Nước Pháp sẽ chọn ai giữa một Macron cao ngạo và một Le Pen dân tộc chủ nghĩa ?

Đăng ngày: 22/04/2022

\"\"
\"\"
Tổng thống Pháp mãn nhiệm Emmanuel Macron đối đầu với ứng viên cực hữu Marine Le Pen trong vòng cuối cùng của cuộc bầu cử tổng thống ngày 24/4. © RFI Hausa

Chi Phương

Chủ Nhật ngày 24/04, người dân Pháp sẽ bầu ra người lãnh đạo trong 5 năm tới. Không khí bầu cử bao trùm khắp các mặt báo ra hôm nay. Bên cạnh đó, chiến tranh Ukraina vẫn được các báo quan tâm khi chiến sự tại miền Đông nước này vẫn nhiều căng thẳng. Tại châu Á, báo chí Pháp lo ngại về chiến lược Không Covid của Trung Quốc có thể tiếp tục tác động xấu đến kinh tế toàn cầu

Cuộc tranh luận giữa tổng thống mãn nhiệm Emmanuel Macron và Marine Le Pen, ứng viên đảng Tập Hợp Dân Tộc tối 20/4 vẫn là chủ đề được nhiều báo ra hôm nay chú ý. Le Monde tiếp tục mổ xẻ nội dung cuộc tranh luận kéo dài 3h và thế yếu của Le Pen với bài viết có tựa đề “Le Pen lỡ hẹn trước một Macron ra đòn tấn công”. Le Pen dường như đi vào ngõ cụt, lạc nhịp trong chinh các hồ sơ bà đề xuất : giảm thuế tăng lương cho lao động hay hồ sơ về năng lượng.  

Le Monde ví Macron siết chặt cổ đối thủ cho đến khi Le Pen ngạt thở, tố cáo lập trường ủng hộ Nga của bà từ nhiều năm qua, chỉ ra những điểm mâu thuẫn trong chương trình tranh cử. Ngay cả trong hồ sơ về hưu trí, tưởng chừng như là nơi mà Le Pen có thể ra đòn đánh trả khi bà đề xuất về hưu sớm hơn kế hoạch của Macron (65 tuổi) ở khoảng 60 đến 62 tuổi, thì lại bị tố cáo ngược có nguồn thuế “bí ẩn” hay vô tâm đối với những người lao động chân tay.  

Trong một bài đăng khác, Le Monde miêu tả ứng viên đảng cực hữu tự làm mờ nhạt mình trong cuộc tranh luận mà lẽ ra bà ở thế mạnh để chỉ trích kết quả nhiệm kỳ của tống thống mãn nhiệm. Thế nhưng bà lại quá rụt rè, mơ hồ trong lối diễn đạt và khó làm chao đảo đối thủ. Bà cũng bỏ lỡ cơ hội tấn công Macron liên quan đến cuộc điều tra về kinh phí khổng lồ mà chính phủ Macron chi trả cho cơ quan tư vấn Mckinsey. Le Pen bị rơi vào vòng xoáy “thành tích” từ những hành động của mình trong những năm qua như : bỏ phiếu phản đối viện trợ cho Ukraina tại Nghị Viện Châu Âu, chống lại luật về chủ nghĩa ly khai ở Quốc Hội Pháp, công nhập việc Nga sáp nhập Crimée.

Cao ngạo và tự tin

Đối với Macron, Le Monde cho rằng thay vì thận trọng, Macron lựa chọn thế tấn công ngay từ đầu cuộc tranh luận và có phần cao ngạo khi không thể che dấu những nụ cười chế giễu đối thủ, tự tin thái quá và liên tục ngắt lời đối thủ. Cuộc tranh luận này có nguy cơ làm lu mờ chiến lược tranh cử của Macron bao gồm việc tạo dựng hình ảnh khiêm tốn, gần gũi hơn với người dân Pháp.  

Cũng về chủ đề này, Les Echos chạy tựa lớn trang nhất “Ưu thế nghiêng về Macron”. Sau cuộc tranh luận chiếm thế thượng phong, khiến đối thủ Marine Le Pen liên tục quay về phòng ngự, các cuộc thăm dò cho thấy Emmanuel Macron có thể giành được 56 % phiếu bầu vào Chủ Nhật tới. Ngay ngày hôm sau, ông tiếp tục chiến dịch vận động tranh cử, tới Saint-Denis, ngoại ô Paris, nơi mà đa số đã bầu cho ứng viên cực tả Jean-Luc Melenchon ở vòng một. Les Echos cho rằng tổng thống mãn nhiệm muốn cho công chúng thấy hình ảnh mình gần gũi người dân, nhất là tại một trong những khu vực được xem là nghèo nhất và dân số trẻ nhất nước Pháp.

