- Damien McGuinness
- BBC News, Berlin
18 tháng 4 2022
Ân hận đối với những sai lầm trong lịch sử là thú tiêu khiển ở Đức. Nhưng thậm chí khi xét theo các chuẩn mực Đức thì sự chất vấn lương tâm về chính sách của Đức đối với Nga là điều đáng chú ý.
Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/2, nhiều chính trị gia Đức công khai thừa nhận họ đã hiểu sai Vladimir Putin. Ngay cả Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier cũng lên tiếng xin lỗi, nói rằng việc sử dụng thương mại và năng lượng để thiết lập quan hệ với Moscow là một sai lầm.
Nils Schmid, phát ngôn viên đối ngoại đảng của ông Steinmeier, Đảng trung tả Xã hội Dân chủ (SDP), nói: \”Một thừa nhận cay đắng là trong 30 năm qua chúng ta đã nhấn mạnh đến sự đối thoại và hợp tác với Nga. \”Bây giờ chúng ta phải công nhận điều này đã không hiệu quả. Đó là lý do tại sao chúng ta đã bước vào một kỷ nguyên mới của nền an ninh châu Âu.\”
Kỷ nguyên mới đó được Thủ tướng SPD của Đức, Olaf Scholz đặt tên là \”Zeitenwende\” – nghĩa đen là bước ngoặt – trong một bài phát biểu tại Quốc hội Liên bang Đức vài ngày sau cuộc xâm lược.
Điều này có nghĩa là hủy bỏ các luật lệ về xuất khẩu vũ khí, tăng chi tiêu khổng lồ cho nền quốc phòng và chấm dứt nhập khẩu năng lượng của Nga. Dự án đường ống dẫn khí đốt của Nga đến Đức Nord Stream 2 đã bị đình chỉ.
\”Trong một tương lai có thể nhìn thấy thì sẽ không có sự hợp tác với Nga. Sẽ thiên về ngăn chặn và răn đe, và nếu cần, là phòng thủ chống lại Nga\”, ông Schmid nói.
Những lời lẽ diều hâu đầy bất ngờ dành cho một đảng mà cách đây 7 tuần, vẫn tin vào tội lỗi lịch sử và nghĩa vụ đạo đức của Đức là bù đắp cho những tội ác của Đức Quốc xã – nghĩa là có nền hòa bình với Nga bằng mọi giá.
Nhưng ở Berlin, cuộc chiến ở Ukraine tạo cảm giác rất quen thuộc. Hình ảnh các tòa nhà ở Ukraine bị bắn phá nhìn giống các thành phố của Đức trong Thế chiến thứ hai. Và khoảng 30% trong 1 triệu người tị nạn, hầu hết là phụ nữ và trẻ em, đến các ga xe lửa của Đức khiến nhiều người ở đây nhớ về cha mẹ hoặc ông bà của họ khi còn nhỏ đã phải chạy trốn lính Nga vào năm 1945.
Thậm chí cách nhìn nhận của nước Đức về lịch sử của chính mình cũng đang thay đổi.
Cho đến khi cuộc xâm lăng nổ ra, ý kiến chủ đạo là sự thống nhất của nước Đức thống nhất nhờ vào cuộc đối thoại với Moscow của Willy Brandt, cựu Thủ tướng Tây Đức, thuộc đảng SPD. Nhưng giờ đây, cuộc tranh luận đã chuyển hướng, với lời nhắc nhở rằng nền ngoại giao của ông Brandt đã được hậu thuẫn bằng sự răn đe mạnh mẽ, bao gồm ngân sách dành cho quốc phòng của Tây Đức là 3% GDP.
Vấn đề tội lỗi chiến tranh lịch sử của Đức cũng dần khác biệt hơn. Trước cuộc xâm lược của Nga, chính phủ Đức chống lại việc cung cấp vũ khí cho Ukraine vì tội ác của Đức Quốc xã đối với Nga.
Ông Schmid giải thích: \”Dưới thời Putin, chính sách chính thức của Nga đã cố gắng độc chiếm ký ức về Chiến tranh thế giới thứ hai cho mối quan hệ song phương Đức-Nga\”. Ông cho biết thêm, điều này khiến các bộ phận trong xã hội Đức mù tịt trước sự đau khổ của người Ukraine trong thời chiến.
Giờ đây, người ta đã nhận thức rõ hơn về những đau thương của Ukraine dưới thời Đức Quốc xã.
Tuyên bố của Berlin đã thay đổi đáng kể. Nhưng một số người chất vấn rằng liệu các hành động theo sau có đủ nhanh hay không. Chắc chắn những lời ủng hộ nồng ấm là không đủ đối với Tổng thống Ukraine – Volodymyr Zelensky. Ông đã chỉ trích việc Đức tiếp tục phụ thuộc vào nguồn dầu khí của Nga.
Zelensky: Dầu của Nga được trả bằng tiền vấy máu
Trong cuộc phỏng vấn với BBC tuần rồi, ông Zelensky gọi năng lượng của Nga được trả bằng \”tiền vấy máu\”. Và một chuyến thăm dự kiến tới Kyiv của Tổng thống Steinmeier đã bị hủy bỏ vào phút chót.
