Bình luậnBảo Nguyên • 22/04/22
Việc tập đoàn Alibaba mở rộng ra Đông Nam Á thông qua việc để Ant Group sở hữu mạng thanh toán 2C2P đã làm gia tăng những mối lo ngại về hoạt động thu thập thông tin của Trung Quốc. Chính quyền Trump cũng từng cảnh báo về dịch vụ điện toán đám mây của Alibaba, công cụ giúp Bắc Kinh đánh cắp 600 tỷ USD tài sản trí tuệ của Mỹ hàng năm.
Alibaba mở rộng thanh toán kỹ thuật số sang Đông Nam Á
Hãng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, tập đoàn Alibaba, đang mở rộng mảng thanh toán kỹ thuật số — cùng với việc thu thập thông tin — sang Đông Nam Á.
Với kế hoạch chiếm quyền sở hữu đa số đối với mạng thanh toán 2C2P, công ty Ant Group thuộc tập đoàn Alibaba sẽ gia tăng phạm vi hoạt động của dịch vụ thanh toán toàn cầu, đặc biệt là ở Singapore, Thái Lan và Malaysia.
Đây là mối đe dọa đối với Mỹ và các nền dân chủ, vì việc mở rộng dịch vụ tài chính của Trung Quốc ở Đông Nam Á sẽ khiến các quốc gia ở khu vực này khó có thể thoát khỏi ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ của Bắc Kinh.
Vào ngày 18/04, đơn vị fintech của Alibaba, Ant Group, đã công bố “quan hệ đối tác chiến lược” với 2C2P, điều sẽ “thúc đẩy việc áp dụng và đổi mới thanh toán kỹ thuật số”. Theo tuyên bố của Ant Group, “việc hợp tác sau khi hoàn tất sẽ đưa Ant Group trở thành cổ đông chính của 2C2P”.
Chính quyền Trump đã từng ra cảnh báo đối với Alibaba
Vào năm 2018, chính quyền Trump đã ngăn cản Ant Group mua lại MoneyGram International Inc., một công ty cung cấp dịch vụ chuyển tiền của Mỹ, do những lo ngại về an ninh quốc gia. Tuy nhiên, việc đưa Ant Group vào danh sách đen đã không thành công và chính quyền Biden đã thu hồi lệnh hành pháp của ông Trump về việc cấm mạng lưới thanh toán tiền Alipay của Ant.
Trước khi xảy ra sự gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc dưới thời chính quyền Trump, Alibaba đang cạnh tranh với Google và Amazon trong việc cung cấp dịch vụ điện toán đám mây cho khách hàng Mỹ. Từ năm 2015, Alibaba đã vận hành các trung tâm dữ liệu có trụ sở ở Thung lũng Silicon và sau đó là ở Virginia. Khách hàng của công ty này bao gồm Ford Motor, IBM, Red Hat và Hewlett Packard.
Vào năm 2020, chính quyền Trump đã đưa ra cảnh báo đối với Alibaba và các nhà cung cấp dịch vụ đám mây khác của Trung Quốc, “nhằm ngăn những thông tin cá nhân nhạy cảm nhất của công dân Mỹ và những tài sản trí tuệ có giá trị nhất của doanh nghiệp của chúng ta… được lưu trữ và xử lý trên các hệ thống dựa trên điện toán đám mây có thể truy cập được bởi các kẻ thù nước ngoài”.
Khả năng thu thập thông tin của Bắc Kinh sẽ được tăng cường
Quyền kiểm soát của Alibaba đối với 2C2P sẽ là một sự bổ sung cho hệ thống thanh toán toàn cầu rộng khắp của Ant Group với hơn 1,3 tỷ người dùng. Năm ngoái, Ant Group hứa sẽ tái cơ cấu dưới sự quản lý của ngân hàng trung ương Trung Quốc. Bắc Kinh đã gây áp lực buộc Ant phải tiết lộ dữ liệu khách hàng cho chính quyền, một điểm mấu chốt khiến người đồng sáng lập của Alibaba, Jack Ma, biến mất trong ba tháng.
Dữ liệu có thể sẽ không chỉ được sử dụng để đánh giá điểm tín dụng tài chính tiêu chuẩn, điều mà ông Ma mong muốn, mà còn được dùng để phục vụ hệ thống chấm điểm tín nhiệm xã hội của Trung Quốc. Hệ thống này được đánh giá dựa trên dữ liệu mạng xã hội và các thước đo về lòng trung thành chính trị với chế độ. Những người có điểm tín nhiệm xã hội không tốt có thể sẽ bị mất quyền mua vé máy bay và vé tàu.
