28 tháng 4 2022
Liên minh Châu Âu (EU) đã gọi việc Gazprom cắt nguồn cung cấp khí đốt đến Ba Lan và Bulgaria từ ngày 27/04 là một hình thức \”tống tiền\” của Nga.
Ủy ban Châu Âu (EC) đã cáo buộc Nga \”tống tiền\” sau khi Moscow cắt xuất khẩu khí đốt sang Ba Lan và Bulgaria.
Tập đoàn dầu mỏ khổng lồ của Nga Gazprom cung cấp đến gần 50% trong tổng số nhu cầu khí đốt hằng năm của Ba Lan. Thủ tướng Ba Lan nói ngày 27/04 rằng hy vọng sẽ không phải dùng đến các biện pháp dự phòng, có thể ảnh hưởng đến các hộ gia đình.
Ba Lan đang xây dựng một đường ống dẫn dầu mới nối với khu vực khai thác khí đốt tự nhiên của Na Uy, dự kiến hoàn thành vào tháng 10 năm nay, và đang đẩy nhanh tốc độ cung cấp từ quốc gia láng giềng Lithuania.
Thứ trưởng Ba Lan nói với BBC rằng có \”những lựa chọn về khí đốt từ các đối tác khác\”, bao gồm Mỹ và những quốc gia Vùng Vịnh.
Bulgaria phụ thuộc vào Gazprom đối với hơn 90% lượng cung cấp khí đốt, và cho biết đang tìm các nguồn thay thế nhưng không hạn chế việc tiêu dùng khí đốt đối với người dân.
Bulgaria nói đang tìm cách tăng lượng khí đốt từ Azerbaijan cũng như ký kết các thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp.
Châu Âu có thể chuyển sang các nhà xuất khẩu khí đốt khác như Qatar, Algeria hoặc Nigeria, thế nhưng cũng có những rào cản thực tế trong việc nhanh chóng mở rộng sản xuất.
Nhà phân tích Ben McWilliams nói rằng: \”Việc thay thế khí đốt dần trở nên khó khăn hơn bởi vì đã có những đường ống dẫn khí đốt lớn từ Nga đến Châu Âu.\”
Mỹ cũng đã đồng ý chuyển 15 tỷ mét khối khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đến Châu Âu trước thời điểm cuối năm nay.
Mục tiêu là cung cấp thêm 50 tỷ mét khối lượng khí đốt mỗi năm cho đến ít nhất năm 2030.
Châu Âu cũng tăng tốc sử dụng các nguồn năng lượng khác, nhưng làm điều này sẽ không dễ dàng và nhanh chóng.
Nhà phân tích Ben McWilliams nói rằng việc tìm nguồn cung cấp thay thế cho dầu mỏ thì dễ dàng hơn là khí đốt, bởi vì chỉ có một ít là đến từ Nga, \”trong khi nhiều nguồn cung cấp đến từ nơi khác\”.
Phân tích của Faisal Islam, Biên tập viên Kinh tế – BBC News
Cả Ba Lan và Bulgaria đều đã có kế hoạch ký tiếp hợp đồng với Gazprom, vốn sẽ hết hạn vào cuối năm nay. Về phía Ba Lan, thì quốc gia này đã trữ khí đốt trước, và điều này đã tạo một vùng đệm, đặc biệt khi mùa hè đang đến gần khi nhu cầu sử dụng khí đốt không cao.
Nếu các động thái ngày hôm nay là những cuộc chạm trán đầu tiên trong một cuộc khủng hoảng năng lượng Châu Âu leo thang theo đó Đức có thể cắt nguồn khí đốt của Nga trong vài tháng tới. Điều này sẽ khiến giá cả tăng chóng mặt tại Châu Âu và dẫn đến một cuộc khủng hoảng nguồn cung.
Cũng có sự tối nghĩa hữu ích nào đó trong điều gọi là \”bắt buộc khách hàng phải trả tiền mua khí đốt của Nga bằng đồng rouble\”.
