Đăng ngày: 14/04/2022
Bầu cử tổng thống Pháp 2022 với cuộc vận động tranh cử sôi động ở vòng hai giữa hai đối thủ Emmanuel Macron và Marine Le Pen, chiến tranh tại Ukraina và những hậu quả là những thời sự tiếp tục chiếm phần lớn trang báo Pháp ra hôm nay.
Marine Le Pen, đảng cực hữu Tập hợp Dân tộc, ứng viên tổng thống Pháp 2022, trong cuộc trả lời phỏng vấn của Reuters, tại Paris, Pháp, ngày 29/03/2022. REUTERS – SARAH MEYSSONNIER
Trang nhất hầu hết các tờ báo chính ở Pháp đều dành cho cuộc vận động tranh cử tổng thống ở giữa hai vòng bỏ phiếu. Ngay sau khi vòng bỏ phiếu đầu tiên kết thúc đem lại chiến thắng cho ứng cử viên Emmanuel Macron của đảng Cộng hòa Tiến bước (La République en Marche) và bà Marine Le Pen của đảng cực hữu Tập hợp Dân tộc (Rassemblement National), 2 đối thủ cũ ở kỳ bầu cử năm 2017 đã hối hả lao vào cuộc vận động cử tri cho trận đấu cuối cùng ở vòng bỏ phiếu thứ 2 diễn ra vào ngày 24/04 tới đây. Hai đối thủ liên tiếp các chuyến đi đến các địa phương gặp gỡ thuyết phục cử tri hay tiếp xúc báo chí trình bày chương trình tranh cử của mình.
Các báo đặc biệt dường như không còn dè dặt giữ thái độ trung lập đều tập trung vào phân tích phê phán chương trình của ứng cử viên đảng cực hữu. Cái tên Marine Le Pen xuất hiện nhiều trên các tựa lớn của các báo Pháp hôm nay, sau khi ứng cử viên này có cuộc họp báo trình bày quan điểm của mình về vấn đề dân chủ và cải cách thể chế của nước Pháp. Tựa trang nhất của Le Monde : « Marine Le Pen đe dọa Nhà nước pháp quyền thế nào ». Nhật báo thiên tả Libération đăng những dòng chỉ trích gay gắt trên trang bìa tờ báo : « Coi thường thể chế, ra luật triệt tiêu các quyền tự do, áp lực với các nhà báo… dù ứng cử viên của đảng Tập hợp Dân tộc luôn tự cho mình là người bảo vệ các quyền tự do nhưng chương trình của bà ta lại sự phủ nhận Nhà nước pháp quyền ». La Croix thì chạy tựa lớn : « Macron-Le Pen, sự rạn vỡ dân chủ ». Tờ báo dành nhiều bài phân tích về những đề xuất cải cách thể chế trong chương trình của hai ứng cử viên để cho thấy quan điểm về dân chủ và thể chế của hai ứng cử viên khác biệt căn bản.
Cốt lõi của vấn đề là ở chỗ, ứng viên của đảng cực hữu đưa ra những hứa hẹn mị dân với mục đích chủ yếu là lôi kéo cử tri của ứng viên cực tả Jean- Luc Melenchon, được hơn 21% phiếu ở vòng 1, người luôn hô hào phá bỏ hệ thống chính trị cũ, thiết lập nền Cộng hòa thứ 6 ở Pháp. Dưới vỏ bọc trao toàn bộ quyền lực Nhà nước vào tay nhân dân, bà Le Pen hứa sẽ thay đổi Hiến pháp, cải cách thể chế, tất cả các vấn đề lớn của đất nước sẽ được đưa ra trưng cầu dân ý, bỏ qua tất cả các định chế chính trị vốn có ở Pháp như Nghị viện, Quốc hội hay Hội đồng Bảo hiến…
Với Marine Le Pen : rủi ro kinh tế
Cùng đồng thanh với các báo, nhật báo kinh tế Les Echos đang ảnh lớn bà Le Pen trên trang bìa cùng hàng tựa « Những mối nguy hiểm của một chương trình » tranh cử.
