- Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ
- Gửi bài từ Orange County, Hoa Kỳ
7 giờ trước
Sau bài vì Cục diện an ninh mới ở ĐNA trước một Trung Quốc bành trướng chúng tôi giới thiệu bài tiếp theo của TS Cù Huy Hà Vũ về đề tài an ninh và địa chính trị Đông Nam Á:
ASEAN không đồng thuận về mối đe dọa từ Trung Quốc đang liên tục bành trướng, tăng cường quân bị nên cần một liên minh quân sự mới với Hoa Kỳ là đối tác an ninh.
Mỹ có lợi ích sớm thấy một tổ chức ở Đông Nam Á quy tụ các nước có quan điểm an ninh cứng rắn đối với Trung Quốc và may mắn thay, một tổ chức như vậy đã manh nha với một sáng kiến mới đây của Indonesia.
Cuối tháng 12/2021, Cục trưởng Cục An toàn Hàng hải Indonesia tuyên bố sẽ mời cục trưởng hàng hải Brunei, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam họp cùng vào tháng 2/2022 để thảo luận về những biện pháp ứng phó chung đối với Trung Quốc ở Biển Đông. Thế nhưng, hội nghị này đã không diễn ra và điều này đã có thể nhìn thấy trước.
VN từng muốn dựa vào Trung Quốc để cứu chế độ XHCN
Với chính sách \”ba không\” (Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác), rồi \”bốn không\” (thêm \”không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế\”) Việt Nam khước từ mọi hình thức liên kết chống Trung Quốc.
Thế nhưng chính sách quốc phòng này mâu thuẫn nghiêm trọng với bất khả xâm phạm lãnh thổ của Việt Nam khi mà Trung Quốc lăm le dùng vũ lực thôn tính phần còn lại của quần đảo Trường Sa.
Bằng chứng là bên cạnh việc liên tục tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông, láng giềng phương Bắc này mới đây đã quân sự hóa hoàn toàn ít nhất ba trong số các đảo nhân tạo trong quần đảo này. Nó còn mâu thuẫn với quá khứ chiến tranh khi Hà Nội là đồng minh quân sự của Liên Xô và Trung Quốc. Vậy tại sao Việt Nam lại có một chính sách oái oăm như vậy?
Trước sự sụp đổ của khối Đông Âu (1989-90) và Liên Xô mà các lãnh đạo ĐCSVN coi là \”thành trì cách mạng thế giới\” ban lãnh đạo Việt Nam nhận thức rằng Trung Quốc cùng ý thức hệ cộng sản là chỗ dựa còn lại để duy trì và bảo vệ chế độ toàn trị của họ trước sự tấn công của \”các thế lực thù địch\”, mà ở đây là áp lực dân chủ hóa từ phương Tây, nhất là từ Hoa Kỳ.
Điều này khiến họ quay ngược quan điểm về Trung Quốc, từ \”kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất\” với mưu đồ \”bành trướng\”, \”bá quyền\” (Hiến pháp Việt Nam 1980) – hệ quả của cuộc xâm lược 1979 -sang \”đồng minh cộng sản\”. Trên cơ sở đó, Hà Nội đã đề xuất bình thường hóa quan hệ giữa hai nước với ban lãnh đạo Trung Quốc và đầu tháng 9/1990, Hội nghị Thành Đô (Trung Quốc) đã được tổ chức vào cho mục đích này.
Giải thích về hội nghi cấp cao Việt – Trung này với Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia bao gồm Thủ tướng Hun Sen, vào tháng 12 cùng năm, Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Lê Đức Anh nói: \”Mỹ và phương Tây muốn cơ hội này để xoá chủ nghĩa cộng sản. Nó đang xoá ở Đông Âu. Nó tuyên bố là xoá chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới. Rõ ràng nó là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm. Chúng ta (Việt Nam và Campuchia) phải tìm đồng minh. Đồng minh này là Trung Quốc\”.
Brunei thì chưa thấy phải cấp bách đối phó với Trung Quốc vì Bắc Kinh vẫn chưa gây hấn với nước Hồi giáo này. Singapore do không bị \”đường 9 đoạn\” trùm lên nên không có lý do thiết thân để phải tính chuyện ứng phó vũ trang với cường quốc phương Bắc.
Một liên minh các nước cùng chí hướng
Như vậy, chỉ còn Indonesia, Malaysia, Philippines là có thể đứng chung chiến tuyến chống Trung Quốc.
Tuy nhiên, ba nước Đông Nam Á này chắc sẽ không tự mình lập ra một liên minh phòng thủ, bởi lẽ mọi tổ chức quân sự đa phương không có sự tham gia của Mỹ sẽ không hiệu quả, thậm chí không hoạt động được. Đó chính là bài học rút ra từ Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (SEATO), được thành lập năm 1955 nhằm ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản ở châu Á theo học thuyết Truman.
Các nước Đông Nam Á này yếu về quân sự nên không thể can dự vào các cuộc xung đột do các nước lớn tiến hành, bất luận trực tiếp hay ủy nhiệm, mà ở đây là Nội chiến Lào và Chiến tranh Việt Nam, nếu không được dẫn dắt ít nhất bởi một nước lớn.
Vậy để chiến lược ngăn chặn Trung Quốc ở Biển Đông thành công, Mỹ không có cách nào khác là phải cùng Indonesia, Malaysia, Philippines thành lập một tổ chức quân sự cho Đông Nam Á. Điều thuận lợi là một số nhân tố theo hướng này đã có sẵn.
