Bắc Kinh bị tố là bắt nhân viên phái bộ EU

April 30, 2022

\"\"
Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu tại cuộc họp báo ở Brussels sau hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc

“Chúng tôi nhiều lần đề nghị giới chức Trung Quốc cung cấp thông tin, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được thông báo nào về cáo buộc cụ thể mà nhân viên của chúng tôi phải đối mặt,” phát ngôn viên EU cho hay.

EU nói rằng một công dân Trung Quốc làm việc cho khối đã bị bắt tại Trung Quốc, đồng thời bày tỏ lo ngại sức khỏe của người này.

“Chúng tôi có thể xác nhận một nhân viên địa phương của phái bộ Liên minh châu Âu (EU) tại Trung Quốc đã bị bắt giam từ tháng 9/2021 và chúng tôi lo ngại sức khỏe của anh ấy”, bà Nabila Massrali, phát ngôn viên của EU về các vấn đề đối ngoại, hôm 29/4 cho biết.

Theo bà Massrali, kể từ đó, EU chưa được cung cấp bất kỳ thông tin nào về các cáo buộc nhằm vào nhân viên này.

“Chúng tôi nhiều lần đề nghị giới chức Trung Quốc cung cấp thông tin, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được thông báo nào về cáo buộc cụ thể mà nhân viên của chúng tôi phải đối mặt. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỏi cho đến khi nhận được câu trả lời xác đáng”, bà nói.

Sự việc ban đầu được tờ Le Monde của Pháp đưa tin. Theo đó, nhân viên bị bắt tên An Dong, làm việc trong bộ phận công nghệ thông tin của phái bộ EU tại Bắc Kinh. Theo tờ này, An Dong đang bị giam ở tỉnh Tứ Xuyên, cách thủ đô Trung Quốc hàng nghìn km về phía tây.

Tờ báo cho rằng lý do An Dong bị bắt là “gây gổ và gây rối”. Theo Le Monde, EU đã trao công hàm cho Bộ Ngoại giao Trung Quốc hồi tháng 10 năm ngoái, yêu cầu điều tra và giải thích việc bắt giam, đồng thời yêu cầu đảm bảo nhân viên của họ được tiếp cận luật sư do anh này lựa chọn, thay vì đại diện do tòa án chỉ định.

Trung Quốc hiện chưa bình luận về trường hợp này.

Sự việc là trường hợp hiếm hoi một nhân viên của cơ quan đại diện ngoại giao phương Tây bị bắt ở Trung Quốc. Simon Cheng Man-kit, nhân viên lãnh sự quán Anh tại Hong Kong và cũng là cư dân Hong Kong, bị bắt tại Trung Quốc đại lục năm 2019 với cáo buộc vi phạm luật an ninh công cộng vì “gạ gẫm mại dâm”.

Cheng nói rằng anh bị tra tấn sau khi bị giam 15 ngày trong chuyến công tác đến Trung Quốc đại lục. Năm 2020, Cheng được tị nạn chính trị tại Anh. Bắc Kinh cáo buộc Cheng kích động bất ổn chính trị trong phong trào biểu tình ở Hồng Kông, những cáo buộc mà Cheng phủ nhận.

Cựu nhân viên ngoại giao Canada Michael Kovrig cũng bị bắt tại Trung Quốc vào năm 2018 với cáo buộc gián điệp, cùng người đồng hương Michael Spavor. Hai người bị kết án tù nhưng đã được thả và trở về Canada tháng 9 năm ngoái, sau khi Ottawa thả giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu.

Bài Liên Quan

Leave a Comment