Tờ báo dành nhiều bài báo mổ xẻ các chương trình tranh cử của ứng viên cực hữu để cho thấy : Dự án của bà Le Pen là bế tắc. Những biện pháp về xã hội gây nhiều tranh cãi vì chi phí quá lớn. Những biện phán nhằm nâng cao sức mua của người dân Pháp cũng không có hiệu quả về mặt kinh tế. Về mặt đối ngoại, chương trình của bà Le Pen có nguy cơ đẩy nước Pháp ra ngoài lề trường quốc tế và làm phá vỡ Liên Hiệp Châu Âu.
Trong khi đó với ứng cử viên Emmanuel Macron, các báo tập trung phản ánh cuộc chạy đua nước rút của tổng thống mãn nhiệm nhằm lôi kéo cử tri của các đảng phái tả, hữu vừa thất bại ở vòng 1 về với mình để tạo khoảng cách lớn nhất với đối thủ. Mặc dù các cuộc thăm dò ý định bỏ phiếu vòng hai hiện tại vẫn cho kết quả ông Macron thắng, với cách biệt khoảng 4 điểm. Chưa có gì bảo đảm cho ông Macron tái đắc cử tổng thống ở cuộc bỏ phiếu vào ngày 24/04. Tuy các báo đều ghi nhận dù đa số các đảng sau vòng 1 kêu gọi cử tri bỏ phiếu cho Macron hay không bỏ phiếu cho Marine Le Pen, nhưng không phải tất cả các cử tri đều nghe theo. Đặc biệt một bộ phận không nhỏ của cử tri đã bỏ phiếu cho ông Jean-Luc Melenchon ở vòng 1 (trên 21%) đã cho biết sẽ không bỏ phiếu cho tổng thống mãn nhiệm. Họ có thể sẽ bỏ phiếu cho bà Le Pen hoặc bỏ phiếu trắng. Ông Macron chỉ còn hơn một tuần nữa để điều chỉnh chương trình hành động nhằm thuyết phục lôi kéo cử tri từng phản đối dữ dội các cải cách của chính phủ, đặc biệt về cải cách hưu trí.
Hai đảng truyển thống tả-hữu, nguy cơ bị xóa sổ trên chính trường
Vẫn trong khung cảnh bầu cử tổng thống, nhật báo Le Figaro trở lại kết quả vòng 1 chỉ nói đến thất bại thê thảm của hai đảng truyền thống tả và hữu từng thay nhau lãnh đạo nước Pháp từ đầu nền đệ ngũ Cộng hòa cho đến tận năm 2017.
Tờ báo chạy tựa trang nhất : « Xã hội và Những người Cộng hòa : Hai đảng đang lâm nguy » cùng với nhận định : « bị loại ngay từ vòng 1 với tỷ lệ phiếu bầu thấp lịch sử, đảng Xã hội và Những người Cộng Hòa đang tự vấn về tương lai của mình ». Theo Le Figaro, trong chiến dịch vận động tranh cử không ai đã dám nghĩ đến một sự sụp đổ như vậy. Tất nhiên bà Anne Hidalgo hay bà Valérie Pécresse cũng vậy và người Pháp thì cũng đã hiểu cả hai ứng cử viên này sẽ không thể có mặt ở vòng hai của cuộc bầu cử tổng thống. Nhưng họ cũng không thể tưởng tượng được là đại diện của hai đảng phái chính trị có cơ cấu nền tảng vững trãi của nền Đệ ngũ Cộng hòa Pháp lại không đạt được nổi 5% phiếu bầu, ngưỡng để được Nhà nước hoàn trả một phần chi phí của chiến dịch tranh cử. Thực tế cay đắng này đang đặt ra câu hỏi về tương lai của các đảng chính trị lớn này.
Theo phân tích của le Figaro, nguyên nhân dẫn đến thất bại của hai đảng truyền thống lớn ở Pháp thì có nhiều, nhưng một trong số đó là hai đảng này nhiều năm qua rơi vào những đấu đá nội bộ triền miên. Hai đảng chỉ còn kỳ bầu cử Quốc Hội tiếp sau khi bầu tổng thống, nếu hai đảng này tiếp tục bị hai đảng cực hữu và cực tả lấn át thì coi như đảng Xã hội và Những người Cộng hòa bị xóa sổ hẳn.
