Phần Lan đứng trước ngã rẽ lịch sử : Trung lập hay gia nhập NATO ?

Đăng ngày: 20/04/2022

\"\"
\"\"
Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin (T) và thủ tướng Đức Olaf Scholz trong một cuộc họp báo ở Berlin, Đức, 16/03/2022. AP – John Macdougall

Chi Phương

Sau hơn 70 năm giữ gìn độc lập với quy chế trung lập, Phần Lan phải lo ngại và xem lại chiến lược quân sự của mình trước cảnh Nga xâm lược Ukraina. Liệu quân đội của Phần Lan có đủ sức mạnh phòng vệ trước nguy cơ Nga ? NATO phải chăng là lựa chọn duy nhất ?

Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraina gióng lên hồi chuông cảnh báo cho đất nước có chung 1300 km đường biên giới với Nga, với câu hỏi liệu có nên giữ quy chế trung lập nữa hay không – một chính sách ngoại giao “thận trọng” cho phép 6 triệu dân Phần Lan sống hoà bình với nước láng giềng hung hăng từ hơn 70 năm qua.

Công luận Phần Lan hướng về NATO

Theo thăm dò của đài truyền hình quốc gia Phần Lan YLE (được thực hiện từ ngày 23-32 tháng Ba), 71 người trong số 112 nghị sỹ cho biết ủng hộ gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), chỉ có 6 người phản đối.  

Hôm 13/04, thủ tướng Phần Lan, Sanna Marin, trong một cuộc họp báo chung với đồng nhiệm Thuỵ Điển, cho biết sẽ thảo luận về quyết định có gia nhập NATO trong vài tuần nữa chứ không phải vài tháng. Bà cũng cho biết Nghị viện Phần Lan đã lên chương trình nghị sự để tranh luận về việc này.  

Sanna Marin : “Phần Lan đã xây dựng quan hệ sâu sắc, chặt chẽ hơn với đối tác NATO kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimée (của Ukraina). Sự khác biệt giữa việc là một đối tác và trở thành thành viên của khối rất rõ ràng và sẽ vẫn là như vậy. Chúng tôi không có cách nào khác để đảm bảo an ninh tốt hơn là sự bảo vệ của NATO và quy tắc phòng thủ chung được quy định trong điều 5 của liên minh quân sự.”

Kể từ ngày 24 tháng 2 đánh dấu cuộc xâm lược của Nga vào Ukraina, những cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy 68 % người dân Phần Lan ủng hộ việc gia nhậpNATO. Tại Helsinki, một số cư dân cho rằng gia nhập NATO là một cách để bảo vệ an ninh Phần Lan khỏi nguy cơ Nga xâm lược, như chia sẻ của một chủ một doanh nghiệp về truyền thông, ông Ville Pojhonen, với hãng tin Reuters : “Tôi từng phản đối gia nhập NATO, nhưng ngày nay, tôi nghĩ đây là lựa chọn phù hợp. Bởi vì tình hình giữa Nga và Ukraina cho thấy Nga có thể làm bất cứ thứ gì mà chúng ta không bao giờ lường trước được.”   

Hòa bình với láng giềng to lớn – cái giá của sự trung lập

Sau khi chịu sự thống trị của đế quốc Nga hơn một thế kỷ, Phần Lan giành được độc lập vào năm 1917, nhưng sự kiện đánh dấu sự ra đời của Phần Lan ngày nay đó là chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Mùa đông chống lại Nga (1939-1940). Trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, cụ thể là năm 1948, Helsinki ký một “Hiệp ước hữu nghị” với Matxcơva, thực hiện quy chế trung lập hay còn gọi là Phần Lan hoá, để duy trì hoà bình với nước láng giềng cho đến năm 1992.

Hiệp ước đảm bảo Phần Lan, không giống như các nước khác ở Đông Âu hay vùng Baltic, không phải đối mặt với sự “mở rộng” của Liên Xô. Quốc gia này có thể tiếp tục theo đuổi con đường dân chủ và tư bản, nhưng đổi lại, Helsinki phải đứng ngoài NATO và giữ thái độ trung lập trong các cuộc xích mích giữa Nga và phương Tây. Trong cuốn sách La guerre froide (Chiến tranh lạnh), nhà sử học Georges Henri Soutou mô tả Phần Lan hoá là “quá trình mà Liên Xô có thể kiểm soát chính sách đối ngoại của một nước châu Âu mà không cần thay đổi chế độ chính trị của nước đó.”  

