9 giờ trước
Trung Quốc vừa cử nữ đặc sứ Hoắc Ngọc Trân sang \’hàn gắn quan hệ với Đông Âu\’ và giải thích quan điểm của Bắc Kinh về cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Chuyến đi tới tám nước thuộc nhóm 16+1 ở Đông Âu, vùng biển Baltic và Balkans được Bộ Ngoại giao Trung Quốc loan báo trên mạng Twitter.
Ông Vương Lỗ Đồng, Tổng cục trưởng phụ trách châu Âu của Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo trên Twitter rằng phái đoàn của bà Hoắc Ngọc Trân sẽ tới CH Czech, Slovakia, Hungary, Croatia, Slovenia, Estonia, Latvia và Ba Lan.
Bà Hoắc Ngọc Trân (霍玉珍 – Huo Yuzhen), người có bằng tiến sĩ ở CH Czech và thạo tiếng Tiệp, là Đại diện Đặc biệt về Hợp tác của Trung Quốc với các quốc gia Trung, Đông Âu (Special Representative for Cooperation between China and the CEECs).
Bối cảnh của chuyến thăm là phía Trung Quốc muốn khởi động lại dự án đầu tư, kết nối kinh tế và chính trị với nhóm quốc gia đa số từng thuộc hệ thống XHCN ở châu Âu nhưng nay đã thuộc EU và Nato.
Ngoại trừ Hungary, đa số các quốc gia Đông Âu đều kịch liệt phản đối Nga xâm lược Ukraine.
Một số nước lo sợ bị Nga tấn công sau Ukraine và thất vọng nặng nề trước thái độ ủng hộ Moscow của Trung Quốc cùng một vài nước châu Á \’duy lợi\’, theo các báo khu vực.
Thái độ của Bắc Kinh bị cho là \”ủng hộ Nga, không ủng hộ, không phản đối Ukraine\” gây ra nhiều quan ngại trong vùng Đông Âu, nơi các nước thuộc EU và Nato như Ba Lan, Romania, Estonia và Latvia đang tăng cường phòng thủ vì sợ bị Nga đánh.
Công thức 16+1 có còn sức sống?
Theo trang South China Morning Post (19/04/2022) thì thái độ của Trung Quốc cần phải được phái đoàn của bà Hoắc giải thích rõ nhằm hàn gắn quan hệ.
Tuy thế, một chuyên gia Ba Lan, bà Justyna Szczudlik được tờ báo Hong Kong trích dẫn, cho rằng sau khi Lithuania bỏ nhóm CEEC, khiến công thức 17+1 bị giảm xuống còn 16+1, thì nhiệm vụ của phái đoàn đặc sứ Trung Quốc tuần này rất khó khăn.
Lithuania năm qua đã quay sang quan hệ với Đài Loan nhiều hơn, cho Đài Bắc mở văn phòng đại diện lấy nguyên tên là \”Đài Loan\”, và tẩy chay quan hệ với Trung Quốc.
Ngay trước cuộc chiến của Nga ở Ukraine mà hiện đã gây ra khủng hoảng nhân đạo và tỵ nạn khủng khiếp cho Đông Âu, thái độ của các nước trong vùng về Trung Quốc đã thay đổi theo hướng e ngại Bắc Kinh hơn.
Vẫn TS Szczudlik, chuyên gia về Trung Quốc, Phó giám đốc một viện nghiên cứu quan hệ quốc tế của Ba Lan (Polish Institute of International Affairs – PISM) hồi cuối năm 2021 đã viết trên trang The Diplomat, cho rằng các nước Trung và Đông Âu thất vọng với hình mẫu 17+1 tức 17 nước và Trung Quốc.
\”Khi nói về quan hệ TQ-CEE, khu vực này đang trở nên thận trọng với Trung Quốc, không phải chỉ vì họ đã thất vọng nặng nề về mô thức 17+1 trong lĩnh vực kinh tế, mà còn vì sự bức bối trước chủ nghĩa độc đoán và chính sách ngoại giao cưỡng bức (coercive) của Trung Quốc.\”
Sáng kiến từ 2012 của TQ đã đưa gần 20 nước vùng Baltic, Trung Âu, Đông Âu và Balkan (China and Central & Eastern European Countries-CEEC) vào một nhóm quốc gia chia sẻ lợi ích hợp tác cùng Trung Quốc, tuy không có cơ chế ràng buộc gì.
