Nhiệm kỳ mới của tổng thống Macron: Pháp tiếp tục tăng cường hợp tác chiến lược với Việt Nam

Đăng ngày: 02/05/2022

\"\"
\"\"
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại điện Elysée, Paris, Pháp, ngày 04/11/2021. AP – Lewis Joly

Thu Hằng

Năm 2023, Việt Nam và Pháp sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập Đối tác chiến lược song phương. Tính đến tháng 11/2021, Pháp là một trong ba nước thuộc Liên Hiệp Châu Âu đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam, với 632 dự án còn hiệu lực có tổng số vốn đăng ký là 3,62 tỷ đô la.

Ngoài hợp tác kinh tế, được đánh giá còn nhiều tiềm lực tăng trưởng với Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA, có hiệu lực từ ngày 01/08/2020) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu, Pháp còn có nhiều dự án và chương trình hợp tác trên nhiều lĩnh vực, được triển khai từ lâu tại Việt Nam.

Trả lời phỏng vấn RFI Tiếng Việt ngày 29/04/2022, ông Nicolas Warnery, đại sứ Pháp tại Việt Nam, đánh giá việc tổng thống Emmanuel Macron đắc cử thêm một nhiệm kỳ hôm 24/04 đánh dấu sự tiếp nối trong chính sách đối ngoại của Paris với Hà Nội.

*****

RFI : Việc tổng thống Emmanuel Macron tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ có thể cho thấy là chính phủ Pháp sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Xin ngài đại sứ giải thích về mối quan hệ đối tác song phương này?

Đại sứ Nicolas Warnery : Quan hệ đối tác giữa Pháp và Việt Nam trước hết được tiến hành dựa trên sự năng động rất lớn giữa hai nước và mối quan hệ lịch sử phong phú, có từ lâu, và hiện giờ trở thành « quan hệ đối tác chiến lược ». Trong chuyến công du Paris của thủ tướng Việt Nam vào tháng 11/2021, chính quyền hai nước đã quyết định tăng cường mối quan hệ đối tác này, được cụ thể hóa trên nhiều lĩnh vực.

Thứ nhất là lĩnh vực chính trị và chiến lược với việc phân tích các mối đe dọa chung, những thách thức chung về an ninh, trong đó có an ninh khu vực Đông Nam Á.

Lĩnh vực thứ hai liên quan đến kinh tế với những mối quan hệ mà chúng tôi muốn đào sâu và phát triển, thông qua những dự án lớn, cũng như thương mại thường nhật giữa các công ty vừa và nhỏ của hai nước theo Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA).

Lĩnh vực lớn thứ ba liên quan đến phát triển và hợp tác văn hóa, ngôn ngữ, khoa học, nghiên cứu và đại học. Ngoài ra còn phải kể đến vấn đề khí hậu và việc triển khai những cam kết đầy tham vọng được Việt Nam đưa ra tại Hội nghị Khí hậu COP26 ở Glasgow (Vương quốc Anh).

Y tế là một mối quan hệ hợp tác truyền thống khác mà tôi muốn tách riêng, vì đó là lĩnh vực có từ rất lâu, rất vững chắc và phong phú. Sự hợp tác này được thể hiện rất rõ trong giai đoạn đại dịch Covid-19 qua những gói quà tặng giữa hai nước. Ví dụ Việt Nam tặng khẩu trang cho Pháp năm 2020 khi Paris đang rất cần. Vào năm 2021, Pháp cũng tặng vắc-xin ngừa Covid-19, khi Việt Nam tăng tốc chiến dịch tiêm chủng.

Trên đây là một vài tóm lược về sự vững chắc và phong phú trong mối quan hệ đối tác giữa hai nước.

RFI : Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Liên Hiệp Châu Âu, mà Pháp là nhân tố chính, đã được công bố vào tháng 09/2021. Cho đến giờ, đây mới chỉ là mặt lý thuyết. Chiến lược sẽ được triển khai cụ thể như thế nào trong 5 năm nhiệm kỳ tới của tổng thống Emmanuel Macron ?

Đại sứ Nicolas Warnery : Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Liên Hiệp Châu Âu bao gồm phần nào đó những tham vọng chiến lược của Pháp có từ năm 2018. Nhìn chung, chiến lược này có bốn lĩnh vực lớn.

