Đăng ngày: 29/04/2022
Các báo Pháp ra hôm nay tập trung nhiều cho các chủ đề hậu bầu cử tổng thống Pháp với tâm điểm là cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 6 tới và sự chờ đợi tổng thống vừa tái đắc cử Emmanuel Macron thành lập chính phủ mới. Bên cạnh đó cuộc chiến tranh Ukraina vẫn được các báo chú ý theo dõi sát.
Trang nhất Le Monde chạy tựa « Thủ tướng, phương trình chính trị của Macron ». Tờ báo dành nhiều trang bài đề cập đến việc tổng thống vừa tái đắc cử Emmanuel Mcron đang suy nghĩ tìm kiếm để tuần tới sẽ chỉ định một thủ tướng mới thay thế ông Jean Castex hiện nay. Đây là việc làm đầu tiên trong nhiệm kỳ mới của tổng thống. Thủ tướng mới sẽ phải là người có khả năng giải quyết trước tiên các vấn đề xã hội, môi trường và vấn đề sức sản xuất của Pháp.
Mặt khác chính phủ mới sẽ còn có nhiệm vụ chuẩn bị tốt cho chiến dịch vận động bầu cử Quốc hội sắp tới sao cho đảng cầm quyền phải chiếm đa số ở Quốc Hội để có thể dễ dàng thực thi các quyết sách, cải cách của tổng thống. Việc làm này trở nên quan trọng hơn bao giờ hết khi ông Macron tái đắc cử trong bối cảnh không phải đa số cử tri tâm phục khẩu phục chương trình tranh cử một phần không ít số phiếu bầu cho ông là vì muốn loại ứng cử viên cực hữu. Trong bối cảnh xã hội Pháp đang bị chia rẽ sâu sắc trong kỳ bầu cử tổng thống vừa qua, chính phủ Macron đang bị đe dọa sẽ phải chia sẻ quyền lực với các đảng phái khác nếu đảng của tổng thống không có được đa số hay liên minh đa số ở Quốc Hội sau kỳ bầu cử vào tháng 6 tới đây.
Trong khi đó nhật báo Le Figaro chạy tựa chính : « Bầu cử lập pháp, cải tổ chính phủ : Macron vẫn không rõ ràng ». le Figaro cho thấy, nhiệm kỳ tổng thống cũ đến ngày 14/05 mới chính thức kết thúc, nhưng ông Macron có vẻ không vội vàng vẫn đang tính toán cho thành phần chính phủ mới, cân nhắc cho người đi, người ở lại. Ông phải cân nhắc vì thành phần chính phủ mới không chỉ thể hiện những ưu tiên chính sách sắp tới trong nhệm kỳ mới mà đó còn là những thành phần chuẩn bị để ra tranh cử dân biểu và nhất là đó phải làn những thành phần trung thành với tổng thống.
Nhật báo thiên tả Libération thì tập trung vào kỳ bầu cử lập pháp sắp với lo lắng cho các đảng cánh tả. Tờ báo đặt câu hỏi lớn trên trang bìa « Cánh tả liệu có hòa hợp lại ? ». Tờ báo ghi nhận sau thất bại tan tác ở kỳ bầu cử tổng thống vùa qua, các đảng cánh tả, Xã Hội, Đảng Xanh, Cộng Sản đang đôn đáo tìm cách tập hợp nhau lại xung quanh đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất – La France Insoumise, đảng đã thu hút được hơn 20% cử tri ở kỳ bầu cử tổng thống với hy vọng tạo được một liên minh đa số ở Quốc Hội mới. Liên minh, liên kết nhau lại bây giờ là vấn đề trọng tâm của cánh tả, tuy nhiên trong hậu trường các cuộc mặc cả, thỏa thuận đang diễn ra hối hả và căng thẳng. Libération nhận thấy « cuối cùng đoàn kết cũng là ưu tiên của cánh tả ».
Phương Tây huy động nguồn lực cho Ukraina
Chuyển qua trang quốc tế với chủ đề chính cuộc chiến tranh Ukraina. Các báo tập trung nhiều vào việc các đồng minh phương Tây, đi đầu là Mỹ đang đẩy mạnh hỗ trợ vũ khí tiền bạc cho Ukraina chống lại cuộc xâm lược của Nga.
