Khăng khăng giành \”chiến thắng\”, Putin \”dồn\” Ukraina hợp lực quân sự với phương Tây

Đăng ngày: 26/04/2022

\"\"
\"\"
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky (P) tiếp ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tại Kiev, Ukraina ngày 25/04/2022. AP

Thu Hằng

Mỹ và khoảng 40 nước đồng minh họp tại căn cứ Ramstein, Đức, để trang bị vũ khí cho Ukraina. Từ tấn công phủ đầu cảnh cáo Kiev xích lại gần với phương Tây, giờ đây chiến lược của tổng thống Vladimir Putin không mang lại những kết quả mong đợi, thậm chí nguyên thủ Nga đang trong tình cảnh « gậy ông đập lưng ông ».

Không những Kiev kiên cường chống lại xâm lược Nga mà còn « có thể giành chiến thắng » nếu « có vũ khí tốt và được hậu thuẫn tốt », theo nhận định của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 26/04/2022.

Theo ông Vincent Desportes, cựu giám đốc Trường Chiến tranh tại Paris, khi trả lời RFI ngày 25/04, « chúng ta vẫn biết rằng Mỹ chỉ cam kết khi có ít rủi ro, khi họ chắc chắn về hành động của mình ». Việc cả hai bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng Mỹ đến Kiev ngày 24/04, sau đó là họp tại Đức để bàn về việc cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraina ngày 26/04 là « dấu hiệu khởi đầu bước ngoặt trong cuộc chiến »

Giảm năng lực quân sự Nga 

Từ không tin vào khả năng phòng thủ của Ukraina trong những ngày đầu ông Putin đưa quân xâm lược, Washington và các đồng minh giờ muốn trang bị thêm vũ khí hạng nặng cho Kiev để không chỉ đẩy lùi quân Nga mà còn muốn « Nga suy yếu đến mức không thể tiến hành kiểu hành động như xâm lược Ukraina nữa ». Để đạt được mục tiêu này, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ cam kết cùng với các đồng minh « sẽ xúc tiến tối đa, nhanh nhất có thể, để Ukraina nhận được những gì họ cần ». Ukraina trở thành chiến trường « ủy nhiệm » giữa phương Tây và Nga. 

Mỹ là nước viện trợ quân sự lớn nhất cho Kiev, với tổng số tiền lên đến 3,2 tỉ đô la từ khi Nga tiến hành xâm lược Ukraina và sẵn sàng « cung cấp mọi vũ khí hiệu quả cho cuộc chiến của Ukraina vào thời điểm này », nhằm nói đến cuộc chiến ở vùng Donbass, nơi tổng thống Putin đang tìm cách giành được bất kỳ chiến thắng nào để ca ngợi « chiến dịch quân sự đặc biệt » với người dân Nga vào ngày Chiến thắng Phát xít 09/05. 

Nga đang kiểm soát phần lớn vùng đồng bằng rộng lớn ở miền đông và miền nam Ukraina. Chưa dừng ở đó, quân Nga muốn ngược lên miền trung, đẩy lùi các lực lượng Ukraina bằng các trận oanh kích từ xa, sau đó điều quân và xe tăng chiếm thực địa. Mỹ, Pháp, Canada, Cộng Hòa Séc, Ba Lan và gần đây nhất là Đức cùng với nhiều nước đồng minh cung cấp vũ khí hạng nặng, hiệu quả theo yêu cầu của chính quyền Kiev. Nhờ đó, theo ông Mike Jacobson, chuyên gia dân sự về pháo binh khi trả lời AFP, Ukraina có thể « giảm hỏa lực của Nga », cũng như « giảm khả năng của quân Nga theo đuổi cuộc đối đầu này »

Nói một cách khác, giáo sư nghiên cứu chiến lược Phillips O’Brien cho rằng năng lực quân sự của Ukraina không ngừng được cải tiến « dù ít hơn (về số lượng) nhưng đang được trang bị tốt hơn », trong khi « lực lượng Nga bị giảm đi đáng kể và chịu nhiều tổn thất về thiết bị »

Dù không ai dám khẳng định là liệu những các đợt giao vũ khí có thể giúp Ukraina đánh đuổi hoàn toàn quân Nga khỏi lãnh thổ hay không, nhưng theo chuyên gia Mike Jacobson nếu Kiev giành thắng lợi về pháo binh, « điều đó sẽ buộc Nga hoặc phải gia tăng xung đột, hoặc phải đàm phán một cách thực tế »

Phương Tây muốn Ukraina có quân đội hiệu quả trong tương lai 

Ngoài chủ đề cung cấp vũ khí cho Ukraina, cuộc họp ngày 26/04 ở căn cứ Ramstein do Mỹ chủ trì, còn bàn về việc bảo đảm an ninh cho Ukraina trong tương lai khi kết thúc chiến tranh. Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby, trong buổi họp báo ngày 24/04, đã không giấu mục tiêu là « hiện đại hóa và làm cách nào đó để quân đội Ukraina luôn vững mạnh và có khả năng hoạt động trong tương lai », với « lực lượng quân sự thực thụ »

Cuộc họp không diễn ra trong khuôn khổ của NATO, dù tổng thư ký Jens Stoltenberg cũng tham dự vì NATO, cũng như Mỹ, không muốn bị coi là bên tham chiến. Do đó, có thể thấy trong số 40 nước tham gia họp tại Đức, có Úc, Nhật Bản, hai quốc gia lo Trung Quốc có thể viện vào tiền lệ Nga để củng cố tham vọng bành trướng, cũng như hai nước trung lập Phần Lan và Thụy Điển. 

Khi phát động tấn công, tổng thống Nga viện cớ phi phát xít hóa và giải trừ vũ khí Ukraina, nhưng « ông Putin nhận lại chính xác những gì ông ấy không muốn ». Theo ông Philip Breedlove, một tướng Mỹ nghỉ hưu, từng điều hành NATO tại châu Âu từ 2013 đến 2016, được AP trích dẫn, tổng thống Putin « càng đẩy quân thì lại càng làm NATO tiến lên phía trước và khiến Mỹ tăng cường hiện diện ở châu Âu ». Ít có khả năng Ukraina gia nhập NATO nhưng cuộc chiến do Nga phát động lại khiến NATO và Kiev xích lại gần nhau.

Bài Liên Quan

Leave a Comment