Nội bộ Phương Tây bất đồng về cách đánh giá tội “diệt chủng” của Nga tại Ukraina

Đăng ngày: 15/04/2022

\"\"
\"\"
Mariia Skorokhod, 81 tuổi, trước ngôi mộ của con gái bà Alla Hrytsenko, 63 tuổi, bị giết chết trong cuộc xâm lược của Nga, tại sân nhà bà, ở làng Termakhivka, vùng Kyev, Ukraina, ngày 14/04/2022. REUTERS – STRINGER

Trọng Nghĩa

Việc xếp các tội ác – không thể chối cãi – của Nga tại Ukraina vào diện « diệt chủng » đã gây ra bất đồng giữa Ukraina và một số đồng minh phương Tây, cũng như trong nội bộ các lãnh đạo phương Tây. 

Trong một cuộc họp hôm qua, 14/04/2022, Quốc Hội Ukraina đã thông qua một nghị quyết đánh giá rằng Nga đã phạm tội ác « diệt chủng » ở Ukraina, một quyết định theo cùng hướng với lời tố cáo được chính tổng thống Zelensky đưa ra vào tuần trước. Phía Nga dĩ nhiên đã bác bỏ cáo buộc này, xem đấy là điều không thể chấp nhận. Vấn đề đáng nói là việc xếp các tội ác – không thể chối cãi – của Nga tại Ukraina vào diện « diệt chủng » đã gây ra các bất đồng giữa Ukraina và một số đồng minh phương Tây, cũng như trong nội bộ các lãnh đạo phương Tây, với một bên là Mỹ, Ba Lan, không ngần ngại buộc Nga vào tội ác nghiêm trọng nói trên, và một bên kia là Pháp, Đức… dè dặt hơn.

Chính tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky là người đã làm dấy lên tranh cãi hôm 13/04 vừa qua khi ông tố cáo những nhận xét mà ông cho là có tính chất « rất xúc phạm » của tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi nguyên thủ quốc gia Pháp từ chối sử dụng từ « diệt chủng » để mô tả tình hình ở Ukraina, đặc biệt liên quan đến vụ thảm sát Bucha hoặc các cuộc tấn công ở Mariupol. 

Trước đó, từ khi phát hiện ra nhiều thi thể thường dân trên đường phố Bucha, sau khi quân đội Nga rút đi, tổng thống Ukraina đã thẳng thừng cáo buộc Nga thực hiện hành vi diệt chủng ở Ukraina vì theo ông, Nga có ý định loại bỏ « toàn bộ dân tộc » Ukraina. 

Ba Lan, Mỹ… tố cáo đích danh Nga « diệt chủng » 

Cáo buộc Nga diệt chủng sau đó đã được ông Zelensky thường xuyên sử dụng, và được một số lãnh đạo phương Tây nhắc lại, mà đầu tiên hết là Ba Lan, nước hăng hái nhất trong chủ trương ủng hộ láng giềng Ukraina chống lại Nga.

Tuy nhiên phải chờ đến khi chính tổng thống Mỹ Joe Biden, hôm 12/04 vừa qua, nói đến « tội ác diệt chủng » mà Nga đang tiến hành tại Ukraina, thì tranh luận mới thực sự bùng lên. Trên kênh truyền hình Mỹ CNN, ông Biden đã giải thích: « Tôi nói đến diệt chủng vì ngày càng thấy rõ là tổng thống Nga Putin đang cố gắng xóa bỏ ngay cả ý nghĩ về sự tồn tại của người Ukraina ».

Tuyên bố của ông Biden dĩ nhiên đã bị Nga cực lực đả kích, nhưng lại được ông Zelensky hết sức tán đồng. Sau ông Biden, một số lãnh đạo phương Tây khác cũng nói đến hành vi diệt chủng của Nga tại Ukraina, nhưng một cách thận trọng hơn, từ thủ tướng Canada, cho đến các đồng nhiệm Tây Ban Nha hay Anh Quốc.

Pháp, Đức kêu gọi thận trọng

Tuy nhiên, không phải lãnh đạo phương Tây nào cũng đồng ý với việc liệt các hành vi tàn ác của Nga tại Ukraina vào diện « diệt chủng ». Đại diện cho xu hướng này là tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đã kêu gọi mọi người cẩn thận với những từ ngữ như « diệt chủng » vì lẽ « hai dân tộc [Nga và Ukraina] là anh em ». 

Trên đài truyền hình Pháp France 2, ông Macron cho rằng tội ác mà quân đội Nga phạm phải tại Ukraina là « tội ác chiến tranh » và cần phải tìm ra những kẻ chịu trách nhiệm để đưa ra xét xử. Đối với ông Macron: « Sự leo thang của ngôn từ không hề giúp giải quyết vấn đề. »

Thái độ thận trọng của tổng thống Pháp đã được thủ tướng Đức Olaf Scholz hay một số lãnh đạo Liên Âu như chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula Von der Leyen, hay bà Roberta Metsola, chủ tịch Nghị Viện Châu Âu chia sẻ.

Tính hệ trọng của việc dùng từ « diệt chủng » 

Khái niệm « diệt chủng » là gì mà đã khiến các lãnh đạo phương Tây, người thì dè dặt, người thì thẳng thắn trong việc quy tội này cho Nga? Trong một phân tích công bố hôm qua, 14/04, đài truyền hình Pháp BFMTV đã trích dẫn định nghĩa của Liên Hiệp Quốc theo đó diệt chủng là một hành vi « có mục đích tiêu diệt toàn bộ hay một phần của một nhóm dân tộc, chủng tộc, tôn giáo, quốc gia ». 

Công ước Liên Hiệp Quốc về Diệt Chủng, thông qua năm 1948, bao gồm một nghĩa vụ đối với các bên đã ký kết hiệp ước, theo đó một khi đã thừa nhận rằng nạn diệt chủng đang diễn ra, thì các nước này phải cho mở điều tra để truy tố thủ phạm. Do đó, rất có thể là các nhà lãnh đạo thế giới muốn tránh sử dụng thuật ngữ « diệt chủng » để khỏi bị áp lực đòi hỏi họ hành động.

Trong trường hợp Ukraina, thừa nhận rằng nạn diệt chủng đang diễn ra có thể làm tăng sức ép phải gửi quân đến tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột, điều mà tất cả các lãnh đạo thế giới hiện nay đều không muốn.

Bài Liên Quan

Leave a Comment