Đăng ngày: 26/04/2022
Bất chấp các khó khăn kinh tế do đại dịch Covid-19, chi phí quân sự toàn cầu tiếp tục tăng. Năm 2021 là năm tăng thứ 7 liên tiếp, với mức kỉ lục 2.100 tỉ đô la. Hãng tin AFP dẫn báo cáo của Viện Quốc tế Nghiên cứu về Hòa bình ở Stockholm (Sipri), Thụy Điển, hôm qua, 25/04/2022.
Báo cáo ghi nhận mức chi phí quân sự trên toàn cầu tăng 0,7%, nhưng khác biệt khá lớn giữa các quốc gia. Chi phí quân sự gia tăng đặc biệt tại châu Á và châu Âu.
Ngân sách quân sự của Trung Quốc – quốc gia chi nhiều thứ hai thế giới cho quân sự – tăng 4,7% trong năm qua, với tổng chi phí ước tính 293 tỉ đô la. Đây là năm thứ 27 liên tiếp, Bắc Kinh gia tăng chi phí quân sự. Theo báo cáo của Sipri, việc Bắc Kinh tăng chi quân sự buộc nhiều quốc gia châu Á cũng phải tăng chi quốc phòng. Nhật Bản tăng chi 7,3%, mức tăng cao nhất kể từ năm 1972.
Hoa Kỳ – quốc gia đứng đầu thế giới về chi phí quân sự – giảm chi 1,4% trong năm ngoái. Tổng chi phí quân sự của Mỹ hiện tại là 801 tỉ đô la.
Nga chi đến hơn 4% GDP cho quân sự
Nga tăng chi phí quân sự 2,9%, với tổng chi 65,9 ti đô la (đứng thứ năm thế giới, sau Anh và Ấn Độ). Tuy nhiên, theo Viện Quốc tế Nghiên cứu về Hòa bình ở Stockholm, mức chi quân sự 4,1% GDP của Nga là cao hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới. Việc Nga tăng mạnh chi cho quân sự diễn ra trước khi Matxcơva quyết định tấn công Ukraina.
Theo chuyên gia Diego Lopes da Silva, Viện Sipri, dầu và khí đốt xuất khẩu cho phép Nga bỏ ra những khoản chi tiêu quân sự khổng lồ. Tuy nhiên, theo chuyên gia Lopes da Silva, khó dự đoán Nga có thể duy trì mức chi tiêu nêu trên hay không do các trừng phạt của phương Tây nhằm đáp trả cuộc chiến xâm lược của Nga ở Ukraina.
Việc gia tăng căng thẳng về an ninh tại châu Âu cũng khiến các thành viên NATO châu Âu tăng chi cho quốc phòng. Hồi năm ngoái, 8 quốc gia thành viên NATO đạt mục tiêu dành 2% GDP cho ngân sách quân sự.
Báo cáo của Viện Quốc tế Nghiên cứu về Hòa bình ở Stockholm dự kiến chi phí quân sự toàn cầu sẽ tiếp tục gia tăng.