Tạp chí Foreign Policy nhận định rằng tổng thống Nga Vladimir Putin tự hoang tưởng về việc NATO xâm lấn biên giới phía đông nam của Nga và yêu cầu Ukraina theo chân Phần Lan thực hiện quy chế trung lập. Thế nhưng, dường như chính sự hung hăng của Putin đã đẩy Phần Lan ra xa, có thể khiến quốc gia này từ bỏ quy chế trung lập nổi tiếng. Thông báo của thủ tướng Phần Lan có thể tạo ra một bược ngoặt “đáng mỉa mai” đối với lịch sử thế kỷ 20, hay đúng hơn là đối với giấc mộng đại đế của Putin.  

Đôi bên cùng có lợi

Theo chuyên gia về quan hệ quốc tế, Rachel Rizzo tại cơ quan tư vấn Atlantic Council, ý định gia nhập NATO của Phần Lan và Thuỵ Điển, không phải chỉ vì muốn có được sự bảo vệ, bà giải thích thêm với hãng tin Reuters : 

Rachel Rizzo “NATO đã nhiều lần mở rộng cửa đón thành viên mới, không nhất thiết là vì mối đe doạ từ Nga mà các quốc gia muốn gia nhập. Không phải chỉ vì Điều 5 của Liên Minh dù đó là điều khoản quan trọng nhất. Gia nhập liên minh không chỉ cho phép quốc gia đó có được sự bảo vệ mà còn có nhiều lợi ích đi kèm theo đó, chẳng hạn như việc tổ chức và hợp tác cùng nhau về các vấn đề an ninh khác, cho dù mối đe doạ từ Nga là một trong những lý do chính, thúc ép các nước hành động. Đối với NATO, nếu Phần Lan gia nhập, đường biên giới giữa NATO và Nga hiện là 1192 km sẽ tăng gấp đôi, xấp xỉ 2500 km. Đó là một thay đổi đáng kể, nhưng tôi cho rằng các đồng minh NATO hiểu được từ chiến tranh Ukraina, tầm quan trọng của việc bảo vệ an ninh khu vực châu Âu  Đại Tây Dương.”  

Việc Phần Lan gia nhập Liên minh dĩ nhiên là có lợi cho cả đôi bên. Trước mắt đó là khả năng ngăn chặn Nga xâm lược, sau đó là đảm bảo an ninh cho đường biên giới dài hơn 1300 km giữa Liên minh và Nga. Phần Lan có thể chia sẽ những thông tin tình báo hữu ích cho NATO với 105 năm kinh nghiệm theo dõi, phân tích hành động của nước láng giềng hùng mạnh.

Về lâu dài, tư cách thành viên của NATO tác động tích cực đến kinh tế Phần Lan : nâng cao hình ảnh nước này – một quốc gia an toàn để tiến hành kinh doanh. Khi rủi ro chính trị giảm, các công ty đa quốc gia nước ngoài an tâm hơn khi đầu tư vào Silicon Valley của châu Âu

Mối đe dọa Nga

Không thể không kể đến những hậu quả về mặt quân sự cũng như chính trị mà Phần Lan có thể phải đối mặt nếu gia nhập NATO. Trước thái độ ve vãn, muốn đăng ký làm thành viên NATO của Phần Lan và Thuỵ Điển, điện Kremlin đã cảnh báo có thể sử dụng vũ khí hạt nhân, vũ khí siêu thanh hay tên lửa Iskander trong vùng Baltic. 

Hành động này sẽ đe doạ đến an ninh của toàn châu Âu.

Phần Lan có thể phải đương đầu với các hành động gây hấn quân sự hay tấn công an ninh mạng. Phần Lan cũng phải dè chừng nếu Nga trả đũa trên mặt trận kinh tế, (vào năm 2019, Phần Lan nhập khẩu 60 % năng lượng từ Nga).

Thế nhưng dường như không vì thế mà đất nước hạnh phúc nhất thế giới này chùn bước. Sau khi Liên Xô tan rã, Phần Lan gia nhập Liên Hiệp Châu Âu vào năm 1995, sử dụng đồng euro và có thoả hiệp riêng với Mỹ và châu Âu. 

Quân đội của Phần Lan tuy khó so bì được với các nước như Anh Pháp Đức thuộc NATO, nhưng khả năng sẵn sàng chiến đấu và việc quốc gia đóng neo đơn độc ở biển Baltic đã có sự chuẩn bị từ lâu trước nguy cơ Nga xâm lược, đã khiến Phần Lan trở thành một quốc gia đáng gờm về hoả lực, pháo binh, giám sát không vận, tên lửa và cơ quan tình báo.

Năm 2016, Phần Lan đã ký kết với Mỹ một hiệp ước hợp tác quốc phòng song phương. Hai bên trước đó đã thực hiện nhiều cuộc tập trận quân sự chung trên không trên bộ và trên biển. Hiệp ước cho phép tăng cường trao đổi thông tin, nghiên cứu và phát triển chung trong lĩnh vực như an ninh mạng, phòng thủ hạt nhân đóng tàu. Các cuộc tập trận với quy mô lớn giữa quân đội hai bên diễn ra thường xuyên hơn kể từ khi Nga sáp nhập Crimée. 

