17 tháng 4 2022
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ có cuộc họp trực tiếp vào trung tuần tháng Năm với lãnh đạo các quốc gia khối Asean tại Washington, phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc Jen Psaki nói trong một thông cáo hôm thứ Bảy.
Cuộc họp thượng đỉnh nhiều khả năng sẽ tập trung vào chủ đề quyền lực đang dâng của Trung Quốc, phía Hoa Kỳ nói.
Cuộc họp \”sẽ thể hiện cam kết lâu dài của Hoa Kỳ đối với ASEAN\”, theo thư ký báo chí Jen Psaki.
\”Ưu tiên hàng đầu của chính quyền Biden-Harris là trở thành một đối tác mạnh và đáng tin cậy ở Đông Nam Á\”, nội dung thông cáo viết.
Kỳ họp bị trì hoãn
Hội nghị thượng đỉnh Asean-Hoa Kỳ theo kế hoạch ban đầu lẽ ra được tổ chức vào ngày 28-29/3, nhưng đã bị trì hoãn \’vô thời hạn\’ \’trong bối cảnh có thông tin cho rằng một số lãnh đạo trong khối các nước ASEAN có lịch làm việc trùng thời gian này, và do cuộc khủng hoảng Ukraine trở nên nghiêm trọng hơn.
Hãng tin Nhật Bản Kyodo News nói rằng kỳ họp dự kiến hồi tháng Ba đã không diễn ra do nhà lãnh đạo của Campuchia, quốc gia hiện đang là chủ tịch khối Asean, vướng bận trong thời gian đó.
Tuy nhiên, báo Jakarta Post của Indonesia dẫn lời Thủ tướng Campuchia Hun Sen nói rằng ông \”sẵn sàng và sẵn lòng tham dự cuộc họp, thậm chí sẵn sàng hủy bỏ các sự kiện trong nước đã lên lịch ở Campuchia để đi dự họp\”, và việc sắp lịch không thành là do các nước khác trong khối.
Nay, lịch họp mới được đưa ra, dự kiến sẽ vào ngày 12-13/5.
Châu Á: mối ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ
Hoa Kỳ từ lâu nay luôn nói rằng việc tăng cường quan hệ với châu Á là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Washington.
Không có kỳ họp thượng đỉnh cuối tháng Ba như dự kiến ban đầu, hôm 29/3, ông Biden đã gặp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, một thành viên quan trọng của ASEAN, tại Tòa Bạch Ốc.
Tại cuộc họp này, Tổng thống Hoa Kỳ nói rằng ông muốn đảm bảo khu vực vẫn tiếp tục \”tự do và cởi mở\” – nhằm nhắc tới điều mà Hoa Kỳ coi là việc Trung Quốc, quốc gia đang trỗi dậy về quyền lực, nỗ lực tìm cách thống trị các tuyến đường thương mại quốc tế.
Ông Biden hồi tháng Mười đã tham dự một hội nghị thượng đỉnh qua mạng với các nhà lãnh đạo ASEAN.
Bà Psaki lưu ý rằng trong kỳ họp thượng đỉnh đó, ông Biden đã công bố các sáng kiến nhằm mở rộng sự tham gia của Hoa Kỳ với ASEAN trong các chủ đề COVID-19, biến đổi khí hậu, tăng trưởng kinh tế và các vấn đề khác.
Cạnh tranh căng thẳng với Trung Quốc đã trở thành một trong những thách thức chính sách đối ngoại lớn nhất đối với Hoa Kỳ, mặc dù các vấn đề khác – như cuộc rút lui hỗn loạn khỏi Afghanistan và cuộc chiến ở Ukraine – đang đòi hỏi cần được quan tâm cấp bách hơn.
Một số thành viên ASEAN, tổ chức gồm có Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, đang ngày càng có nhiều va chạm với Bắc Kinh.
Thông cáo mà Hoa Kỳ đưa ra hôm thứ Bảy không nói rõ liệu các lãnh đạo Myanmar có tham dự kỳ họp sắp tới hay không.
Chính quyền ông Biden cáo buộc giới lãnh đạo quân sự Myanmar đã gây ra \”vụ diệt chủng\” người thiểu số Rohingya.
ASEAN đã cố gắng tìm giải pháp ngoại giao kể từ khi quân đội lên nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 2021, nhưng cho đến nay vẫn chưa đạt kết quả.