1 tháng 5 2022
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Thủ tướng Phạm Minh Chính nhất trí nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tôn trọng chủ quyền quốc gia và cảnh báo nguy cơ sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt, vào lúc cuộc chiến tại Ukraine vẫn đang tiếp diễn.
Tuyên bố của hai ông được đưa ra tại Hà Nội hôm Chủ Nhật, nơi ông Fumio Kishida đang trong ngày thứ hai của chuyến thăm Việt Nam, một phần trong chuyến công du tám ngày của ông tới Đông Nam Á và châu Âu.
Chuyến đi của ông Kishida bắt đầu từ 29/4 với chặng dừng chân đầu tiên là Indonesia.
Tại cuộc họp báo được tổ chức sau buổi họp của hai nhà lãnh đạo, ông Fumio Kishida gọi Việt Nam là \”một đối tác quan trọng\” trong việc thực thi tầm nhìn của Tokyo về một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
\”Chúng tôi xác nhận rằng các quốc gia cần phải tuân thủ nguyên tắc tôn trọng độc lập và chủ quyền quốc gia… ở bất kỳ khu vực nào,\” Thủ tướng Nhật Bản nói. \”Việc thay đổi hiện trạng bằng vũ lực là điều không được phép diễn ra.\”
Tuyên bố trên không chỉ nhằm tới cuộc chiến ở Ukraine, mà còn cả về tình trạng thực tế ở Biển Đông, hãng tin Kyodo của Nhật Bản tường thuật.
Ông Kishida nói hai nhà lãnh đạo nhất trí phản đối mạnh mẽ các nỗ lực làm thay đổi thực trạng ở Biển Đông vào thời điểm khu vực đang phải đối diện với thái độ xác quyết ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc đối với vùng biển có tranh chấp này.
Việt Nam đã bỏ phiếu trắng trong một lần biểu quyết tại Liên Hiệp Quốc hồi tháng Ba về nghị quyết lên án Nga xâm lược Ukraine.
Tuy nhiên, trong cuộc họp với vị khách đến từ Nhật Bản, Thủ tướng Chính cho biết Việt Nam sẽ hỗ trợ nhân đạo 500.000 USD cho Ukraine thông qua các tổ chức nhân đạo quốc tế.
Thúc đẩy hợp tác song phương
Bên cạnh các vấn đề quốc tế, quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản chiếm một phần quan trọng trong nghị trình trao đổi của hai nhà lãnh đạo.
Hai vị thủ tướng đồng ý tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh biển của Việt Nam và về việc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam nâng cao kỹ năng an toàn an ninh mạng, Kyodo tường thuật.
Dưới sự chứng kiến của hai vị thủ tướng, đã có 21 văn kiện hợp tác Việt – Nhật đã được trao đổi, với nhiều nội dung khác nhau, từ cấp khoản vay phòng chống thiên tai đến ngăn ngừa gián đoạn chuỗi cung ứng giữa các bộ ngành hai nước, đến việc tiếp tục triển khai các dự án xây dựng, đầu tư, phát triển hạ tầng đô thị.
Theo Reuters, Nhật Bản hiện là quốc gia cấp viện hợp tác phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam. Nhật Bản cũng là quốc gia có nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ ba tại Việt Nam. Theo số liệu chính thức của Việt Nam, kim ngạch thương mại song phương hai nước đã tăng 8,4% lên mức 42,9 tỷ USD vào năm 2021.
Sau Việt Nam, ông Kishida Fumio sẽ sang Thái Lan, nước chủ nhà của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) năm nay, nơi ông dự kiến gặp Thủ tướng Prayut Chan-o-cha.
Tại Châu Âu, Thủ tướng Kishida dự kiến sẽ thảo luận với Thủ tướng Ý Mario Draghi và Thủ tướng Anh Boris Johnson về cách ứng phó với việc Nga tiếp tục gây chiến ở Ukraine và hỗ trợ những người dân chạy nạn khỏi đất nước bị chiến tranh tàn phá.