gia chuyên trách các tài khoản chiến dịch tranh cử và tài chính của các chính khách thực hiện.

Nhưng ứng viên có thể khiếu nại nếu Ủy ban nói trên phản đối việc chi tiêu của họ, ví dụ về chiến dịch huy động tài chính hoặc số tiền chi tiêu cho chiến dịch vượt quá định mức đã được ấn định. Ứng viên có thể khiếu nại lên Hội đồng Bảo hiến để Hội đồng xem xét lại quyết định của Ủy ban chuyên trách tài chính, nhưng ứng viên chỉ có thể làm vậy với tài khoản tranh cử của chính họ, chứ không có quyền yêu cầu Hội đồng Bảo hiến kiểm tra tài khoản tranh cử của các ứng viên khác.  

Và cũng chính Hội đồng Bảo hiến chính thức công bố kết quả bầu cử vòng 1, và trên hết là kết quả bỏ phiếu vòng 2 và thông báo cho dân chúng biết ai trở thành tổng thống Cộng hòa Pháp ».  

Có nhiều cơ quan chuyên trách trong kỳ bầu cử tổng thống Pháp : Ủy ban quốc gia về tài khoản chiến dịch tranh cử và tài trợ cho chính khách, Hội đồng nghe nhìn cấp cao giám sát thời gian phát sóng và thời gian phát biểu của các ứng viên trên các phương tiện nghe nhìn, Ủy ban giám sát các cuộc thăm dò ý kiến ​​; Ủy ban quốc gia giám sát việc áp dụng nguyên tắc đối xử bình đẳng với các ứng viên, tuy nhiên theo điều 58 của Hiến pháp, Hội đồng Bảo hiến có nhiệm vụ chung là đảm bảo tính hợp thức của kỳ bầu cử tổng thống.

Về tài chính, nếu một ứng viên không đồng ý với ý kiến của Ủy ban quốc gia về tài khoản chiến dịch tranh cử và tài trợ cho chính khách thì có thể khiếu nại lên Hội đồng Bảo hiến nhưng chỉ sau khi Hội đồng bảo hiến đã công bố kết quả bầu cử chính thức. Đó là trường hợp của tổng thống Nicolas Sarkozy trong kỳ tái tranh cử tổng thống hồi năm 2012. Hội đồng Bảo hiến có 6 tháng để ra phán quyết có bác quyết định của Ủy ban tài chính hay không, và trong kỳ bầu cử 2012, Hội đồng Bảo hiến đã bác khiếu nại của ông Sarkozy. Còn đối với quyết định của các cơ quan chuyên trách khác về bầu cử, ứng viên chỉ có thể khiếu nại lên một cơ quan cấp hành chính chứ không phải Hội đồng Bảo hiến.  

Theo điều 7 Hiến pháp, trong trường hợp một ứng viên chẳng may qua đời hay vì một lý do gì đó không thể tiếp tục chiến dịch tranh cử tổng thống thì Hội đồng Bảo hiến có quyền hoãn ngày bầu cử, dựa trên ý kiến của tổng thống, thủ tướng, chủ tịch Hạ Viện hoặc chủ tịch Thượng Viện. Khi đó, Hội đồng Bảo hiến sẽ phải khởi động lại toàn bộ quy trình tổ chức bầu cử. Tuy nhiên, trên thực tế, điều này chưa từng xảy ra.  

Một sứ mệnh, ba giai đoạn

Sứ mệnh của Hội đồng Bảo hiến bắt đầu nhiều tháng trước ngày bầu cử, được chia thành 3 giai đoạn chính tương ứng với giai đoạn trước, trong, và sau bầu cử : công tác theo dõi, giám sát và đưa ra các quyết định về việc tổ chức bầu cử hợp hiến, công tác giám sát triển khai việc bỏ phiếu và tuyên bố kết quả. Vậy đối với dân chúng, dấu ấn của Hội đồng Bảo hiến thể hiện rõ nhất ở giai đoạn nào ? Dân biểu tỉnh Loire, Jean-Jacques Ladet, trả lời : 

 « Điều này mang tính chủ quan hơn một chút. Nhưng tôi thì tôi tin rằng công chúng đặc biệt chú ý đến các mốc thời gian được công bố trong sắc lệnh triệu tập cử tri. Tôi nghĩ rằng người Pháp cũng sốt ruột, mong ngóng danh sách các ứng viên chính thức, đặc biệt là năm nay, bởi có nhiều ứng viên dường như gặp khó khăn trong việc có được đủ chữ ký giới thiệu của 500 dân biểu. Và mọi người đã tranh luận về việc có nên duy trì quy định về 500 chữ ký giới thiệu của dân biểu hay là nên hướng tới các phương thức khác để chỉ định các ứng viên chính thức.  