Nhóm nước này đã được Chủ tịch Tập Cận Bình đích thân cam kết trợ giúp chống Covid năm 2021.
Trung Quốc tuy thế cũng lo ngại về Nga?
Truyền thông Âu Mỹ đang chú ý đến chuyến thăm của bà Hoắc. Viết trên trang NBC News hôm 20/04, bà Jennifer Jett, trong bài \”Chinese diplomats visit Eastern Europe amid tensions\” ghi nhận rằng chuyến thăm của phái đoàn Trung Quốc tới Trung và Đông Âu lần đầu từ khi Nga xâm lược Ukraine xảy ra trong lúc có căng thẳng về việc Bắc Kinh từ chối lên án cuộc xâm lược của Nga.
Bài báo nhắc rằng quan chức ngoại giao cao cấp của Trung Quốc luôn khẳng định quan hệ của họ với Nga \”là tình hữu nghị không có hạn chế\” (friendship with no limits).
Trung Quốc muốn dùng thương mại và đầu tư, nhất là đầu tư vào cơ sở hạ tầng để thúc đẩy các quan hệ quốc tế và cách làm đó tỏ ra hiệu quả ở nhiều nơi.
Riêng tại châu Âu, thái độ của chính giới và công chúng nói chung sau cuộc xâm lăng của Nga tiến hành tại Ukraine đã thay đổi, đặt kinh tế xuống thứ yếu, sau các giá trị truyền thống và sự tồn tại của chủ quyền quốc gia, lãnh thổ.
Điều này tuy thế có vẻ vẫn chưa được các quan chức mang đầu óc \”duy lợi\” ở Trung Quốc hiểu ra, như một số bình luận quốc tế.
Vì vậy, Trung Quốc bị chỉ trích là hiểu lầm và tỏ ra \”vô cảm\” trước các lo ngại nghiêm trọng của người châu Âu về Nga.
Mặt khác, nước này cũng cảm thấy bị \”cưỡi hổ\” với Nga, quốc gia có nhà lãnh đạo ngày càng hung hãn và bất định, trong khi Bắc Kinh \”chẳng có cách nào thực sự tác động được hành vi của ông ta\”, như Richard McGregor viết về quan hệ Nga-Trung trên báo Anh, The Guardian hôm 11/03/2022.
Tuy thế, thái độ và quan điểm của TQ với Nga, Ukraine có ảnh hưởng lớn tới nhiều nước Á-Phi.
Theo TS Bill Hayton từ viện nghiên cứu Chatham House, London thì cả ba lần bỏ phiếu ở LHQ về Nga, Việt Nam đều \”gần với Trung Quốc\”.( xem thêm: Bỏ phiếu về Nga: \’Việt Nam đã gần Trung Quốc hơn là Asean\’)
Viết trên New York Times (18/04/2022), Ian Prasad Philbrick nêu tên Việt Nam, Bolivia và chừng ½ số 54 nước châu Âu đã cùng Trung Quốc ủng hộ Nga tại LHQ.
Theo cách đánh giá này thì trong các nước này, \”một số cần hỗ trợ quân sự từ Nga, một số không muốn làm tổn hại quan hệ với Trung Quốc vốn đang nhai đi nhai lại (nguyên văn: nói như vẹt – parroting), tuyên truyền của Nga về cuộc chiến\”.
Cùng thời gian, cuộc chiến của Nga ở Ukraine được Trung Quốc chính thức \”đổ lỗi\” cho Nato và Hoa Kỳ.
Bắc Kinh cũng dùng đó như một ví dụ để cảnh báo các nước xung quanh, gồm Việt Nam đừng nghiêng về Hoa Kỳ.
Trang web Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói về cuộc điện đàm hai bộ trưởng Vương Nghị của TQ và Bùi Thanh Sơn của VN cho hay:
\”Ông Vương Nghị cho biết, vấn đề Ukraine đã một lần nữa khiến các nước châu Á nhận ra rằng duy trì hòa bình và ổn định là điều quý giá và việc đối đầu giữa các khối sẽ dẫn đến vô vàn rủi ro.\”
\”Hoa Kỳ cố gắng tạo ra căng thẳng trong khu vực và kích động đối kháng và đối đầu bằng cách thúc đẩy \”Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương\”. Những động thái như vậy sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình và sự phát triển quý giá trong khu vực và làm xói mòn nghiêm trọng cấu trúc hợp tác khu vực lấy ASEAN làm trung tâm.\”