Cắt nguồn cung dầu từ Nga liệu có khả thi cho EU?

28/04/2022


\"Một
Một cơ sở lọc dầu ở Đức. Đức là khách hàng mua dầu mỏ Nga lớn nhất ở châu Âu

Liên minh châu Âu đang xem xét các lựa chọn nhằm cắt giảm nhập khẩu dầu của Nga nằm trong gói trừng phạt kế tiếp mà EU có thể sắp áp đặt lên Moscow do hành động xâm lược Ukraine, nhưng chưa có biện pháp nào chính thức được đề xuất khi chính phủ các nước đang đánh giá tác động.

Khoảng một nửa trong số 4,7 triệu thùng dầu thô xuất khẩu mỗi ngày của Nga là đến EU. Nếu EU cắt giảm thì Moscow sẽ bị mất đi nguồn thu lớn.

Châu Âu đã trả cho Nga 14 tỷ euro (14,94 tỷ đô la) để mua dầu Nga kể từ khi bắt đầu cái mà họ gọi là ‘chiến dịch quân sự đặc biệt’ ở Ukraine hai tháng trước, theo Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch.

Các biện pháp cấm vận này cũng tác động đến EU, vì Nga là nhà cung cấp dầu lớn nhất cho châu Âu, chiếm 26% lượng dầu nhập khẩu của khối vào năm 2020. Đức, Ba Lan và Hà Lan là những khách hàng mua dầu lớn nhất của Nga ở châu Âu.

Biện pháp rõ ràng nhất để trừng phạt Moscow là cấm nhập dầu, đi theo kiểu lệnh cấm hồi tháng trước do EU áp đặt đối với than của Nga.

Nhưng các chính phủ EU vẫn chưa đồng ý về các khía cạnh quan trọng của động thái như vậy, bao gồm khi nào nó có hiệu lực, thời gian chuyển đổi sẽ kéo dài bao lâu đối với các hợp đồng hiện tại và liệu nó có gồm tất cả các loại dầu của Nga hay không.

Đức, nền kinh tế lớn nhất EU, cho biết họ phấn đấu ngưng nhập dầu của Nga cho đến cuối năm nay. Do đó, nếu lệnh cấm này có thể có tác động gây ngưng trệ cho chiến dịch quân sự đang diễn ra của Nga thì tác động này sẽ không xảy ra ngay.

Ngược lại, việc áp đặt một biện pháp trừng phạt như vậy quá nhanh có thể giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế châu Âu và có thể giúp Nga tăng tổng doanh thu do giá dầu toàn cầu tăng.

Để hạn chế tác động tiêu cực đối với EU, khối này đang chạy đua tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế với mức giá vừa phải.

Họ cũng có thể lựa chọn giảm dần dần khối lượng dầu nhập khẩu từ Nga mà không cần phải cấm hẳn.

Khoảng 60% lượng dầu thô xuất khẩu của Nga sang châu Âu hồi năm ngoái được ký theo các hợp đồng cam kết dài hạn, khác với dầu mua trên thị trường giao ngay, vốn dễ bị cắt giảm hơn, theo JPMorgan.

Các biện pháp trừng phạt cũng có thể được áp dụng khác nhau tùy thuộc vào cách giao hàng, một nguồn tin của EU nói với Reuters, và ông tách bạch giữa dầu nhập khẩu thông qua đường ống và dầu được chở đến bằng tàu.

Cao ủy thương mại EU Valdis Dombrovskis cho biết một cách để cắt giảm nhập khẩu của EU sẽ là áp thuế đối với dầu của Nga.

Điều đó sẽ buộc Nga phải giảm giá xuất khẩu trước thuế quan để giữ mức giá cạnh tranh, khiến cho doanh thu của họ trên thực tế giảm đi, ông Simone Tagliapietra, nghiên cứu viên cao cấp tại cơ quan nghiên cứu Bruegel tại Brussels, nói với Reuters.

Tuy nhiên, biện pháp này cũng có thể góp phần làm giá xăng dầu tăng thêm ở EU vốn đã phải gánh chịu lạm phát ở mức kỷ lục do giá năng lượng tăng cao.

Viêc các chính phủ châu Âu đánh thuế tiêu thụ lên dầu Nga sẽ có tác động tích cực và tiêu cực tương tự, mặc dù người dân EU chứ không phải Moscow sẽ phải trả thuế.

Tất cả các biện pháp khác để giảm nhập dầu của Nga đều có thể gây lạm phát, nhưng thuế quan và thuế tiêu thụ hết sức gây chia rẽ vì EU có thể bị đổ lỗi trực tiếp nếu việc này khiến giá cả trong khối tăng.

Nga cũng có thể phản ứng bằng cách áp đặt các biện pháp trả đũa tiếp theo đối với EU, điều này có thể dẫn đến giá dầu thậm chí còn cao hơn.

Các nước EU cũng có thể lựa chọn cách hạn chế mức giá mà họ sẵn sàng trả cho Moscow để mua dầu.

Điều đó sẽ không vi phạm các hợp đồng dầu mỏ hiện có nếu các nước EU chỉ là ngừng mua dầu của Nga một khi đạt đến ngưỡng mà họ áp đặt cho mình.

Tuy nhiên, nếu thiếu các lựa chọn thay thế đầy đủ và có giá phải chăng, EU sẽ phải đối mặt với hóa đơn năng lượng tăng vọt hoặc các hoạt động kinh tế bị chậm lại.

Điều này có thể bị các đảng hoài nghi châu Âu khai thác, một rủi ro chính trị ở Pháp khi nước này sắp diễn ra cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 6.

Thủ tướng Estonia Kaja Kallas đã kêu gọi thiết lập một tài khoản ký quỹ để đưa vào các khoản tiền mà EU thanh toán dầu mỏ cho Nga và số tiền này tạm thời được giữ ở đó.

Nga chỉ có thể tiếp cận số tiền đó sau này hoặc chỉ được giải ngân cho các chi tiêu cố định, chẳng hạn như mua thiết bị y tế hay thậm chí chi trả tiền tái thiết các thành phố bị tàn phá ở Ukraine.

Điều này sẽ làm giảm các khoản thanh toán của EU cho Nga mà không nhất thiết phải giảm nhập khẩu dầu của Nga vào EU.

Tuy nhiên, nó có thể vi phạm các hợp đồng. Điều đó sẽ đặt EU vào tình thế khó xử về mặt pháp lý và có thể dẫn đến quyết định của Moscow đơn phương ngừng hoặc giảm xuất khẩu năng lượng sang EU.

Bài Liên Quan

Leave a Comment