- Nguyễn Sĩ Bình
- Gửi bài từ California, Hoa Kỳ
5 giờ trước
Ngày 30 tháng 4 năm 1975 là ngày mở ra bước ngoặt của lịch sử Việt Nam hiện đại. Có người gọi 30/4 là ngày giải phóng miền Nam, có người gọi đó là ngày thống nhất đất nước. Nhưng đến nay vẫn chưa có tên gọi nào để hầu hết người Việt gọi chung, hàn gắn chia cắt để cùng nhau đi tới.
Đất nước thống nhất, lòng người còn chia cắt
Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, Việt Nam đã thống nhất về mặt lãnh thổ, nhưng lòng người chưa thống nhất. Thống nhất đất nước là công lao của toàn dân, thống nhất lòng người cũng là công việc chung mà xã hội cần hướng tới.
Theo thời gian, diễn tiến xã hội cho thấy đây lại là ngày mở đầu của sự chia rẽ quốc gia một cách có hệ thống bằng quyền lực chính trị độc tôn. Độc tôn cơ chế quyền lực quốc gia chứng tỏ chế độ chính trị bất thường.
Giải phóng đã lâu mà Việt Nam vẫn không có giải pháp đoàn kết quốc gia, chưa khép lại quá khứ mà cứ tiếp tục đào sâu mâu thuẫn thì việc giải phóng đơn thuần chỉ để thâu tóm nhằm độc quyền chính trị.
Độc quyền chính trị là lạm dụng, lạm dụng nhà nước của dân. Cụ thể là lạm dụng tài sản quốc gia, lạm dụng giáo dục thao túng tư tưởng tuổi trẻ… gây chia rẽ, bất công xã hội nhất là bất công với các thế hệ trẻ. Lạm dụng kéo dài quá lâu đã nảy sinh nhiều mâu thuẫn to lớn dẫn tới bất đồng chính trị sâu sắc trong xã hội Việt Nam đến nay vẫn chưa thấy lối ra.
Không trách cứ lãnh đạo thiếu tư duy quốc gia nhưng đáng trách là \”chính đảng độc quyền\” áp đặt lên \”nhà nước của dân\”. Tình trạng lạm dụng quyền lực nhà nước cho quyền lợi phe nhóm – đưa tài sản đất đai của dân vào \”sở hữu toàn dân\” rồi quy hoạch hay trưng thu tùy tiện – là do chính trị lũng đoạn nhà nước và pháp luật quốc gia.
Cả lãnh đạo Việt Nam nay cũng đã nhìn nhận \”Tham nhũng về mặt chính trị, tư tưởng, lối sống là nguy hiểm vô cùng\” và hậu quả đã đẩy hiện tượng bất thường này đến mức độ quốc nạn. Lãnh đạo cần ưu tiên lấy lại niềm tin của nhân dân, không để lần lữa thêm nữa.
Sai lầm trong chính trị là lạm dụng nhà nước của dân, không hướng tới Đoàn kết quốc gia. Tệ hại hơn, lãnh đạo đất nước đã để tình trạng pháp luật tùy tiện trở thành thông lệ. Điều chỉnh vấn đề này cần xác định lại phạm vi quyền lực, là cơ hội để lãnh đạo chứng tỏ không phải vì TRUNG THÀNH với chủ nghĩa cộng sản mà không CHÂN THÀNH với nhân dân.
Việt Nam đã từng một thời \”đi đầu thời đại\”, là \”lương tri loài người\”, nay tuyên bố \”không chọn phe mà chọn lẽ phải\”. Những lá phiếu của Việt Nam mới đây tại Liên Hợp Quốc lại tỏ rõ quan điểm chọn phe. Nhìn lại hoạt động chính trị trong nước lâu nay cũng chỉ xoay quanh việc chọn phe chạy theo quyền lợi chứ không chọn lẽ phải, thay vì phát triển xã hội dân sự trách nhiệm công dân thì lại nghiêng về xã hội đảng vụ chỉ đạo và cho ý kiến, từ các lễ hội đến giỗ tổ vua Hùng đều một màu đỏ nhiệt huyết cách mạng Marx-Lenin.
Thời cuộc hôm nay là cơ hội lớn để một lần nữa người Việt chúng ta nhìn lại chính mình: Phải chăng giải pháp đoàn kết quốc gia với pháp luật chuẩn mực là Lẽ phải cần hướng tới?
Ủng hộ cho nước Việt đoàn kết và phát triển
Dù có bất đồng chính trị nhưng người Việt chúng ta không phải không có đồng thuận quốc gia, \”vì mục tiêu xã hội công bằng\” là điểm chung đồng thuận. Lối mòn suy nghĩ thiển cận như độc tôn và chống đối là rào cản đối với việc nhận thức và tiếp cận điểm chung đồng thuận quốc gia. Liệu chúng ta có chấp nhận điều chỉnh tư duy cho phù hợp với mục tiêu xã hội công bằng trong đời sống chính trị hay chưa?
Đoàn kết là chia sẻ, độc quyền gây chia rẽ. Suy nghĩ chống đối, hận thù không thể nói chuyện đoàn kết quốc gia. Suy nghĩ độc tôn quyền lực, chủ quan duy ý chí, bảo thủ phe nhóm, hơn thua cục bộ, phân biệt vùng miền gây chia rẽ, cản trở và ngăn chặn đoàn kết quốc gia. Chỉ đoàn kết quốc gia mới mở ra con đường chung cho mọi thế hệ đưa quốc gia đi tới mục tiêu xã hội công bằng.