Thứ nhất là lĩnh vực chính trị và chiến lược mà tôi đã nêu ở trên, có nghĩa là hướng đến an ninh quốc phòng để nhìn chung, biến Ấn Độ-Thái Bình Dương thành một vùng hòa bình, nơi có thể tránh được các cuộc khủng hoảng và xung đột hoặc các mối đe dọa, như trường hợp mà chúng ta đang thấy với chiến tranh Ukraina hiện nay.

Lĩnh vực thứ hai liên quan đến kinh tế, trao đổi thương mại, kết nối, cơ sở hạ tầng, nghiên cứu và sáng tạo với tất cả các nước ở trong vùng. Về phía Pháp, cũng như Liên Hiệp Châu Âu, chúng tôi dự tính phối hợp nhiều với Việt Nam, cũng như với ASEAN.

Lĩnh vực thứ ba liên quan đến quốc phòng, chủ nghĩa đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế, pháp quyền, trong đó có quy định theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, vẫn thường xuyên được nhắc đến. Công ước này bị một số nước trong vùng vi phạm, nói rõ hơn là ở Biển Đông.

Lĩnh vực lớn cuối cùng liên quan đến tất cả những thách thức chung, như thách thức về mặt nhân đạo, biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học, quản lý bền vững tài nguyên đại dương.

Đây là những lĩnh vực mà chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương nhắm đến. Mục tiêu hiện giờ là đưa ra những dự án chung và cụ thể. Pháp đang giữ chức chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp Châu Âu nên đã tập hợp các nước liên quan tại Paris vào ngày 22/02/2022 nhằm triển khai chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Liên Hiệp Châu Âu thành những dự án cụ thể, thành bước tiếp cận đến từng lĩnh vực cho những năm sắp tới. Đây chính là thách thức của chúng tôi, có nghĩa là triển khai chiến lược vô cùng quan trọng này.

RFI : Ở cấp hợp tác phi tập trung, hội nghị sắp tới dường như sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào cuối năm 2022, sau thời gian gián đoạn vì Covid-19. Đây có phải là điểm đặc thù trong mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam ?

Đại sứ Nicolas Warnery: Đúng vậy. Pháp duy trì mối quan hệ hợp tác phi tập trung với nhiều nước khác nhưng mối quan hệ này giữa Pháp và Việt Nam đã có từ lâu và rất đa dạng.

Hội nghị hợp tác phi tập trung thường xuyên được tổ chức xen kẽ giữa hai nước. Cuộc họp sắp tới được dự kiến diễn ra tại Hà Nội vào đầu tháng 12. Chúng tôi đã đề cập vấn đề này với chính quyền Việt Nam. Chúng tôi hy vọng hội nghị sẽ thành công và sẽ có thêm nhiều dự án hợp tác phi tập trung sau hội nghị này.

RFI : Liệu những dự án cụ thể trong hợp tác phi tập trung Việt-Pháp phần nào phản ánh và bổ trợ cho mối quan hệ song phương ở cấp Nhà nước ? Xin ông cho biết các dự án hợp tác phi tập trung chủ yếu nhắm đến những lĩnh vực nào ?

Đại sứ Nicolas Warnery : Đây là những chương trình hợp tác vô cùng đa dạng do chính những địa phương ở Pháp và Việt Nam tự hoạch định. Chúng tôi hỗ trợ về mặt chính trị và đôi khi là về việc thực hiện, nhưng chương trình này thường độc lập hoàn toàn với chính phủ Pháp và bổ sung cho mối quan hệ ở cấp Nhà nước.

Hợp tác phi tập trung Pháp-Việt có thể liên quan đến tất cả các lĩnh vực, như y tế, giáo dục, phát triển bền vững, dạy nghề, quản lý kinh tế, chương trình trao đổi giữa các trường học và đôi khi có thêm hoạt động thể thao. Nói tóm lại là có rất nhiều lĩnh vực bổ trợ và hoàn toàn độc lập với sự hợp tác ở cấp Nhà nước.

RFI : Trong nhiệm kỳ đầu tiên, tổng thống Emmanuel Macron nói là muốn đến thăm Việt Nam, nhưng đã không thực hiện. Liệu ông Macron, vừa tái đắc cử tổng thống Pháp, có đến thăm Việt Nam trong nhiệm kỳ tới không ?