2C2P có phạm vi tiếp cận khách hàng rộng lớn, với trụ sở chính tại Singapore. Công ty này cũng hoạt động tại Thái Lan và Malaysia. Những thế mạnh này bổ sung cho mạng lưới Alipay của Ant Group trong khu vực. Ngoài thành trì chính ở Trung Quốc, Alipay còn hiện diện ở Malaysia, Hàn Quốc, Philippines và Hong Kong.
Theo trang web của công ty, 2C2P cũng đang mở rộng ra khắp châu Á, châu Âu và châu Mỹ, cùng với “các chương trình thẻ quốc tế và địa phương, ví kỹ thuật số và các nhà cung cấp thanh toán QR, hơn 400.000 điểm thanh toán thay thế (APM), bao gồm cửa hàng tiện lợi, ki-ốt, và máy ATM, hơn 45 loại tiền tệ trên toàn thế giới và hơn 30 thị trường với đối tác là tổ chức tài chính”.
Theo thông báo của Ant Group, “thông qua quan hệ đối tác chiến lược, một lượng lớn các thương hiệu toàn cầu và khu vực của 2C2P sẽ được kết nối với Alipay+, mở rộng 250 phương thức thanh toán hiện tại của Alipay+ bằng việc cung cấp thêm nhiều phương thức thanh toán địa phương và ví điện tử”.
Angel Zhao, người đứng đầu Nhóm Kinh doanh Quốc tế của Ant Group, cho biết trong thông báo: “Chúng tôi mong muốn cùng nhau hỗ trợ quá trình kỹ thuật số hóa của các doanh nghiệp và tạo ra một hệ sinh thái kỹ thuật số được kết nối giữa các thị trường trong khu vực”.
Thông báo chỉ ra rằng 2C2P hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, hàng không, dịch vụ tài chính, du lịch, bán lẻ. Vào tháng 8 và tháng 11, 2C2P đã công bố quan hệ đối tác với Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) và UnionPay International của Trung Quốc.
Alibaba mở rộng là một mối đe dọa đối với Mỹ và đồng minh
Alibaba dường như đang trở nên quá khổng lồ. Đây là một mối đe dọa khi tập đoàn này nằm trong tầm kiểm soát của một chế độ độc tài toàn trị.
Theo Reuters, các cơ quan quản lý Mỹ có thể sẽ yêu cầu Alibaba “thực hiện các biện pháp để giảm rủi ro từ hoạt động kinh doanh dịch vụ đám mây hoặc cấm hoàn toàn người Mỹ trong và ngoài nước sử dụng dịch vụ”.
Điều tương tự cũng nên được áp dụng cho hệ thống thanh toán quốc tế ngày càng mở rộng của Alibaba.
Các đồng minh của Mỹ ở Đông Nam Á và các khu vực khác cần xem xét việc cấm Alibaba tiếp cận lĩnh vực tài chính. Giờ đây, điều đó bao gồm việc cấm 2C2P và tất cả các công ty khác do Alibaba và các đơn vị của nó sở hữu đa số.
Mỹ và các đồng minh nên hiểu rõ rằng trục Bắc Kinh-Moscow có ý định thống trị thế giới thông qua các hành động bạo lực như cuộc xâm lược Ukraine và Đài Loan. Việc cho phép các chế độ độc tài này mở rộng quyền lực và đánh cắp thông tin bằng bất kỳ phương thức nào — bao gồm cả việc kiểm soát các mạng thanh toán tài chính và việc thu thập thông tin tài chính từ các mạng lưới này — cần bị cấm theo luật quốc tế và địa phương.
Về vấn đề các \”dịch vụ” điện toán đám mây của Alibaba, đây chính là câu trả lời cho việc làm cách nào các công ty của Trung Quốc có thể đánh cắp 600 tỷ USD tài sản trí tuệ của Mỹ hàng năm. Có lẽ chính phủ Mỹ đã thiếu đi sự kiểm soát trong trường hợp này. Các công ty Mỹ lớn nhất được cho phép tự động chuyển giao tài sản trí tuệ của họ một cách hết sức dễ dàng, đồng thời trả tiền để có đặc quyền làm như vậy.
Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.
Tác giả Anders Corr có bằng cử nhân / thạc sĩ Khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và bằng tiến sĩ Quản trị nhà nước tại Đại học Harvard (2008). Ông là chủ nhiệm của Corr Analytics – nhà xuất bản của The Journal of Political Risk (Tạp chí Rủi ro Chính trị). Ông Anders Corr đã thực hiện nhiều nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á; và là tác giả của cuốn sách The Concentration of Power: Institutionalization, Hierarchy, and Hegemony (Tập trung quyền lực: Thể chế hóa, Hệ thống cấp bậc, và Bá quyền) và cuốn sách Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea (Những quyền lực lớn, những chiến lược lớn: Trò chơi mới trên Biển Đông).
Bảo Nguyên
Theo The Epoch Times