5 giờ trước
Chính phủ Anh dự định sẽ đưa những người nhập cư bất hợp pháp sang Rwanda và vừa tuyên bố một chương trình thử nghiệm cho kế hoạch này.
Chương trình này ban đầu sẽ tập trung vào những người tị nạn là đàn ông độc thân vượt Eo biển Manche từ Pháp sang Anh bằng thuyền hay xe tải.
Họ sẽ nhận vé máy bay một chiều sang Rwanda nơi đơn xin tị nạn của họ sẽ được xem xét, và nếu thành công, họ có quyền \’tái định cư\’ và sống lâu dài ở đất nước Đông Phi này nếu muốn.
Chính phủ Anh sẽ trả cho chính phủ Rwanda một khoản ban đầu là 120 triệu bảng Anh cho chương trình thử nghiệm, sau đó sẽ trả thêm các khoản khác.
Thủ tướng Anh Boris Johnson nói ông muốn phá vỡ mô hình kinh doanh của những kẻ buôn người, nhưng kế hoạch của chính phủ Anh bị các nhà vận động gọi là \”vô nhân đạo\”.
Trình bày trên chương trình Newsnight của BBC, Nghị sỹ Andrew Griffith, giám đốc bộ phận hoạch định chính sách của văn phòng thủ tướng, cho biết chương trình này không đòi hỏi có luật mới và có thể được thực hiện \”theo luật pháp sẵn có\”.
\”Vì vậy kế hoạch này có thể thực hiện được và vận hành được sau vài tuần hay vài tháng,\” ông nói. \”Chúng tôi đã sẵn sàng\”.
Ông nói thêm rằng nếu dòng người nhập cư bất hợp pháp được ngăn chặn, nó sẽ \”mở ra nhiều chỗ cho các con đường nhập cư an toàn và hợp pháp\” vào Anh.
Chương trình đưa người nhập cư trái phép sang Rwanda là một phần trong chiến lược nhằm giảm số người vào Anh qua Eo biển Manche bằng thuyền nhỏ.
Năm ngoái, con số lên tới 28.526 người, tăng từ 8.404 hồi năm 2020.
Các biện pháp khác phải kể đến là giao trách nhiệm tuần tra Eo biển Manche cho Hải quân Hoàng gia và nâng án tù tối đa cho những kẻ buôn người lên mức chung thân.
Đưa sang Rwanda có khả thi?
Tony Smith, cựu giám đốc Lực lượng Biên phòng Anh cho biết phải nhiều tuần nữa mới rõ nếu kế hoạch \’cấp tiến\’ này có khả thi hay không.
Ông nói với BBC chính phủ Anh nhiều khả năng sẽ gặp thách thức về pháp lý khi Lực lượng Biên phòng tìm cách buộc người nhập cư lên máy bay sang Rwanda.
\”Nhưng tôi không rõ làm cách nào để ngăn các thuyền này… vì nếu chúng ta không làm gì, sẽ có thêm nhiều người chết đuối,\” ông nói. Ông cũng nói thêm rằng Anh Quốc đang đối mặt với \”số người xin tỵ nạn lớn nhất mà chúng ta từng thấy ở nước này.\”
Trong bài phát biểu hôm thứ Năm 14/4, Thủ tướng Boris Johnson nói thỏa thuận với Rwanda sẽ \”mang lại con đường an toàn và hợp pháp đồng thời phá vỡ mô hình kinh doanh của các băng nhóm buôn người.\”
\”Nó có nghĩa là những người nhập cư vì mục đích kinh tế lợi dụng hệ thống xin tị nạn sẽ không được ở lại Anh, trong khi những người có nhu cầu chính đáng sẽ được bảo vệ đúng mức, trong đó có cả việc tiếp cận với dịch vụ pháp lý khi đặt chân tới Rwanda,\” ông nói.
Ông cho biết kế hoạch này cũng sẽ bao gồm cả những người đã sang Anh bất hợp pháp từ đầu năm nay.
Hơn 160 tổ chức từ thiện và các nhóm vận động đã kêu gọi chính phủ từ bỏ kế hoạch này. Trong một thư ngỏ, họ mô tả kế hoạch này là \”tàn nhẫn một cách đáng xấu hổ\”.