Có nhiều thông tin mâu thuẫn về những gì đã xảy ra: một số quan chức Ukraine nói rằng ông Steinmeier không phải \”không được chào đón\”. Nhưng chắc chắn các chính trị gia và nhà bình luận Đức lý giải chuyến thăm bất thành là một dấu hiệu cho thấy Ukraine không tin tưởng vào Tổng thống Đức, người khi là ngoại trưởng dưới thời Angela Merkel đã có hàng năm nỗ lực đạt được nền hòa bình thông qua việc gắn bó với Nga.
Tại Cổng thành Brandenburg – một biểu tượng của một \”Wende\” khác, từ được dùng trong tiếng Đức để chỉ quá trình thống nhất nước Đức – tôi gặp Tiến sĩ Claudia Major, chuyên gia quốc phòng tại German Institute for International and Security Affairs (SWP).
\”Các đối tác của chúng tôi nhìn chúng tôi và nói: Quý vị thực hiện chính sách Zeitenwende nhưng thực tế là đang làm gì?\” Tiến sĩ Claudia Major nói. \”Đối với các lệnh trừng phạt, chúng tôi tỏ ra rụt rè còn việc cung cấp vũ khí thì chần chừ. Vì vậy, chính xác là họ tự hỏi Zeitenwende là thế nào, và cho rằng với vị thế là một cường quốc kinh tế, quân sự, chính trị lớn giữa châu Âu thì bất cứ điều gì chúng tôi làm đều tạo sự khác biệt, theo hướng tốt lẫn xấu.\”
Đức đã cam kết trừng phạt việc nhập khẩu năng lượng từ Nga, nhưng muốn loại bỏ theo từng giai đoạn, thay vì cấm vận ngay lập tức. Chính phủ cho rằng điều này sẽ khiến nước Đức rơi vào suy thoái và mất hàng trăm nghìn việc làm.
Nhà khoa học chính trị, Liana Fix, người đứng đầu Quỹ Körber, lập luận: \”Đây là một thế tiến thoái lưỡng nan mà nước Đức tự tạo ra. Điều này rõ ràng khó chấp nhận đối với những quốc gia sẵn sàng tiến hành lệnh cấm vận và giải quyết bài toán về đa dạng hóa năng lượng.\”
Trớ trêu thay, Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck, một chính trị gia của Đảng Xanh, một đảng trong nhiều năm đã kêu gọi về sự độc lập năng lượng với Nga, lại là người đang phải giải quyết tình huống khó xử này.
Về hỗ trợ quân sự cho Ukraine, Berlin cho biết họ sẵn sàng gửi bất kỳ loại vũ khí nào mà Kyiv cần. Nhưng có những cáo buộc rằng một số bộ đang bị mắc kẹt trong sự quan liêu. Tương tự đối với một chính trị gia Đảng Xanh, Ngoại trưởng Annalena Baerbock, người đang thúc đẩy liên minh cầm quyền đi nhanh hơn. Bà kêu gọi cung cấp vũ khí hạng nặng, chẳng hạn như xe tăng hoặc máy bay chiến đấu cho Ukraine.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức dường như né tránh câu hỏi khi được chất vấn – có khả năng lo lắng mất sự ủng hộ của đảng mình.
Olaf Scholz phải giữ đảng của mình đúng vị trí, điều hành trong một liên minh ba bên và đột ngột đảo ngược bản sắc về chủ nghĩa hòa bình nặng trĩu tội lỗi của Đức.
Nhưng thậm chí khi các đồng minh của ông nói rằng thủ tướng ít nhất nên đối thoại tốt hơn về những gì đang xảy ra. Tiến sĩ Claudia Major nói: Một bài phát biểu tại quốc hội và một vài buổi nói chuyện trên truyền hình là không đủ.
Trong khi đó, dường như nhiều người Đức đang trải qua Zeitenwende của riêng mình. Ariane Bemmer, một nhà báo chuyên mục của tờ Tagesspiegel, đã viết về việc đánh giá lại cảm nhận của chính mình đối với nước Nga. \”Tôi chắc chắn đã sai lầm, giống như mất một người bạn,\” bà ấy nói với tôi.
Giống như nhiều người ở Tây Đức trước đây vào những năm 1980, bà cảnh giác với chủ nghĩa tư bản bất nhẫn kiểu Mỹ. Bà đã mua một cuốn sách có tựa đề Ami Go Home – bà chưa bao giờ đọc nó, nhưng cảm thấy nó sẽ trông rất đẹp trên giá sách của mình – và bị những cuộc cải cách ở Nga hấp dẫn.
\”Ở Mỹ có Ronald Reagan là tổng thống, đó là một cú sốc đối với chúng tôi. Chúng tôi nghĩ: tên diễn viên điên rồ này với đôi giày cao bồi của mình, ông ta sẽ làm gì? Liệu ông ta có thiêu rụi thế giới không? Nga là nơi có tất cả những thay đổi tốt đẹp như, phong trào cải tổ Perestroika, tự do, làn gió đổi mới, \”bà nói.
Ít người ở Đức bây giờ vẫn nghĩ như vậy. Trong một cuộc thăm dò gần đây, 55% người Đức cho rằng Berlin nên gửi vũ khí hạng nặng, chẳng hạn như xe tăng và máy bay chiến đấu, đến Ukraine chiến đấu chống Nga.
Đối với Ariane, và nhiều người Đức khác, bất kỳ chủ nghĩa lãng mạn thân Nga nào còn sót lại đã biến mất hoàn toàn vào ngày xe tăng của Putin lăn bánh vào biên giới Ukraine.