Đăng ngày: 15/04/2022
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) tuy được cho là mang tính thực dụng, không thiếu các chương trình hợp tác quân sự nhưng lại mang đậm dấu ấn nghi kỵ lẫn nhau. Bắc Kinh liên tục lên án NATO có ý đồ vượt ra ngoài khu vực hoạt động truyền thống, và đặc biệt khó chịu trước các nỗ lực của Mỹ muốn NATO tính tới các năng lực quân sự và công nghệ của Trung Quốc trong việc đánh giá sự năng động chiến lược toàn cầu của NATO.
Trên đây là các phân tích của nhà nghiên cứu Marianne Péron-Doise trong một bài viết đăng trên tạp chí Questions Internationales, số ra tháng Giêng và Hai năm 2022. RFI Tiếng Việt xin giới thiệu.
**********
Ngược dòng lịch sử, một trong những cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa Trung Quốc và NATO là sau vụ tòa đại sứ Trung Quốc ở Beograd (Serbia) bị bất ngờ dội bom năm 1999 trong cuộc chiến Sarajevo (Bosnia-Herzegovina). Một sự nhầm lẫn bi thảm mà Bắc Kinh không bao giờ quên. Tuy nhiên, những cuộc trao đổi thật sự chỉ được tiến hành vào năm 2002 với đại sứ Trung Quốc ở Bruxelles.
Nhưng đó cũng là thời điểm NATO dấn thân vào chiến trường Afghanistan. Sự việc đã khiến Trung Quốc lo lắng do nước này có đường biên giới chung với Afghanistan. Rồi ngoại trưởng Trung Quốc có chuyến thăm trụ sở NATO đầu tiên là vào năm 2007. Kể từ đó, các mối tương tác đã được tăng cường. Đối thoại quân sự được thiết lập vào năm 2010 vẫn tiếp tục dù không mấy đều đặn.
Một trò điều chỉnh phức tạp
Thế nhưng, khi Donald Trump bước chân vào Nhà Trắng, ông khởi động một cuộc chiến thương mại trên mọi phương diện, không chỉ chống lại Trung Quốc mà còn nhắm vào cả các đồng minh của Mỹ, như Nhật Bản, buộc các nước này phải đối mặt với việc tăng thuế nhập khẩu cũng như là các cuộc tấn công dữ dội về chủ đề chia sẻ gánh nặng chi phí an ninh. Các nước đồng minh châu Âu và khối NATO còn bị đe dọa giảm quân số lính Mỹ được triển khai ở Đức.
Tuy Liên Hiệp Châu Âu ngay từ năm 2019 nhìn nhận Trung Quốc như là « đối thủ có hệ thống » nhưng các nước thành viên của khối NATO chưa sẵn sàng phối hợp với anh « Cả » đồng minh Mỹ để xác định một chính sách chung về Trung Quốc. Giọng điệu có phần tương đối ôn hòa trong tuyên bố chung sau thượng đỉnh NATO ở Luân Đôn năm 2019 giải thích rõ phần nào tâm trạng chung đó. Tuyên bố cho rằng Trung Quốc được xem như cùng lúc mang lại « những cơ hội và các thách thức » cho khối. Sự thay đổi nhận thức chiến lược trên phương diện xác định các mối đe dọa như Washington mong muốn còn xa mới được thực hiện.
Jens Stoltenberg, tổng thư ký khối NATO, quan niệm rằng cần phải hiểu rõ các thách thức mà Bắc Kinh đặt ra cho khối để có cách đáp trả phù hợp. Tháng Giêng năm 2020, trả lời chất vấn trước Nghị Viện Châu Âu, J. Stoltenberg thừa nhận Trung Quốc có một số hành động ảnh hưởng đến các lợi ích của NATO, như tấn công mạng, các khoản đầu tư của Bắc Kinh vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của châu Âu, rồi châu Phi và Bắc Cực.
Joe Biden, khi chỉ là ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ, nhiều lần tuyên bố có ý định làm sống lại mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương nhằm xác định một cách tiếp cận đa phương đối với Trung Quốc. Nhưng mong muốn này của ông vấp phải một đòn trời giáng : Việc ký kết thỏa thuận về đầu tư giữa Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc tháng 12/2019.
Dưới sự thôi thúc của Đức, hành động này cho thấy rõ mong muốn giữ thế trung lập của châu Âu trước cuộc đối đầu ngày càng lớn giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, vị thế này của Liên Âu khó thể giữ được lâu. Nghị Viện Châu Âu, vốn dĩ lên án mạnh mẽ Bắc Kinh chà đạp nền dân chủ ở Hồng Kông và đối xử tệ người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, đã đình chỉ văn bản này.
