27 tháng 4 2022
Tập đoàn dầu mỏ khổng lồ của Nga Gazprom đã thông báo với Ba Lan và Bulgaria rằng họ sẽ cắt nguồn cung cấp khí đốt đến hai nước này từ hôm nay 27/04.
Công ty khí đốt nhà nước PGNiG của Ba Lan cho biết họ đã được thông báo rằng tất cả hoạt động vận chuyển khí đốt sẽ bị tạm dừng bắt đầu từ 8:00 ngày 27/04 theo giờ Trung Âu (tức 13:00 cùng ngày theo giờ Việt Nam).
Bộ Năng lượng Bulgaria cũng cho biết họ đã được thông báo rằng việc giao khí đốt sẽ bị ngưng từ 27/04.
Việc này diễn ra sau khi Nga tuyên bố các nước các \”không thân thiện\” phải bắt đầu trả tiền mua khí đốt bằng đồng rouble nếu không sẽ cắt nguồn cung.
Cả hai quốc gia đã từ chối thanh toán theo cách này.
PGNiG phụ thuộc vào Gazprom đối với nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu, 53% lượng khí đốt nhập khẩu của họ là mua từ gã khổng lồ năng lượng này của Nga trong quý đầu tiên của năm nay.
PGNiG nói việc đình chỉ là vi phạm hợp đồng, đồng thời cho biết sẽ thực hiện các bước để khôi phục nguồn khí đốt.
Bulgaria phụ thuộc vào Gazprom với hơn 90% nguồn cung khí đốt trong nước được mua từ tập đoàn này. Quốc gia này cho biết họ đã tiến hành các bước để tìm nguồn cung thay thế nhưng hiện tại không yêu cầu phải có các hạn chế đối với vấn đề tiêu thụ.
Bộ Năng lượng Bulgaria cho biết họ đã hoàn thành các nghĩa vụ của mình trong hợp đồng hiện tại với Gazprom cũng như đã thực hiện tất cả các khoản thanh toán theo yêu cầu.
Họ nói rằng hệ thống thanh toán mới mà phía Nga đề xuất đã vi phạm hợp đồng hiện tại.
Bộ Khí hậu Ba Lan cho biết nguồn cung cấp năng lượng của nước này đã được đảm bảo.
Bộ trưởng Khí hậu và Môi trường Ba Lan Anna Moskwa tuyên bố không cần thiết phải lấy khí đốt từ kho dự trữ và nguồn khí đốt cho người tiêu dùng sẽ không bị cắt giảm.
Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Marcin Przydacz cho biết nước này đã chuẩn bị cho khả năng Nga hạn chế việc xuất khẩu khí đốt bằng cách đa dạng hóa nguồn cung.
\”Tôi khá chắc là chúng tôi sẽ giải quyết được tình hình này\”, ông nói với BBC.
Ông Przydacz nói thêm rằng việc cắt nguồn khí đốt chứng tỏ Moscow \”không phải là một đối tác đáng tin cậy trong bất kỳ hình thức kinh doanh nào\” và kêu gọi các quốc gia Châu Âu khác như Đức ủng hộ lệnh cấm nhập khẩu năng lượng của Nga.
Ba Lan đã có kế hoạch ngưng nhập khẩu khí đốt của Nga vào cuối năm nay, khi hợp đồng cung cấp dài hạn với Gazprom hết hiệu lực.
PGNiG cho biết kho khí đốt ngầm của họ đã đầy gần mức 80% và trong bối cảnh sắp đến mùa hè thì nhu cầu sử dụng khí đốt sẽ thấp hơn.
Ba Lan cũng có các nguồn cung cấp thay thế, trong đó bao gồm một trạm khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở Swinoujscie.
Ngày 01/05 tới, một đường ống khí đốt mới với Lithuania cũng sẽ được đưa vào hoạt động, giúp Ba Lan tiếp cận khí tự nhiên hóa lỏng của Lithuania.
Và một đường ống mới cung cấp khí đốt từ Na Uy, với tên gọi \”Đường ống Baltic\”, sẽ đi vào hoạt động vào tháng 10. Đường ống này sẽ đạt công suất tối đa vào cuối năm nay và có thể thay thế tất cả các nguồn cung của Nga.
Phân tích của Adam Easton, phóng viên BBC tại Warsaw, Ba Lan
Việc cắt nguồn cung cấp khí đốt không có nghĩa là Ba Lan ngay lập tức sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.
Trong những năm gần đây, Ba Lan đã giảm bớt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga, hiện nước này mua khí tự nhiên hóa lỏng từ Qatar, và các đường ống khí đốt kết nối quốc gia này với thị trường Châu Âu. Thêm vào đó, mùa đông, thời gian cần dùng khí đốt để sưởi ấm đã qua nên nhu cầu tiêu thụ thấp hơn.
Nhưng Gazprom là nhà cung cấp hơn một nửa lượng khí đốt nhập khẩu của Ba Lan. Đây là một lỗ hổng lớn cần được lấp đầy.
Và Ba Lan không phải là quốc gia duy nhất trong EU hiện đang tìm cách ngừng mua năng lượng từ Nga.
Có rất nhiều sự cạnh tranh trên thị trường cung cấp khí đốt vốn chặt chẽ. Khi nhu cầu sưởi ấm bắt đầu trở lại vào mùa thu và nhu cầu tiêu thụ tăng lên, Ba Lan có thể phải đối mặt với vài tháng khó khăn để đảm bảo đủ nguồn cung.
Và nếu như vậy, họ có thể phải hạn chế cung cấp cho những khu công nghiệp lớn.
Nga cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của EU.
Tuy nhiên, nhiều quốc gia đã cam kết không sử dụng năng lượng của Nga để đáp trả cuộc xâm lược của nước này nhằm vào Ukraine.
Mỹ đã tuyên bố cấm hoàn toàn việc nhập khẩu dầu, khí đốt và than đá của Nga.
Trong khi đó, Anh sẽ bỏ việc tiêu thụ dầu của Nga theo từng giai đoạn trước thời điểm cuối năm nay, sau đó là khí đốt sớm nhất có thể, và EU sẽ giảm 2/3 lượng nhập khẩu khí đốt.