\”Các chính phủ và công ty khác nhau nói \’chúng tôi sẽ không trả bằng đồng rouble\’ không đưa ra bất kỳ sự rõ ràng nào về việc liệu họ sẽ sử dụng một quy trình thanh toán mới hay không, và điều này đồng nghĩa có sự mơ hồ trong nguồn cung sắp đến các thị trường khác lớn hơn,\” Tom Marzec-Manser, người đứng đầu cơ quan phân tích thông tin thị trường ICIS nói.
Các công ty Đức đang trả bằng euro sau đó chuyển sang đồng rouble ở một ngân hàng Nga cụ thể. Sự sắp xếp này cho phép tất cả tiếp tục phụ thuộc vào nền thương mại khí đốt lẫn nhau nhưng đây là sự cân bằng nguy hiểm.
Các bộ trưởng Đức nói rằng họ không sợ phải chi trả một cái giá kinh tế cho việc loại bỏ \”sai lầm chiến lược\” trong sự phụ thuộc năng lượng vào Kremlin, nhưng họ chỉ không thể làm điều này ngay lúc này.
Vì thế các hành động của Kremlin thông qua Gazprom cần được đặt trong mối tương quan so sánh.
Gazprom đã cắt nguồn cung cấp khí đốt vì việc từ chối chuyển hình thức thanh toán, nhưng đáng chú ý là động thái này lại nhằm vào 2 quốc gia đã tuyên bố rằng hợp đồng của họ với Gazprom sẽ hết hạn vào cuối năm nay.
Khi cuộc xung đột vẫn tiếp diễn, thì Đức tiếp tục tăng nguồn viện trợ vũ khí đến Ukraine, câu hỏi được thật sự đặt ra hiện nay là về dòng khí đốt từ Nga đến Đức vốn đã không bị cắt đứt trong suốt thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh.
Động thái này được xem là cách đáp trả của Kremlin nhằm vào một loạt các nền kinh tế lớn nhất Châu Âu.
Đức đã tuyên bố sẵn sàng cắt giảm nhập khẩu than đá từ Nga theo từng giai đoạn vào mùa hè, và gợi ý rằng có thể tiếp tục thực hiện kế hoạch như vậy đối với việc nhập khẩu dầu từ Moscow trong năm sau.
Thế nhưng khí đốt lại là câu chuyện khác.
Hồi tuần rồi, Bộ trưởng Tài chính Đức nói với tôi rằng sẽ không thể ngay lập tức giảm 45% sự phụ thuộc khí đốt của Đức đối với Nga.
Phản ứng trước tuyên bố của Gazprom, công ty khí đốt nhà nước PGNiG của Ba Lan xác nhận rằng nguồn cung khí đốt đã bị ngắt đứt và cảnh báo \”có quyền đòi bồi thường\”.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda nói sẽ thực thi \”các bước đi pháp lý thích hợp\” nhằm vào Gazprom, Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan, Marcin Przydacz thì nói với BBC rằng Nga đang tìm cách \”tạo nên sự chia rẽ\” giữa các đồng minh Phương Tây.
Thủ tướng Bulgaria Kiril Petkov thì nói quốc gia này đang xem xét lại tất cả các hợp đồng với Gazprom, bao gồm việc chuyển tiếp khí đốt của Nga đến Serbia và Hungary, nhất mạnh rằng \”việc tống tiền từ một phía là không thể chấp nhận được.\”
Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) nói rằng hành động của Gazprom là \”phi lý và không thể chấp nhận được\”, nhưng nhấn mạnh EU \”đã chuẩn bị cho kịch bản này\”.
Bà cho biết thêm EU cùng các đối tác quốc tế sẽ có sự đáp trả \”ngay lập tức, đoàn kết và phối hợp\”.
Trước thông tin từ Bloomberg cho biết đã có 10 công ty năng lượng ở Châu Âu chuẩn bị thanh toán cho Gazprom bằng đồng rouble, và 4 công ty đã làm như vậy, lãnh đạo EU nói đây là những hành động \”mang rủi ro cao\” khi \”vi phạm các lệnh trừng phạt của chúng tôi\”.
\”Hướng dẫn từ chúng tôi là rất rõ ràng\”, bà Ursula von der Leyen nói.