Samsung và các ‘ông lớn’ Hàn Quốc lâm vào thế kẹt ở Nga

Ricky Hồ Chia sẻ:09/04/2022

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trong làn sóng các công ty đa quốc gia ào ạt rút khỏi Nga trước các lệnh trừng phạt của phương Tây, Samsung Electronics vẫn chưa đưa ra lập trường rõ ràng. Gã khổng lồ của Hàn Quốc đang lo ngại có thể mất đáng kể thị phần về smartphone và tivi vào tay các đối thủ Trung Quốc. Các tập đoàn khác của Hàn Quốc cũng đang chịu cảnh “đi thì cũng dở, ở không xong”.

\"\"
Samsung đã đặt tên lại loại điện thoại gập Galaxy Z bởi chữ “Z” trở thành tượng trưng cho thái độ Nga ủng hộ trong cuộc chiến. Ảnh: Reuters

Thế khó

Khi được hỏi về việc rút lui khỏi Nga tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông tháng trước, CEO Han Jong-hee chỉ nói rằng công ty “sẽ theo dõi tình hình và phản ứng nhanh bên cạnh việc giảm thiểu tác động đến hoạt động kinh doanh”.

Sau khi hàng loạt các doanh nghiệp phương Tây rời bỏ thị trường Nga, Samsung đã ngừng vận chuyển các sản phẩm đến đó vào đầu tháng 3, với lý do các vấn đề về chuỗi cung ứng. Cuối tháng 3, Samsung  cũng đổi tên các thiết bị cầm tay như Galaxy Z Fold ở một số thị trường nhất định, vì chữ “Z” đã trở thành biểu tượng ủng hộ Nga trong cuộc chiến.

Tuy nhiên, tập đoàn điện tử Hàn Quốc đã “kém sốt sắng và mập mờ” trong việc rút khỏi thị trường Nga. Thái độ mơ hồ này nhấn mạnh những thách thức của Samsung với tư cách tập đoàn khổng lồ đa quốc gia.

Samsung sớm đầu tư vào Nga sau khi Liên Xô sụp đổ. Hãng đã chi rất lớn cho tiếp thị điện thoại di động, tivi và đồ điện tử gia dụng. Hiện Samsung đạt doanh thu khoảng 4.000 tỉ won (3,3 tỉ đô la) mỗi năm tại Nga, chiếm hơn 3% tổng doanh số của tập đoàn. Samsung cũng đang ăn nên làm ra với một nhà máy chế tạo tivi ở ngoại ô Moscow được thành lập năm 2007. Vì thế, tập đoàn Hàn Quốc khó lòng bỏ được “đồng tiền liền khúc ruột” ở Nga.

Cạnh tranh từ các đối thủ Trung Quốc đang gia tăng nhanh chóng cũng có thể là một yếu tố.

Samsung dẫn đầu thị trường điện thoại thông minh ở Nga với 34% thị phần, tiếp theo là Xiaomi với 26% và Apple với 15% – theo dữ liệu mới nhất của hãng nghiên cứu thị trường IDC. Apple đã tạm dừng bán hàng ở đó và Samsung về cơ bản có thể có nguy cơ nhường thị trường cho Xiaomi nếu theo chân Apple.

Ở mảng tivi, các hãng đối thủ Trung Quốc như TCL và Hisense đang tìm cách lấn lướt Samsung bằng cách cung cấp các sản phẩm chất lượng cao với giá thấp. Khi đối đầu thương mại Mỹ – Trung nổ ra, Samsung lo ngại rằng việc rút lui khỏi các thị trường mà hãng đang tập trung – trong bối cảnh chiến tranh hay đối đầu thương mại – đều sẽ tạo cơ hội cho các hãng Trung Quốc cướp phần.

Trong khi đó, Samsung phải đối mặt với sự giám sát ngày càng lớn từ chính phủ Mỹ và các nhà đầu tư nước ngoài. Tập đoàn có kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất chất bán dẫn ở Texas. Nhưng Samsung có thể mất các ưu đãi của chính phủ Mỹ đối với dự án này và hình ảnh thương hiệu của hãng tại Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu tiếp tục hoạt động ở Nga.

\"\"
MoscowFactory: Nhà máy của Samsung gần thủ đô Moscow. Ảnh: Samsung Electronics

Đợi bão đi qua

Các chaebol Hàn Quốc khác cũng phải đối mặt với tình thế khó xử ở Nga.

LG Electronics vận hành một nhà máy thiết bị gần Moscow và cạnh tranh với Samsung để giành thị phần hàng đầu ở Nga về tủ lạnh, máy giặt và tivi. Thị trường Nga trước cuộc chiến cũng chiếm 3% tổng doanh thu của LG Electronics. Hiện LG đã tạm dừng hoạt động tại Nga với lý do chuỗi cung ứng bị gián đoạn.

Năm ngoái, Tập đoàn xe hơi Hyundai đã bán được 380.000 xe, chiếm 6% tổng doanh số bán xe của mình tại các nước thuộc Liên Xô cũ. Cùng với hãng con Kia Motors và hãng xe AvtoVAZ của Nga, Hyundai hiện sở hữu một nhà máy lắp ráp tại St.Petersburg.

Hãng đóng tàu và kỹ nghệ dầu ngoài khơi Hàn Quốc (KSOE). Samsung Heavy Industries và hãng bánh kẹo Orion cũng đã xâm nhập thị trường Nga.

Cho đến nay, chưa có công ty lớn nào của Hàn Quốc công bố kế hoạch rút khỏi Nga. Hầu hết đều nói rằng “đang đợi cơn bão đi qua”.

Các công ty Hàn Quốc cũng hành xử khác với các đối tác phương Tây ở Myanmar sau cuộc đảo chính quân sự hồi tháng 2-2021. Trong khi nhiều công ty châu Âu và Mỹ rời khỏi Myanmar, Posco International đang chuẩn bị bổ sung vốn cho một dự án khí đốt tự nhiên của Myanmar. Posco nói rằng họ đang cố gắng thu hồi các khoản đầu tư cả chục năm của mình.

Nga là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Hàn Quốc, với tổng kim ngạch thương mại 27,3 tỉ đô la trong năm 2021. Hàn Quốc chủ yếu xuất khẩu xe hơi, phụ tùng xe hơi và thép sang Nga và nhập khẩu khí đốt từ Nga. Với mối quan hệ kinh tế chặt chẽ này, chính phủ Hàn Quốc đã chọn phương án không hối thúc các doanh nghiệp Hàn Quốc bày tỏ quan điểm rõ ràng về Nga.

Bài Liên Quan

Leave a Comment