RFA
2022.04.26
Thủ tướng Nhật Bản – Fumio Kishida tại một họp báo ở Tokyo, Nhật Bản hôm 8/4/2022 Reuters
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) kêu gọi người đứng đầu chính phủ Nhật Bản đưa vấn đề nhân quyền lên bàn nghị sự trong khi thực hiện chuyến công du tới ba nước khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam dự kiến vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5.
Hôm 26 tháng 4, văn phòng tổ chức Theo dõi Nhân quyền tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản ra thông cáo gửi đến Thủ tướng nước này là ông Fumio Kishida, kêu gọi ông gây sức ép lên các quốc gia này để cải thiện tình hình nhân quyền, với tư cách là một nhà đầu tư kinh tế và tài trợ lớn.
Đối với ở Việt Nam, tổ chức này kêu gọi Thủ tướng Nhật chú ý đến tình trạng gia tăng đàn áp nhắm vào những nhà hoạt động nhân quyền, và bloggers.
Theo tổ chức cổ vũ cho quyền con người khắp nơi trên thế giới, từ tháng 12 năm 2020 cho đến tháng 4 năm 2022, chính quyền Việt Nam đã bắt bớ, xét xử, và kết án tù đối với 51 người bao gồm những nhà hoạt động, nhà báo công dân, và nhà bất đồng chính kiến.
Tổ chức này nêu ra tên của 12 tù nhân chính trị mà họ cho rằng ông Kishida cần kêu gọi phóng thích ngay lập tức và vô điều kiện trong đó có blogger Nguyễn Tường Thụy của Đài Á Châu Tự Do.
Thông cáo báo chí có đoạn:
“Nhật Bản là nhà tài trợ song phương quan trọng nhất của Việt Nam. Ông Kishida cần công khai bày tỏ quan ngại về việc Đảng Cộng sản Việt Nam cấm bất kỳ tổ chức hoặc nhóm hội nào bị coi là mối đe dọa tới vị thế độc tôn quyền lực của mình được thành lập và hoạt động.
Ông cần gây sức ép để Việt Nam tôn trọng quyền tự do biểu đạt trên mạng và chấm dứt việc chặn đường truy cập tới một số trang mạng hay buộc các công ty truyền thông và mạng xã hội gỡ bỏ các nội dung bị coi là nhạy cảm về chính trị.”
Ngoài bỏ tù những người bất đồng chính kiến, tổ chức Theo dõi Nhân quyền cũng tố cáo chính quyền Việt Nam thực hiện hành vi đe doạ, sách nhiễu, giam lỏng, và thậm chí đánh đập những ai chỉ trích chế độ.
Nhật Bản vốn được biết là quốc gia có nhiều ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á, nhưng chủ yếu nằm ở khía cạnh kinh tế. Quốc gia này từ trước đến nay vẫn tránh đề cập đến các vấn đề chính trị nhạy cảm bao gồm nhân quyền.
Theo bà Kanae Doi, Giám đốc văn phòng Nhật Bản của tổ chức Theo dõi Nhân quyền, thì chuyến thăm này là dịp để Thủ tướng Kishida “phá vỡ tình trạng im lặng lâu dài của Tokyo” trước tình trạng vi phạm nhân quyền ở nước ngoài, và đưa Nhật Bản trở thành lãnh đạo toàn cầu trong lĩnh vực quyền con người.