Mỹ và Philippines đang là đồng minh của nhau theo Hiệp ước phòng thủ chung ký năm 1951 trong bối cảnh Chiến tranh lạnh. Thời kỳ này, Philippines là tiền đồn quân sự và là căn cứ hậu cần quan trọng nhất của Mỹ ở Đông Nam Á với căn cứ không quân Clark và căn cứ Subic.
Năm 1992, sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc với sự sụp đổ của Liên Xô, Mỹ đã triệt thoái khỏi hai căn cứ này. Nhưng từ 2012, ngay sau khi Tổng thống Obama \”xoay trục sang châu Á\”, quân đội Mỹ đã quay trở lại trong khuôn khổ tập trận chung hàng năm. Tháng 4/2014, hai bên ký Thỏa thuận hợp tác quốc phòng nâng cao (EDCA), để quân đội Mỹ được tăng cường tiếp cận các căn cứ của Philippines.
Tiếp theo, Indonesia và Malaysia đang là đối tác quân sự của Mỹ. Hàng năm kể từ 1995, Hải quân Indonesia và Hải quân Hoàng gia Malaysia tập trận song phương với Hải quân Mỹ trong khuôn khổ Hợp tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu trên biển – CARAT giữa Mỹ và các nước Đông Nam Á. Hai nước này cũng tiến hành các cuộc tập trận song phương với Philippines.
Ngoài ra, ba nước Indonesia, Malaysia và Philippines đã có một cơ chế hợp tác quân sự ba bên nhằm thực hiện Tuyên bố chung về các biện pháp khẩn cấp tại những vùng biển có mối quan tâm chung, được ký giữa bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng quốc phòng ba nước ngày 5/5/2015. Theo đó, ba nước sẽ tuần tra chung trên không và trên biển để ngăn chặn nạn bắt cóc và tấn công tàu thuyền và các hoạt động tội phạm khác tại hai vùng biển Sulu và Sulawesi nằm giữa ba nước.
Hải quân TQ muốn máy bay Mỹ \”rời ngay lập tức\” (2018)
Cuối cùng, liên minh quân sự đa phương trong khu vực Ấn độ – Thái Bình Dương do Mỹ khởi xướng đã có tiền lệ. Đó là Bộ tứ kim cương – QUAD (Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ) và AUKUS (Australia, Anh, Mỹ).
Tóm lại, theo nhận định của tôi, Hoa Kỳ, Indonesia, Malaysia và Philippines không phải là những kẻ xa lạ trong hợp tác quốc phòng. Chỉ cần bốn nước này thống nhất ngăn chặn Trung Quốc độc chiếm biển Đông là có ngay một tổ chức phòng thủ chung cho Đông Nam Á. Bởi những gì cần làm sau đó cơ bản chỉ là vấn đề phối hợp hoạt động quân sự song phương và đa phương mà các nước này đã có với nhau theo một thiết kế tổng thể cho an ninh khu vực.
Với tầm nhìn phát triển, tổ chức quân sự tiềm năng này sẽ mở rộng cửa cho các quốc gia Đông Nam Á còn lại, Việt Nam trước hết, cũng như liên kết với QUAD, AUKUS và các liên minh quân sự tiềm năng khác có cùng chí hướng. Cũng như vậy, trên cơ sở Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ – Philippines, cơ chế an ninh tập thể này sẽ hoan nghênh các hiệp định quân sự song phương giao kết giữa các thành viên, trước hết giữa Mỹ và Indonesia, Mỹ và Malaysia, Indonesia và Malaysia.
Trên tinh thần đó, theo tôi chính quyền Tổng thống Joe Biden cần điều chỉnh Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương bằng cách ghi rõ các công cụ thực hiện là \”các liên minh hiệp ước hiện tại và tiềm năng được hiện đại hóa; các quan hệ đối tác linh hoạt, bao gồm một ASEAN được trao quyền và một liên minh hiệp ước Đông Nam Á tiềm năng …\”
Một trong những tác động tích cực có thể nhìn thấy trước của tổ chức phòng thủ tập thể này một khi được thiết lập là ASEAN sẽ có thế hơn trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông với Trung Quốc. Hay chí ít buộc nước bành trướng phương Bắc này ngừng sử dụng đàm phán để \”câu giờ\” cho mục đích xâm chiếm các đảo và thực thể còn lại bị \”đường 9 đoạn\” trùm lên.
Một cách chung nhất, cơ chế an ninh này sẽ giúp ASEAN phát triển mạnh mẽ vì hiệp hội này lúc đó về cơ bản sẽ chỉ còn phải giải quyết các vấn đề chính trị, kinh tế và văn hóa-xã hội, những vấn đề không quá khó để đạt đồng thuận.
Vấn đề đặt ra là nếu Việt Nam không muốn có bất kỳ liên minh quân sự nào với Hoa Kỳ và/hoặc tham gia một cấu trúc an ninh tập thể của Đông Nam Á như nêu trên, liệu phần lãnh thổ còn lại của nước này ngoài Biển Đông có thoát nổi lưỡi hái của \”đồng chí tốt\” Trung Quốc đang văng tới?
Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một luật gia, học giả và nhà bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị Việt Nam, từng là cán bộ Bộ Ngoại giao Việt Nam trong 30 năm, hiện sống tại Hoa Kỳ.