Đại sứ Nicolas Warnery : Chúng tôi vẫn hy vọng sẽ có những chuyến công du cấp cao. Các chuyến công du như vậy luôn là điểm tích cực,  nhưng hiện giờ tôi hoàn toàn không thể hứa bất kỳ điều gì. Tổng thống vừa mới tái đắc cử, sắp tới sẽ diễn ra cuộc bầu cử Quốc Hội, tiếp theo là bổ nhiệm một chính phủ mới và chỉ đến thời điểm đó, chúng tôi mới có thể biết dự án các chuyến công du.

Đại sứ quán Pháp làm tất cả để mối quan hệ đối tác giữa Pháp và Việt Nam, mà tôi nêu ở trên, được tiếp tục và trở nên sâu sắc hơn. Chúng tôi sẽ làm tất cả để triển khai những quyết định được đưa ra trong chuyến thăm Paris của thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính. Chúng tôi mừng vì Pháp đã có sự tiếp nối về vị trí lãnh đạo Nhà nước; nhưng tôi không thể hứa về khả năng công du Việt Nam của tổng thống Pháp.

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn ngài đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery đã dành thời gian cho buổi phỏng vấn này.

*****

Ngày 12/04/2022, nhân dịp kỷ niệm 49 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Pháp và Việt Nam, đại sứ quán Pháp tại Hà Nội đã nêu ba sự kiện minh chứng cho sự năng động của quan hệ song phương giai đoạn 2021-2022 : một đợt viện trợ vắc-xin mới từ Pháp đến Việt Nam, nâng số liều vắc-xin viện trợ lên hơn 3,5 triệu, thể hiện tình đoàn kết giữa Pháp và Việt Nam ; các đợt chạy thử nghiệm đầu tiên từ mùa xuân 2021 của tuyến số 3 tàu điện Hà Nội, một dự án cơ cấu cho thành phố và người dân Hà Nội, dựa trên tài trợ và kinh nghiệm của Pháp ; tàu tuần dương Vendémiaire tới thăm cảng Cam Ranh vào đầu năm 2022 và tham gia hoạt động huấn luyện với hải quân Việt Nam.

Theo Đại sứ quán Pháp, điểm nhấn thực sự của năm ngoại giao này là chuyến thăm Pháp của thủ tướng Phạm Minh Chính từ ngày 03-05/11/2021, tạo động lực mới cho mối quan hệ song phương. Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi, tiếp xúc ở cấp cao nhằm hướng tới một giai đoạn mới trong quan hệ đối tác Pháp-Việt trong nhiều lĩnh vực như vệ tinh, cũng như những dự án cấu trúc công nghệ cao mang tính chiến lược với viễn cảnh nâng cấp mối quan hệ đối tác.

Tuyên bố chung, được phủ thủ tướng Pháp công bố ngày 05/11/2021, cho biết Việt Nam đánh giá cao vai trò và những chiến lược của Pháp và Liên Hiệp Châu Âu ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Phía Pháp nhấn mạnh đến tầm quan trọng Triển vọng về Ấn Độ-Thái Bình Dương của ASEAN (AIPO). Trong những chiến lược của Pháp và Liên Hiệp Châu Âu về vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, Việt Nam, cũng như các nước thành viên ASEAN, đóng vai trò chủ đạo.

Cam kết của châu Âu trong khu vực này được bà Alice Guitton, tổng vụ trưởng Quan hệ Quốc tế và Chiến lược bộ Quân Lực Pháp, kiêm chủ tịch Hội đồng Liên Hiệp Châu Âu của Pháp hiện nay, nhấn mạnh trong Đối thoại cấp cao về các vấn đề chiến lược và hợp tác quốc phòng diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 14-15/04/2022. Hai bên nhấn mạnh tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng nhằm tăng cường quyền tự chủ chiến lược và thúc đẩy các giá trị chung. Hai bên cũng khẳng định chủ nghĩa đa phương, đối thoại và tôn trọng luật pháp quốc tế là nền tảng của hợp tác quốc phòng Pháp-Việt.

Ngoài ra, có thể nhắc đến thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực công vụ, hiện đại hóa nền hành chính được bộ Nội Vụ Việt Nam và bộ Chuyển đổi và Công vụ Pháp ký kết ngày 31/03. Phía Pháp, thông qua Cơ quan Phát triển Pháp (Agence Française de Développement, AFD), cũng hỗ trợ Việt Nam trong dự án phát triển chính phủ điện tử.

Bài Liên Quan

Leave a Comment