Nhật báo Libération có bài phân tích mang tựa đề : « Để hỗ trợ Ukraina và làm suy yếu Putin, Biden đổ tiền tỷ », nhân sự kiện ngày 28/04, tổng thống Mỹ, trong diễn văn về tình hình Ukraina, đã đề nghị Quốc Hội thông qua 33 tỷ đô la viện trợ cho Ukraina. Khoản tiền khổng lồ này cho thấy rõ cách thức Washington đối phó với cuộc xâm lăng của Nga ngày càng chủ động và mạnh mẽ hơn.
Đầu tháng Ba, Mỹ đã thông qua ngân khoản 13,6 tỷ đô la viện trợ cho Ukraina. Hai tuần sau, tổng thống Mỹ tiếp tục kêu gọi Quốc Hội thông qua gói viện trợ mới 33 tỷ, trong đó 2/3 dành riêng cho quân sự. Tổng thống Mỹ khẳng định : « Vũ khí, đạn dược và hỗ trợ kinh tế là cần thiết để lòng dũng cảm và sự hy sinh của người Ukraina có ý nghĩa và để họ có thể tiếp tục cuộc chiến đấu này ». Ông Biden còn khẳng định chừng nào các cuộc tấn công của Nga và các hành động tàn bạo vẫn tiếp tục, Mỹ sẽ còn trợ giúp quân sự cho Ukraina.
Theo Libération, ai cũng đều nhận thấy từ nhiều ngày qua, cách tiếp cận cuộc xung đột Ukraina của chính quyền Washington đã mang tính chất tấn công rõ ràng. Không chỉ là hậu thuẫn cho Ukraina mà còn để làm « suy yếu nước Nga ». Theo phát ngôn của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin hôm 26/04 vừa rồi là « phá hủy khả năng kinh tế và quân sự (của Kremlin) để không còn có thể đe dọa và tấn công các nước láng giềng ».
Thông báo mới của tổng thống Mỹ cũng cho thấy quan hệ Mỹ-Ukraina đã có nhiều biến chuyển. Lúc đầu còn dè dặt vì e ngại Ukraina không thể trụ nổi vài ngày trước cuộc tấn công của Nga, thế nhưng sau đó sự hỗ trợ của Mỹ cứ tăng dần lên theo cùng với sức kháng cự của Ukraina. Chỉ trong 2 tháng Mỹ đã đổ rót cho Ukraina hơn 3 tỷ đô la viện trợ quân sự. Nhưng có điều một số nhà quan sát nhận thấy nếu cứ cái đà này thì không biết Washington sẽ còn phải vung ra bao nhiêu tiền nữa mới đáp ứng nhu cầu cho Volodymyr Zelensky tiến hành cuộc chiến đấu chống Nga xâm lược.
Vũ khí từ phòng thủ sang tấn công
Cùng trong chủ đề hỗ trợ Ukraina, báo Le Monde ghi nhận « bước ngoặt trong việc giao vũ khí hạng nặng cho Kiev », theo đó ban đầu giới hạn cung cấp cho Ukraina các loại vũ khí hạng nhẹ, mang tính phòng thủ, giờ đây phương Tây đã chuyển qua các loại vũ khí tấn công, hạng nặng.
Le Monde cho hay, từ vài ngày gần đây, có thêm nhiều nước đồng minh phương Tây quyết định cung cấp các loại vũ khí tấn công hạng nặng cho Ukraina. Đây là một bước ngoặt mới trong cuộc xung đột khởi phát từ hôm 24/02. Ở giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh, trợ giúp của các nước Châu Âu và Mỹ cho Ukraina vẫn giới hạn ở việc cung cấp nhiên liệu, trang thiết bị bảo vệ, đạn dược và các loại vũ khí chống tăng hay phòng không hạng nhẹ vì tất cả đều tránh không muốn trở thành các bên tham chiến sẽ dẫn đến đối đầu trực diện với Nga. Thế nhưng vài ngày qua đã có sự thay đổi căn bản trong cách hành động. Các nước phương Tây đã mạnh dạn cung cấp cho Ukraina các loại vũ khí tấn công như sung cối, đại bác, xe tăng, xe bọc thép hay cả trực thăng chiến đấu…
Những viện trợ quân sự của phương Tây cho Ukraina ở giai đoạn 2 này có 2 mục đích, the Le Monde, đó là : Một mặt khôi phục khả năng của quân đội Ukraina đã bị tổn thất không nhỏ trong giai đoạn 1 của cuộc chiến, mặt khác là để cung cấp cho quân đội của Kiev khả năng đẩy lùi được các cuộc tấn công của Nga trong vùng Donbass. Mục tiêu này đã được khẳng định trong cuộc họp các lãnh đạo Quốc Phòng phương Tây tại căn cứ Ramstein, Đức hôm 26/04 vừa rồi.