Chuyến công du châu Âu của Joe Biden vào tháng 6/2021, rồi việc tham dự các cuộc họp thượng đỉnh G7, NATO, và Liên Hiệp Châu Âu cho phép ông xúc tiến các chủ đề đáng quan tâm của Mỹ cũng như là sự cần thiết phát triển một phương thức đáp trả có phối hợp. Tổng thống Mỹ nói đến các mối họa tin tặc, các thách thức công nghệ đang gậm nhấm hệ thống tự do quốc tế.
Khi thực hiện điều này, Joe Biden đã thuyết phục được châu Âu nhìn nhận quy mô của thách thức do Trung Quốc đặt ra đối với cả trật tự thế giới lẫn an ninh của NATO. Ngoài liên minh quân sự này, bằng cách dựa vào cuộc họp khối G7 và thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu, Hoa Kỳ đã làm cho các đối tác của mình thấy được ích lợi của cách tiếp cận có phối hợp.
Nếu như Nga vẫn chiếm một vị trí quan trọng, bản thông cáo chung của NATO, ít nhiều phản ảnh được nhận thức này. Văn bản ghi rằng « những tham vọng của Trung Quốc và thái độ xác quyết của nước này là những thách thức có hệ thống đối với trật tự thế giới dựa trên các quy định pháp luật và đối với những lĩnh vực có ảnh hưởng đến an ninh của Liên minh ».
Ngoài ra, văn bản này còn đề nghị ông J. Stoltenberg phát triển một « Khái niệm Chiến lược Mới » có tính đến những xu hướng tiến triển trên. Văn bản này dự kiến sẽ được thông qua vào kỳ thượng đỉnh tháng 6/2022, được tổ chức ở Madrid, Tây Ban Nha.
Trung Quốc và nỗi lo một « NATO châu Á »
Vậy Trung Quốc có cái nhìn ra sao về khối NATO ?Đối với Bắc Kinh, NATO trước hết được xem như là một liên minh quân sự đa phương do Mỹ điều khiển. Mối lo này của Trung Quốc ngày càng lớn khi nhìn thấy mạng lưới liên minh chính trị – quân sự của Mỹ được duy trì ở châu Á tiến triển theo hướng mở rộng hội nhập các hoạt động khi dựa vào các phương tiện của NATO.Nhận thức này giải thích vì sao Bắc Kinh không ngừng lên án mọi ý đồ thành lập một « NATO châu Á », nghĩa là đa phương hóa các thỏa thuận quân sự song phương của Mỹ trong vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương cũng như là mọi sự hình thành các quy mô hợp tác mới.
Các sáng kiến chiến lược của Joe Biden, như hồi sinh Đối thoại An ninh Bốn bên (QUAD) – tập hợp bốn nước Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ và Úc – và hình thành hiệp ước an ninh ba bên AUKUS giữa Anh, Mỹ và Úc khiến Trung Quốc ngày càng có thái độ cứng rắn rõ nét. Việc Trung Quốc gia tăng phô trương sức mạnh với Đài Loan cũng như là củng cố mối quan hệ hợp tác với Nga là ngần ấy tín hiệu cho thấy Bắc Kinh quyết tâm đánh dấu địa bàn của mình.
Cuối cùng, Trung Quốc tỏ ra đặc biệt nhậy cảm trước việc NATO tăng cường quan hệ với các nước láng giềng cận kề của Trung Quốc như Nhật Bản và Hàn Quốc, những quốc gia đang được Mỹ bảo đảm an ninh, kể cả bằng việc mở rộng răn đe hạt nhân. Bởi vì, NATO muốn chú trọng vào việc thắt chặt hợp tác với các « đối tác trên thế giới », nghĩa là tăng cường khả năng liên tác chiến và các năng lực phòng thủ hỗ tương.
Những đối tác này, bao gồm 9 nước, đặc biệt có đến 4 cường quốc châu Á là Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand, những quốc gia vốn dĩ đã có mối liên kết với Mỹ thông qua một Hiệp ước An ninh. Bốn cường quốc này, lần đầu tiên đã tham dự một cuộc họp của NATO và Liên Hiệp Châu Âu ở cấp ngoại trưởng năm 2020, bàn về đà đi lên thành cường quốc của Trung Quốc.
Kết thúc bài viết, Marianne Peron-Doise kết luận : Mối quan hệ giữa NATO và Trung Quốc đi theo một quỹ đạo ngày càng cùng nhịp với những căng thẳng Mỹ – Trung, gây bất lợi cho Pháp và Đức. Trong bối cảnh này, việc thông qua « Khái niệm Chiến lược Mới » của NATO vào tháng 6/2022, rất có thể sẽ là một thời điểm chủ chốt để đưa Trung Quốc vào danh sách các mối bận tâm của Liên Minh dù phải thể hiện sự bất đồng về cách đánh giá với Liên Hiệp Châu Âu.