Macron muốn chiến thắng thì Le Pen cũng không chịu thua

Cả hai đều đang tham gia cuộc chiến hình ảnh trong những ngày cuối cùng. Marine Le Pen đến thăm các tài xế xe tải tại một trạm dừng nghỉ (relais routier) ở tỉnh Somme, một vùng mà bà giành được 42 % phiếu bầu trong vòng một. Ăn trưa cùng khoảng 30 tài xế xe tải, bà chỉ trích Macron cao ngạo, và Macron chỉ đặt ngang hàng với chính bản thân mình.

Libération trích dẫn nhận định của một tài xế có mặt tại buổi gặp, cho rằng “Marine Le Pen bảo đảm bảo vệ tầng lớp trung lưu. Macron thì đứng về phía người giàu còn bà ấy giúp đỡ người nghèo,…tổng thống mãn nhiệm không tôn trọng người dân”. Người tài xế này cho rằng nếu Le Pen thắng cử, lương của ông đang ở mức 1700 euro/tháng sẽ tăng thêm.Trang nhất báo Libération hôm nay đưa ra đánh giá của hai người đoạt giải Nobel kinh tế Jean Tirol và Esther Duflo về chương trình tranh cử của bà Le Pen và những tác động nếu ứng viên cực hữu thắng cử. Cả hai đồng thuận cho rằng, các chính sách bài ngoại và mâu thuẫn của Le Pen chỉ làm gia tăng bất bình đẳng.   

Giáo viên tại đaị học MIT ở Hoa Kỳ, bà Esther Duflo cảnh báo mối nguy hiểm về chính trị cũng như xã hội trong chương trình của bà Le Pen và không hề đứng về phía người lao động như bà hứa : “Marine Le Pen cố gắng thể hiện trong bài phát biểu của mình một loại liên kết giữa nguyện vọng phổ biến, những điều là chính đáng và khát vọng bản sắc nhưng thực chất lại không phải vậy. Đây không phải là chiến lược duy nhất ở trên thế giới, chúng ta có thể thấy điều tương tự ở Donald Trump tại Hoa Kỳ hay Viktor Orbán ở Hungary.” 

Đánh vào tâm lý sợ hãi cực hữu

Le Figaro thì lại cho rằng những người ủng hộ tổng thống mãn nhiệm Macron thích đánh vào tâm lý sợ hãi, tạo ra lo lắng trước kịch bản phe cực hữu thắng cử, ngay cả khi Macron không muốn dùng chiêu này trong cuộc tranh luận hôm thứ Tư. Tờ báo cánh hữu đặt ra câu hỏi liệu « tai nạn bầu cử » có lặp lại khi so sánh trường hợp của Le Pen với Brexit và chiến thắng của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo Le Figaro, hệ thống bầu cử của Pháp ít bất ổn hơn của Mỹ do theo hình thức phổ thông đầu phiếu. Kết quả các cuộc thăm dò thường sát với tỷ lệ bầu cử thực tế mà bà Le Pen nhận được, nên sẽ không có chuyện « che giấu » phiếu bầu như trường hợp của Trump.

Figaro nhận định rằng, xu hướng người dân bỏ phiếu trắng hoặc không đi bỏ phiếu chủ yếu ở cử tri cánh cực tả, thực ra lại có lợi cho Macron. Nếu như phiếu bầu cho Trump là phiếu bầu cộng đồng, thì lá phiếu cho Le Pen là lá phiếu của một tầng lớp nhất định. Le Pen có nguy cơ không nhận được ủng hộ từ các cử tri thuộc tầng lớp bình dân để có thể chiến thắng Macron.