Rất nhiều vũ khí hạng nặng đã và sẽ được chuyển đến Ukraina trong những ngày tới. Trong số vũ khí được chuyển cho Kiev, có nhiều thiết bị từ thời Liên Xô cũ, quân đội Ukraina có thể dễ dàng sử dụng. Nhưng với các loại vũ khí mới hiện đại của phương Tây, cần phải có đào tạo, huấn luyện sử dụng. Vì thế mà Hoa Kỳ, Anh và mới đây là Pháp đã thông báo đã tổ chức huấn luyện cho người Ukraina sử dụng vũ khí của phương Tây. Một thách thức khác là cất giữ và bảo dưỡng các vũ khí viện trợ. Hôm 27/04, Nga đã thông báo dùng tên lửa có độ chính xác cao phá hủy một kho vũ khí của phương Tây ở thành phố Zaporijia.
Một vấn đề khác cũng đặt ra là cuộc chiến tranh kéo dài có thế dẫn đến nguy cơ thiếu đạn dược vũ khí hiện đại đối với cả hai bên phương Tây cũng như Nga. Le Monde cũng cho biết Hoa Kỳ đã phối hợp được nhiều đồng minh châu Âu cam kết giao vũ khí hạng nặng cho Ukraina, trong đó đặc biệt là Đức, sau một thời gian lưỡng lự cũng đã chấp nhận.
Cuộc chiến khí đốt Nga-Châu Âu
Chuyển qua một sự kiện khác vẫn liên quan đến cuộc chiến ở Ukraina. Le Monde trở lại việc Nga cắt nguồn khí đốt bán cho Ba Lan và Bulgari hôm 27/04 vừa rồi. Tờ báo ghi nhận hành động « bắt chẹt về năng lượng của Matxcơva khiến các nước Châu Âu lo ngại ». Liên Hiệp Châu Âu sợ rằng sẽ còn có những nước khác sắp tới cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự như Ba Lan và Bulgari bị Nga cắt khí đốt. Trong khi đó rất nhiều nước trong Liên Hiệp chưa thể sẵn sàng để bỏ hẳn lệ thuộc vào khí đốt Nga, đặc biệt là Đức. Ngày 02/05 tới các bộ trưởng năng lượng Liên Âu sẽ có cuộc họp để bàn mọi kịch bản có thể xảy ra. Đến lúc này chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, bà Ursula von der Leyen vẫn tiếp tục nhắc lại là Liên Hiệp Châu Âu cam kết nhanh chóng thoát khỏi sự lệ thuộc vào năng lượng Nga. Le Monde cũng cho biết Liên Âu đang chuẩn bị ra đợt trừng phạt Nga thứ 6, kể từ đầu cuộc chiến tranh, trong đó vấn đề dầu lửa Nga sẽ được đưa ra bàn thảo kỹ lưỡng.
Cùng trong bối cảnh đó, nhật báo kinh tế Les Echos có bài ghi nhận Bruxelles kêu gọi các công ty năng lượng của Châu Âu không mở tài khoản ngân hàng bằng đồng rúp để mua dầu và khí đốt Nga, vì làm như vậy là vi phạm các trừng phạt của EU đối với Nga hiện nay. Đây không chỉ là khuyến cáo mà là lập trường pháp lý rõ ràng của Liên Hiệp Châu Âu, vì hiện tại một số doanh nghiệp năng lượng của Châu Âu đã có vẻ chấp nhận đòi hỏi của tổng thống Nga, sẵn sàng mở tài khoản bằng đồng rúp để mua dầu, khí đốt của Nga.