Chiến tranh Ukraina : Tội ác tiếp tục bị phơi bày
Chuyển qua trang quốc tế của các báo, thời sự trọng tâm vẫn là cuộc chiến tranh tại Ukraina chưa biết bao giờ mới có thể kết thúc. Nhật báo Libération dành bài phóng sự dài tiếp tục phản ánh những phản ánh những tội ác chiến tranh kinh khủng ở thành phố Bucha. Bài báo cho thấy, hai tuần sau khi thành phố nằm ở ngoại ô phía tây bắc thủ đô Kiev này được giải phóng, các nhà điều tra tiếp tục phát hiện thêm nhiều hố chôn người tập thể. Theo các đặc phái viên của Libération, Bucha tiếp tục là tâm điểm của các vụ thảm sát, những phát hiện ghê rợn như trên diễn ra mỗi ngày, không chỉ ở Bucha mà cả ở những thành phố ngoại ô khác của Kiev sau khi quân đội Nga rút đi. Trong khi đó nhật báo La Croix cũng dành bài phóng sự dài để ghi nhận người dân « Kiev đang dần dần trở lại với cuộc sống sau khi Nga rút khỏi ». Tuy nhiên cuộc sống khó có thể gọi là bình thường được, người dân đang gặp khó khăn thiếu thốn đủ thứ và nhất là trong nơm nớp lo sợ các cuộc tấn công của Nga trở lại.
Một thông tin mới được hầu hết các báo đăng tải, trước những hành động tàn phá giết chóc của quân đội Nga tại Ukraina, hôm qua tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên án tổng thống Vladimir Putin phạm tội « diệt chủng », ngôn từ nặng nề nhất sau khi Washington tố cáo Kremlin phạm tội ác chiến tranh. Đồng thời ông Bien cũng thông báo bổ sung 800 triệu đô la viện trợ vũ khí cho Ukraina để chống lại cuộc xâm lược của Nga. Như vậy là cuộc chiến tranh còn kéo dài ở Ukraina.
Trừng phạt Nga, những dấu hiệu phản tác dụng
Ở một góc độ khác liên quan đến chiến tranh Ukraina, nhiều báo tiếp tục phản ánh những hệ lụy các trừng phạt kinh tế của phương Tây nhắm vào Nga.
Chủ đề này được nhật báo kinh tế Les Echos khai thác khá rộng. Với bài viết có tiêu đề : « cuộc chiến tranh Ukraina bắt đầu đè nặng lên mức sống của người Anh », Les Echos ghi nhận giá tiêu dùng ở Anh tiếp tục tăng nhanh trong tháng Ba, đạt mức tăng 7% trên một năm. Con số này là hệ quả của cuộc chiến tranh tại Ukraina làm giá nguyên vật liệu tăng vọt. Như vậy là sáu tháng liên tiếp lam phát leo thang ở Anh vượt mọi dự báo. Tờ báo dẫn phân tích của giới chuyên gia kinh tế cho biết, trong trường hợp cấm vận hoàn toàn khí đốt của Nga lạm phát sẽ còn trầm trọng thêm, có thể lên tới gần 9% trong quý 4 năm nay.
Trong một bài viết khác, Les Echos dẫn lời của cựu lãnh đạo tập đoàn Gaz de France của Pháp, ông Jean François Cireli báo động nếu cấm vận hoàn toàn khí đốt Nga, thị trường khí đốt ở châu Âu có thể sẽ rơi vào tình trạng giống như thị trường ngân hàng trong vụ phá sản của ngân hàng Lehman Brothers hồi năm 2008.
Tương tự, nước Đức cũng sẽ phải trả giá đắt khi ngừng nhập khẩu khí đốt Nga. Đó là tăng trường sẽ giảm 0,8% so với dự báo tăng trưởng năm nay gần 3% và kéo theo 480 nghìn người thất nghiệp.
Bởi vậy mà tổng thống Vladimir Putin vẫn theo đuổi chiến tranh, bất chấp các trừng phạt kinh tế hay đe dọa cấm vận toàn bộ dầu khí Nga.