22/04/2022
Hôm 22/4, ông John Kerry, Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về Biến đổi Khí hậu nói rằng người dân Mekong đang bị đe dọa vì tác động của khủng hoảng khí hậu và ông nêu cam kết của chính quyền Biden trong nỗ lực hợp tác để chống chịu và hỗ trợ thích ứng ở khu vực này.
Trong một video được Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đăng tải, ông John Kerry nói:
“Sức sống của sông Mekong không thể tách rời sự thịnh vượng và an ninh của các quốc gia trong khu vực Mekong. Trải qua nhiều thiên niên kỷ, dòng chảy tự nhiên của sông Mekong làm cơ sở cho an ninh lương thực và năng lượng khu vực, tăng trưởng kinh tế, đa dạng sinh học độc đáo, cũng như sức khỏe con người.
“Là một phần trong cam kết của chúng tôi đối với một khu vực Mekong an toàn, thông thoáng và thịnh vượng, Hoa Kỳ cùng với Campuchia, Myanmar, Lào, và Việt Nam đã khởi động Đối tác Mekong- Hoa Kỳ nhằm hỗ trợ quyền tự chủ, độc lập kinh tế, và tăng trưởng bền vững của các nước đối tác Mekong”.
Vào năm 2020, Hoa Kỳ khởi xướng thành lập Đối tác Mekong-Hoa Kỳ với mục tiêu hỗ trợ và hợp tác để thúc đẩy bảo vệ môi trường, bao gồm bảo tồn và quản lý nguồn nước và tài nguyên thiên nhiên bền vững.
“Người dân khu vực Mekong đang phải chứng kiến cuộc sống và sinh kế của họ bị đe dọa do tác động của khủng hoảng khí hậu,” ông Kerry nói.
“Chúng ta cần hợp tác khu vực, đưa ra những quyết định dựa trên cơ sở khoa học và lập kế hoạch phát triển mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan bị ảnh hưởng để xây dựng khả năng chống chịu với khí hậu và hỗ trợ thích ứng ở khu vực sông Mê Kông. Đó là những gì mà Quan hệ đối tác Mekong-Hoa Kỳ đang thực hiện”, đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói thêm.
Ông Kerry nói rằng tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo về khí hậu gần đây, Tổng thống Biden đã công bố một kế hoạch tài chính khí hậu quốc tế mới nhằm tăng gấp đôi cam kết chung của Hoa Kỳ về tài trợ khí hậu quốc tế và tăng gấp ba lần cam kết về thích ứng khí hậu.
“Tôi đặc biệt vui mừng khi thấy Thái Lan và Việt Nam tham gia hội nghị thượng đỉnh này và đưa ra tầm nhìn của họ về cách khu vực Mekong có thể thích ứng với các mối đe dọa của biến đổi khí hậu”, ông Kerry nói.
Vào tháng 2 năm nay, Đặc phái viên Kerry đến Việt Nam trong một chuyến đi mà Bộ Ngoại giao Mỹ nói là “nhằm xây dựng sự đồng thuận về các hoạt động chủ chốt để giải quyết khủng hoảng khí hậu và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế năng lượng sạch.”
Tại các cuộc tiếp xúc cả ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, ông Kerry thảo luận với các nhà lãnh đạo Việt Nam về tính cấp bách của việc thúc đẩy các nỗ lực quốc gia và toàn cầu nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C và tăng cường nỗ lực thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.
Phía Việt Nam “đánh giá cao vai trò đi đầu của Hoa Kỳ cũng như của cá nhân ông John Kerry trong thúc đẩy các nỗ lực chung toàn cầu nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu”.
Truyền thông Việt Nam dẫn lời Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khi tiếp ông Kerry: “Việt Nam coi vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu là lĩnh vực hợp tác mang tầm chiến lược giữa hai nước, là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và đề nghị Hoa Kỳ tăng cường hỗ trợ tài chính, kỹ thuật để giúp Việt Nam thực hiện cam kết tại COP 26, tiến tới thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với một số đối tác, trong đó có Hoa Kỳ”.