Giám đốc Hội đồng Tỵ nạn Enver Solomon nói kế hoạch này sẽ không cản trở nhiều những người nhập cư tuyệt vọng và \”chỉ dẫn đến đau khổ thêm cho con người.\”
Lãnh đạo phe đối lập (Đảng Lao động) Sir Keir Starmer nói kế hoạch này là \”không khả thi, vô đạo đức và quá tốn kém.\”
Nhiều câu hỏi đang được đặt ra về chi phí cho chương trình này. Tờ The Times đưa tin chính phủ Anh sẽ phải trả từ 20.000 đến 30.000 bảng Anh cho mỗi người nhập cư gửi sang Rwanda.
Thứ trưởng Tư pháp và Nhập cư Tom Pursglove từ chối đưa ra chi phí cụ thể trên đầu người và nói số tiền còn tùy thuộc vào số người tị nạn và thời gian họ ở Rwanda.
Ông cho biết hiện Anh quốc đang phải chi gần 5 triệu bảng Anh/ngày tiền khách sạn cho người tị nạn trái phép. Chương trình thử nghiệm mới sẽ có chi phí ban đầu là 120 triệu bảng, và sau đó Anh sẽ chi thêm cho Rwanda.
Năm 2021, một chương trình tương tự ở Úc khiến chính phủ nước này phải chi gần 460 triệu bảng Anh nhưng chỉ tái định cư thành công được 239 người – tính ra là 1,9 triệu bảng một đầu người.
Hiện không rõ những người đến từ Việt Nam có thuộc diện \”đưa sang Rwanda\” này hay không, nhưng giới chức Anh khẳng định chương trình thanh lọc tỵ nạn khỏi nhóm \”di dân kinh tế\” áp dụng với mọi quốc tịch vào Anh bất hợp pháp.
Hồi năm 2021, một bài trên trang Telegraph (28/08) cho hay \”vì đi bằng container đã trở nên nguy hiểm, các nhóm buôn người chuyển sang đưa người Việt Nam vào Anh bằng thuyền\”.
Bài báo \”Vietnamese migrants fueling record rises in Channel crossing\” trích nguồn từ các tổ chức từ thiện về người nhập cư nói có những thuyền \”vào Anh từ Pháp chỉ cách đây vài tuần, và người Việt Nam chiếm một nửa con số 40 người\” trên thuyền.
Gần hai năm sau thảm kịch 39 tử thi chết trong thùng đông lạnh ở hạt Essex, phía Đông London trên đường đi lậu từ Bỉ vào Anh Quốc, làn sóng người Việt sang Anh vẫn không dừng.
Vấn đề của Rwanda nay đã bị quên đi?
Cũng có nhiều quan ngại về nhân quyền ở Rwanda và tổng thống nước này, ông Paul Kagame.
Anh Quốc mới hồi năm ngoái bày tỏ quan ngại tại Liên Hiệp Quốc về \”hạn chế vẫn đang diễn ra về quyền dân sự và chính trị và tự do báo chí\” ở Rwanda.
Nhưng quan chức Anh, ông Pursglove nay lại nói Rwanda là một quốc gia tiến bộ muốn mang lại nơi sống an toàn cho người tị nạn và đã \”đạt được nhiều tiến bộ lớn\” trong ba thập kỷ qua.
Steve Valdez-Symonds, giám đốc phụ trách về quyền người tị nạn và nhập cư, nói rằng chuyện gửi người xin tị nạn ở Anh tới một nước khác, \”chưa nói đến chuyện một nước có quá trình nhân quyền tệ hại\” là \”đỉnh cao của sự vô trách nhiệm.\”
Yolande Makolo, người phát ngôn cho chính phủ Rwanda, nói với BBC Rwanda là một \”quốc gia an toàn, đang phát triển nhanh, chúng tôi quan tâm tới nhân quyền nhiều như bất cứ quốc gia nào khác.\”
Theo một biên bản ghi nhớ giữa hai chính phủ, mỗi người được đưa từ Anh sang Rwanda sẽ được cung cấp chỗ ăn ở và nhận hỗ trợ và được tự do ra vào nơi ở mọi lúc họ muốn.