Tội ác chiến tranh tại Ukraina: Tòa Hình sự Quốc tế hợp tác với nhóm điều tra châu Âu

Đăng ngày: 26/04/2022

\"\"
\"\"
Các nhà điều tra pháp y Pháp đứng cạnh một hố chôn tập thể ở thị trấn Bucha, Ukraina ngày 12/04/2022. AP – Wladyslaw Musiienko

Trọng Thành

Thêm một bước tiến mới trong tiến trình điều tra về hàng nghìn « tội ác chiến tranh » và « chống nhân loại » tại Ukraina, từ khi quân đội Nga tấn công Ukraina cách nay hơn 2 tháng. Hôm qua, 25/04/2022, Tòa Hình sự Quốc tế (CPI) cho biết chưởng lý CPI đã quyết định tham gia vào một nhóm điều tra của châu Âu.

Nhóm điều tra của châu Âu (JIT) về các tội ác chiến tranh tại Ukraina, với sự ủng hộ của Cơ quan Hợp tác tư pháp Liên Âu (Eurojust), được thành lập vào tháng 3/2022, ngay sau khi Nga tấn công Ukraina, theo sáng kiến của Litva, Ba Lan và Ukraina. AFP dẫn lời Cơ quan Hợp tác tư pháp Liên Âu Eurojust, theo đó phối hợp này cho phép « hợp tác nhanh chóng và kịp thời » giữa các quốc gia tham gia JIT với Tòa Hình sự Quốc tế, cho phép gửi đi một « thông điệp rõ ràng là mọi nỗ lực sẽ được tiến hành để tập hợp hiệu quả các bằng chứng về các tội ác chủ yếu phạm phải tại Ukraina, theo luật quốc tế, nhằm đưa các thủ phạm ra tòa ».  

Văn phòng chưởng lý của Tòa Hình sự Quốc tế cũng ra thông cáo khẳng định tình hình tại Ukraina « đòi hỏi một nỗ lực tập thể nhằm có được các bằng chứng thuyết phục, với mục tiêu cuối cùng là sử dụng hiệu quả các bằng chứng trong tiến trình tố tụng hình sự ». Chưởng lý CPI Karim Khan nhấn mạnh đây là « một bước tiến có ý nghĩa lịch sử ». 

Song song với cuộc điều tra của Nhóm điều tra châu Âu (JIT), ngày 03/03, tức một tuần sau khi Nga bắt đầu cuộc xâm lăng Ukraina, Tòa Hình sự Quốc tế đã mở điều tra riêng về tình hình tại Ukraina, sau khi được gần 40 quốc gia thành viên bật đèn xanh.  

Ủy Ban Châu Âu ước tính hiện đã có hơn 6.000 cáo buộc tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại được thống kê tại Ukraina, và nhiều thành viên châu Âu ngỏ ý định tham gia Nhóm điều tra JIT của châu Âu. 

Hôm 25/04, Ủy Ban Châu Âu cũng yêu cầu tăng cường thẩm quyền của Cơ quan Hợp tác tư pháp Liên Âu, nhằm cho phép cơ quan này bảo vệ được các bằng chứng về tội ác chiến tranh tại Ukraina và chia sẻ với CPI.  

Bài Liên Quan

Leave a Comment