Vấn đề về tài chính trong vận động tranh cử nhiều khi cũng thu hút công chúng. Đã từng có những chiến dịch vận động tranh cử vượt quá định mức chi tiêu và đã bị xử lý hình sự bởi dẫu sao đó cũng là những khoản tiền rất lớn. Và tôi tin rằng các công dân Pháp đều nhạy cảm về vấn đề này, đương nhiên là họ muốn các ứng viên phải tôn trọng các định mức về tài chính. Có thể là cũng có nhưng theo tôi biết thì không có nhiều kiện tụng về bầu cử tổng thống, không nhiều như đối với các cuộc bầu cử ở cấp địa phương.  

Về kết quả bầu cử thì cũng vậy, tôi nghĩ là dân Pháp rất chú ý đến kết quả. Tất cả mọi người sẽ mong kết quả mà Hội đồng Bảo hiến công bố sau vòng 2 bầu cử. Tôi hy vọng là như vậy. Bây giờ thì với công nghệ hiện đại, mọi người có thể biết kết quả vào 20 giờ (khi các phòng phiếu đóng cửa), theo đó ai sẽ là tổng thống kế tiếp của nước Pháp. Đương nhiên là kết quả được công bố, nhưng không phải là công bố chính thức ngay tối hôm đó, cần đợi sau 3 ngày thì Hội đồng Bảo hiến mới công bố chính thức kết quả bầu cử ».  

Dấu ấn của Hội đồng Bảo hiến sau các kỳ bầu cử

Qua các kỳ bầu cử tổng thống, Hội đồng Bảo hiến sẽ quan sát, bình luận về những điều chưa hợp lý, cần điều chỉnh lại cho phù hợp hơn mà vẫn bảo đảm hợp hiến, thậm chí là dẫn đến những sửa đổi về Hiến pháp. Chẳng hạn, quy định về việc một người muốn ra tranh cử phải thu thập 500 chữ ký giới thiệu của dân biểu thì mới được công nhận là ứng viên chính thức có từ năm 1974 sau ý kiến của Hội đồng Bảo hiến. Trước đó, số chữ ký giới thiệu của dân biểu được quy định chỉ là 100. Cũng chính Hội đồng Bảo hiến đã đề nghị thay đổi giờ đóng cửa phòng phiếu. 

Một ví dụ khác : Tính đến kỳ bầu cử tổng thống năm 2012, đối với các phương tiện truyền thông, nguyên tắc bình đẳng về thời gian, thời lượng phát ngôn và phát sóng cho các ứng viên được áp dụng cho tất cả các giai đoạn, kể cả trước giai đoạn tranh cử chính thức. Thế nhưng, điều này gây khó khăn cho các đài. Vì thế, từ sau đó, nguyên tắc hợp lý dựa theo tính đại diện, trọng lượng chính trị của ứng viên, dựa theo công luận đã được áp dụng cho hai giai đoạn đầu, chỉ đến giai đoạn tranh cử chính thức thì nguyên tắc bình đẳng mới được áp dụng.  

Để theo dõi, giám sát công tác tổ chức một kỳ bầu cử tổng thống, Hội đồng Bảo hiến có đội ngũ người ủy nhiệm đông đảo. Năm nay, chỉ riêng trong hai ngày bỏ phiếu, có tổng cộng 2.000 thẩm phán được Hội đồng Bảo hiến ủy nhiệm đến các đơn vị bầu cử ở các địa phương để theo dõi công tác tổ chức phòng phiếu. Vòng 2 bầu cử diễn ra ngày 24/04/2022. Đến ngày 27/04/2022, theo dự kiến Hội đồng Bảo hiến phê chuẩn kết quả bầu cử chính thức và công bố tên của vị tổng thống Pháp cho nhiệm kỳ 5 năm 2022-2027.  

Bài Liên Quan

Leave a Comment