Mục xã luận La Croix và Les Echos đều bày tỏ quan ngại về nguy cơ việc ứng cử viên cực hữu – chia sẻ tư tưởng dân tộc chủ nghĩa với Trump và thân Putin lên lãnh đạo, có thể dẫn đến những thiệt hại to lớn đối với cán cân quyền lực tự do tôn giáo và các nguyên tắc cơ bản trong tình đoàn kết với các nước nạn nhân của chiến tranh như Ukraina. Nước Pháp sẽ phải chứng kiến cảnh chia rẽ vào bạo lực hơn bao giờ hết. Les Echos nhấn mạnh đến việc phải đưa ra lựa chọn khó khăn giữa hai ứng viên và không phải vì một trong hai là cực hữu thì bên còn lại sẽ thắng mà phải đi bầu để tránh làm suy yếu tiếng nói của dân Pháp.

Quốc gia nào viện trợ nhiều nhất cho Ukraina ?

Gần 2 tháng từ khi Nga xâm lược Ukraina, cuộc chiến vẫn là chủ đề lớn trong mục quốc tế của nhiều báo Pháp. Tổng thống Nga Putin tuyên bố tự do cho Mariupol và hủy lệnh tấn công nhà máy luyện kim Avzostal mà thay vào đó vây hãm nơi được cho là có 2000 lính Ukraina đang ẩn náu. Le Figaro trích dẫn nhận định của cố vấn tổng Ukraina Oleksiy Arestovich, cho rằng quyết định ngừng tấn công là vì Nga đã phải chịu thương vong quá lớn. Cuộc chiến ở Mariupol có vẻ như đã đến hồi kết nhưng tại vùng Donbass, Nga tiếp tục tiến công, bắn đại pháo, tên lửa tại khắp các chiến tuyến.

Gần đây, Ukraina đã nhận được nhiều hỗ trợ vũ khí từ phương Tây. Les Echos cho biết Hoa Kỳ thông báo viện trợ thêm 800 triệu đô la cho Ukraina, bao gồm pháo hạng nặng, 72 súng cối và 120 drone Phoenix Ghost. Số vũ khí này sẽ được giao vào thứ Bảy 23/0Nhật báo kinh tế Pháp trích dẫn đánh giá của một cơ quan tư vấn ở Đức, so sánh viện trợ của các nước cho Ukraina. Mặc dù châu Âu có nhiều hành động trợ giúp Ukraina, nhưng Hoa Kỳ dẫn đầu trong việc hỗ trợ tài chính và viện trợ quân sự với khoản 7,6 tỷ euro, sau đó là Ba Lan, láng giềng của Ukraina và Anh.

Hai cường quốc của châu Âu là Pháp và Đức chủ yếu viện trợ nhân đạo và là hai nước duy nhất thuộc Liên Minh Bắc Đại Tây Dương không công bố viện trợ vũ khí hạng nặng cho Kiev. Lầu Năm Góc cho rằng, « dẫu sao thì số lượng xe tăng T72 mà các nước Đông Âu thuộc NATO viện trợ cho Ukraina nhiều hơn số xe tăng mà Nga có. »

Châu Âu không cấm vận dầu khí Nga

Theo Le Figaro, phương Tây đã đưa ra nhiều trừng phạt để làm tê liệt nền kinh tế của Nga, tuy nhiên, về phần châu Âu, khối này khó có thể đi đến đồng thuận về lệnh cấm vận dầu khí Nga, ngăn chặn khoản thu gần 300 triệu đô la chi trả hàng ngày cho Nga. Lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu Josep Borelle cho biết khối 27 nước không phải đỏ mặt vì vấn đề này vì quỹ liên chính phủ của khối đã chi 1, 5 tỷ euro viện trợ cho Ukraina và đây không phải là con số nhỏ.

Về phía Nga, để đáp trả hàng loạt hành động hỗ trợ của phương Tây, Les Echos cho biết, Matxcơva cho phóng thử tên lửa đạn đạo thế hệ mới Sarmat có tầm bắn lên đến 18 000 km và có thể mang 10 đầu đạn hạt nhân. Tổng thống Nga Putin cho rằng đây là loại vũ khí « bất khả chiến bại », ngăn chặn những kẻ muốn gây hấn với Nga.

Chiến tranh Ukraina cũng gây khó khăn cho Nga tham gia vào các diễn đàn kinh tế lớn như G7 và G20. Theo Le Monde, Hoa Kỳ có ý định tẩy chay Nga trong các cuộc họp đa phương trong khuôn khổ chương trình của nhóm G20. Tuy nhiên, không giống như G7, các thành viên của khối này chủ yếu đều có quan hệ gần gũi với Mỹ, nhóm G20 đa dạng và không có quan điểm chính trị đồng nhất. Vậy nên Mỹ khó có thể áp đặt quan điểm của mình đối với các nước thành viên của khối.