Mặc dù dân số khoảng 5, 6 triệu người, nhưng lãnh đạo nước này cho biết, quân đội Phần Lan có thể “huy động nhanh” 280 000 quân, với số lượng đối đa lên đến 900 000 quân ( lính dự bị ). Các hầm lánh nạn có đủ chỗ chứa tới 80 % cư dân. Số xe tăng chiến đấu của Helsinki còn nhiều hơn cả Berlin. Lực lượng không quân hiện có 64 chiến đấu cơ F-18, được trang bị hệ thống tên lửa với độ chính xác cao của Mỹ. Phần Lan cũng đặt hàng thêm 64 chiến đấu cơ F35 và sẽ được giao hàng vào năm 2026. Hôm 11/4, lực lượng phòng vệ Phần Lan công bố kế hoạch trang bị 1000 đến 2000  máy bay không người lái nhằm tăng cường khả năng trinh sát. 

NATO mở rộng cửa chào đón

Để trở thành thành viên của NATO, ngay cả khi Nghị viện thông qua, Phần Lan cần có được đồng thuận từ 30 nước thành viên. Hiện, nhiều quốc gia (Mỹ, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Na Uy, Bồ Đào Nha, Estonia) đã thể hiện rõ quan điểm mở rộng cánh cửa đón Phần Lan. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng cho biết sẽ cho phép nước này gia nhập nhanh chóng. Tuy nhiên lãnh đạo Liên minh không nói rõ quy trình nào sẽ được thực hiện để thúc đẩy hồ sơ thành viên của Phần Lan.

Chuyên gia về quan hệ quốc tế Rachel Rizzo cho rằng quá trình này ít nhiều cũng cần vài tháng. Vậy, trong trường hợp Nga tấn công Phần Lan, trước khi mà thủ tục gia nhập hoàn tất, liệu NATO có phản ứng gì hay không ? 

Rachel Rizzo: “Giả sử như Phần Lan hay Thuỵ Điển bị Nga tấn công khi vẫn chưa hoàn tất hồ sơ gia nhập. Tôi cho rằng Liên minh sẽ sẵn sàng có hành động đáp trả dù hai nước vẫn chưa phải thành viên chính thức. Cả hai nước đều hợp tác chặt chẽ với NATO, tăng cường chia sẻ thông tin tình báo, tham gia các cuộc tập trận trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraina. Tôi cho rằng mối quan hệ mà NATO đã xây dựng với hai nước này, theo một cách nào đó, là một sự bảo vệ cho cả hai. Về phần mình, Nga đã tuyên bố rõ ràng rằng Phần Lan và Thuỵ Điển gia nhập NATO là mối đe doạ trực tiếp đến an ninh của Nga. Tôi không nghĩ rằng gia nhập NATO sẽ khiến Nga có phản ứng như ở Gruzia và ở Ukraina. Tuy nhiên, theo tôi, chúng ta nên đề phòng những mối đe doạ hỗn hợp có thể gia tăng: Các cuộc tấn công mạng hay chiến tranh thông tin, đe doạ và gây hấn đến các thành viên tiềm tàng của NATO.”  

Con đường nào cho Phần Lan ?

Phần Lan dường như đang phải đứng trước “ngã rẽ lịch sử”, theo nhận định trong bài phân tích của cơ quan tư vấn Wilson Center, chuyên thực hiện các nghiên cứu độc lập về các chính sách đối ngoại cũng như các vấn đề toàn cầu.  

Lần cuối cùng Phần Lan phải đối mặt với việc đưa ra một lựa chọn tương tự đó là vào năm 1995, khi nước này gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, 4 năm sau khi Liên Xô tan rã. Đó là giữ quy chế trung lập hoặc trở thành một phần của phương Tây. Giờ đây, Phần Lan phải đối mặt với một lựa chọn khác : tiếp tục tăng cường hợp tác quân sự với các đồng minh hoặc gia nhập NATO và có được sự bảo đảm về an ninh tốt hơn.   

Với những cáo buộc phạm tội ác chiến tranh gần đây cùa Nga, Phần Lan phải xem xét lại các tính toán của mình, xem xét lại chính sách an ninh, cân đo đong đếm những tác động của tư cách thành viên NATO. Tổng tư lệnh lực lượng phòng vệ Phần Lan, ông Quali Niinisto khẳng định: “Trước bối cảnh thế giới có những thay đổi triệt để, chúng ta phải giữ cái đầu lạnh (tỉnh táo)”. 

Và thời gian sẽ đưa ra câu trả lời đối với quyết định của Phần Lan dù có chọn đi đường nào đi chăng nữa.

Bài Liên Quan

Leave a Comment