Hậu quả trong xã hội quyền lực chính trị độc tôn là khủng hoảng niềm tin, xã hội bất ổn định, nhà nước mất uy tín, các thành phần chia rẽ. Cho nên đoàn kết quốc gia và xã hội công bằng không phải chỉ có hô hào mà cần được cụ thể qua luật hóa vào đời sống xã hội bằng pháp luật quốc gia, không phải nghị quyết của tổ chức nào.
Khi đã nhận thức người Việt là đồng bào, giữa người Việt không có thù địch thì ý thức đoàn kết là trách nhiệm lãnh đạo. Trên thực tế, ngày 30/4 đã phản ánh thất bại ý nghĩa đoàn kết hơn là ngày kỷ niệm chiến thắng.
Thống nhất đất nước nhưng chưa đoàn kết quốc gia, \”giải phóng miền Nam\” nhưng không đáp ứng hạnh phúc cho nhân dân. Lãnh đạo chấp nhận thực tế xã hội với tầm nhìn chính trị quốc gia thì sẽ không trì trệ đáp ứng nhu cầu quốc gia.
Đoàn kết quốc gia là nguyên tắc nhà nước của dân, là giải pháp quốc gia lâu dài, là điều kiện đáp ứng mục tiêu Xã hội Công bằng.
Đó còn là sự bằng lòng, cùng tồn tại chung sống hòa bình trong pháp luật chuẩn mực, tức luật pháp được mọi thành phần chấp nhận.
Hướng tới đoàn kết, dung hòa là cần thiết. Đoàn kết quốc gia là dung hòa, không phải lạm dụng. Dung hòa bằng pháp luật chuẩn mực, không phải lạm dụng qua pháp luật tùy tiện.
Dù có khoảng cách về tuổi tác, khác biệt về tư duy giữa thế hệ theo phe thời chiến và thế hệ lớn lên thời bình, nhưng về cơ bản chính trị – xem trọng quốc gia, thượng tôn pháp luật và tôn trọng sự thật – trải dài theo các thế hệ không khác. Xem trọng quốc gia là hướng tới ĐKQG, thượng tôn pháp luật để có Pháp luật chuẩn mực, tôn trọng sự thật mới chấm dứt độc quyền truyền thông.
Lãnh đạo là mở đường, không cản đường. Lãnh đạo tôn trọng lịch sử vẻ vang sẽ là niềm tự hào dân tộc, còn viết lại lịch sử một chiều chứng tỏ chính trị phe nhóm bất thường, thiếu trong sáng, sai tinh thần ái quốc. Nếu chỉ hô hào xã hội công bằng mà tập trung quyền lực cho một thành phần là đi ngược lại chính mục tiêu đó.
Việt Nam là thành viên của Liên Hợp Quốc, chính phủ luôn nhận thức tầm quan trọng dân quyền qua nhà nước pháp quyền trong việc hợp tác quốc tế, vì hòa bình và phát triển. Do xã hội chia rẽ và tình trạng quyền bính mà quá trình thực thi dân quyền giữa nhân dân và chính quyền chưa đầy đủ, thiếu nhất quán.
Tạo danh xưng mới cho ngày 30/04
Thực tế không khó thấy rằng đất nước hiện nay gần như vô chủ về tư tưởng, nhiều người có hành vi bất cần luật pháp và lương tri. Đã đến lúc người Việt chúng ta thể hiện sự đồng thuận quốc gia – không phải đấu tranh mà đoàn kết \”vì mục tiêu xã hội công bằng\”.
Cuộc chiến Ukraine tiếp diễn giữa những ngày tháng 4 khơi lại ký ức người Việt về thời bom đạn thế kỷ trước. Dù ở bên nào thì người dân đều gánh chịu thiệt hại, mất mát đau thương. Vì uy tín quốc gia, lãnh đạo của Việt Nam nên trung thực với mục tiêu xã hội công bằng thể hiện qua đoàn kết quốc gia.
Quốc gia cần giải pháp mới thay đổi hiện trạng bất công và tôi nhận thấy trước hết, người Việt phải điều chỉnh tư duy, có ý thức đồng thuận quốc gia trên các bất đồng chính trị mới cùng nhau mở khóa hóa giải vấn đề. Bao dung thì thông cảm, đồng cảm thì đoàn kết.
Bình thường hóa đời sống chính trị bằng thái độ chính trị dung hòa, tôn trọng sự thật và đoàn kết với lẽ phải thì mới tiến tới đoàn kết quốc gia Tổ quốc không còn là nơi chia phe xâu xé và phân biệt hạng dân theo lý lịch, chính kiến.
Giải pháp chính trị lâu dài không làm trì trệ quốc gia bằng ăn mừng lẫn phục thù. Bởi vậy, kỷ niệm thống nhất đất nước 30/4 năm nay, xin đề xuất cùng nhau mở ra Ngày Đoàn kết vì Quốc gia Việt Nam.
Bài thể hiện quan điểm riêng của ông Nguyễn Sĩ Bình từ California, Hoa Kỳ.