Người dân Trung Quốc bất bình vì phong tỏa

Về châu Á, nhật báo công giáo La Croix quan tâm đến chiến lược Không Covid ở Trung Quốc và cảnh ngục tù tại gia của 150 triệu người Trung Quốc, trong đó có 25 triệu cư dân Thượng Hải, phong tỏa ở nhà từ gần 1 tháng qua. La Croix thu thập lời chứng thể hiện sự tức giận, bất mãn của một bộ phận người dân Trung Quốc có nguy cơ lan rộng trên quy mô toàn quốc.Hơn nữa, người dân không có quyền phát ngôn, thông tin bị bưng bít.

Một cư dân Thượng Hải trả lời thông tín viên La Croix : « Mọi người đều nhận ra sự phi lý đến chết người của chiến lược này. Chính phủ đưa ra con số hàng trăm triệu ca nhiễm nhưng không ai biết tổng số người chết là bao nhiêu và con số này là bí mật quốc gia, giống như tất cả những gì cần phải che giấu để không làm hoen ố hình ảnh của lãnh đạo, ngay cả khi ông ta đã sai ».

Kinh tế tê liệt, chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn

Nhật báo thiên hữu Le Figaro cũng giành một hồ sơ lớn để nói về chủ đề này  « Nếu như trái đất vẫn quay và thế giới tiếp tục sống chung với virus », thì Trung Quốc lựa chọn duy trì chính sách Không Covid. 45 thành phố của quốc gia bị phong tỏa, tương đương với ¼ dân số của cả nước, làm chững lại thậm chí làm tê liệt các hoạt động kinh tế.

Tại thành phố cảng Thượng Hải, 500 tàu vẫn đang đợi ngoài khơi chờ cập bến do các quy định kiểm dịch nghiêm ngặt. Dù vẫn mở cửa nhưng cảng chỉ hoạt động 25% công suất, do rất ít xe container được phép vào cảng để chở hàng. Một số nhà vận chuyển phải gửi hàng đến sân bay lân cận như ở Ninh Ba, cách đó 200 km hay thậm chí là đến Trịnh Châu cách Thượng Hải 900 km. Nhiều nhà máy vẫn được phép hoạt động với điều kiện công nhan ăn ngủ tại chỗ.

Đối mặt với tình trạng này, tập đoàn Airbus, với ¼ số máy bay sản xuất ở Trung Quốc bày tỏ lo ngại. Những doanh nghiệp phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc là đáng lo nhất, dù cho họ đã cố gắng đa dạng nguồn cung từ hai năm qua, tuy nhiên « không dễ dàng gì để xây dựng chuỗi cung ứng mới. Xưởng may của thế giới cũng đứng ngồi không yên, vì không chắc liệu các sản phẩm thu đông 2022, dự kiến vận chuyển đến châu Âu vào tháng 5, có thể làm đúng thời hạn hay không.

Trung Quốc không còn là mảnh đất thu hút quốc tế

Trong hồ sơ này, Le Figaro cho biết Trung Quốc có thể sẽ khó khăn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài và trở thành một điểm đến « kém an toàn». Trung Quốc cũng khó lôi kéo được nhân lực nước ngoài, không chỉ vì các chính sách kiểm soát dịch nghiêm ngặt mà còn là vì nhiều bê bối liên quan đến vụ mất tích của nhà sáng lập tập đoàn Alibaba hay vận động viên Bành Súy.

Tại Hồng Kông, các phong trào dân chủ và các vấn đề nhân quyền khiến nhiền công ty đa quốc gia lo ngại, « đã xếp sẵn va li từ 3 năm nay ». Phòng thương mại châu Âu Eurocham tại Hồng Kông cho biết, một nửa doanh nghiệp thành viên đã tính đến việc chuyển một phần hoặc toàn bộ nhân lực khỏi Hồng Kông trong năm nay. Trường hợp tương tự cũng xảy ra tại các thành phố lớn như Thượng Hải, Quảng Châu, và Thâm Quyến.

Bài Liên Quan

Leave a Comment