1 tháng 5 2022
Truyền thông Việt Nam đưa thêm thông tin về nữ doanh nhân vừa bị khởi tố trong lúc xuất hiện điều được cho là \’tâm thư\’ của bà trên mạng xã hội.
Báo Tuổi Trẻ ngày 30/4 đăng bài có tựa \”Đế chế\” AIC Group của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn \’làm ăn\’ thế nào?
Bài báo mô tả dữ liệu từ hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) ghi nhận những năm qua Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC Group) đã trúng thầu hàng loạt dự án đầu tư công.
Theo báo này, vào tháng 10/2017, AIC Group trúng thầu với giá hơn 90 tỉ đồng thuộc dự án trong một dự án nâng cấp kênh truyền hình Đài Tiếng nói Việt Nam. Cũng trong năm 2017, AIC Group trúng thầu với giá hơn 30 tỉ đồng ở một dự án khác thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cũng như nhiều gói thầu cung cấp hệ thống điều hành thông minh cho các địa phương Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế.
AIC Group của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn được mô tả là đã trúng thầu một loạt gói thầu hàng trăm tỉ trong mảng tài nguyên môi trường tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước bao gồm Bạc Liêu (39,4 tỉ đồng), Giai Lai (26,7 tỉ đồng), Bắc Ninh (157,4 tỉ đồng) và Quảng Ninh, (34,5 tỉ đồng).
\”Trong lĩnh vực bất động sản, thông tin giới thiệu trên trang aicgroup.com của AIC Group giới thiệu doanh nghiệp này đang triển khai hai dự án bất động sản quy mô lớn, đó là khu đô thị Phật Tích – Bắc Ninh, quy mô xây dựng khoảng 3.000 hecta, dự án khu đô thị Tân An, tỉnh Long An, quy mô xây dựng 500 hecta.
\”Theo thông tin của Tuổi Trẻ Online thì AIC Group còn triển khai các dự án khác như khu đô thị mới AIC Mê Linh, quy mô xây dựng 94,3 hecta (đầu năm 2022, AIC Group đã chuyển nhượng dự án cho doanh nghiệp khác), dự án AIC Xuân Đỉnh, diện tích đất 4.102m2, được cấp phép 12 năm nhưng chưa triển khai. Hầu hết các dự án bất động sản do AIC Group đầu tư đang chậm tiến độ,\” báo này cho biết.
Ngày 29/4, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự \”Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng\” xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty CP Tiến Bộ Quốc Tế (AIC) và các đơn vị liên quan. Nhà chức trách cũng ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam các bị can thuộc Công ty AIC, trong đó có bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn là Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ công ty.
Kết quả điều tra ban đầu xác định AIC đã có sự móc ngoặc với đơn vị thẩm định giá thực hiện nhiều hành vi sai phạm trong quá trình xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai gây thiệt hại tài sản nhà nước khoảng 152 tỉ đồng.
Tuy nhiên bản tin của Bộ Công an không đưa ảnh bà Nhàn, sinh năm 1969, (trong số 9 bị can) và hiện không rõ bà đang ở đâu hay đã bị bắt hoặc bị truy nã hay không.
Thông tin tự giới thiệu AIC Group trên trang aicgroup.com của công ty nói \”hệ sinh thái AIC Group gồm 29 công ty con, hoạt động kinh doanh trong nhiều lĩnh vực từ y tế, giáo dục, chuyển đổi số, tài nguyên môi trường đến bất động sản\”.
AIC Group nói họ bắt đầu kinh doanh vào lĩnh vực môi trường năm 2007, y tế năm 2008, và giáo dục năm 2011.
Bản tin của Bộ Y tế cuối tháng 7/2021 cho biết AIC Group và hai công ty đối tác là Công ty TNHH MTV vaccine và sinh phẩm số 1 (Vabiotech) cùng và Công ty Shionogi Nhật Bản ký thỏa thuận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine COVID-19 theo đó dự kiến tháng 6/2022 sẽ hoàn tất các hoạt động và đưa vaccine ra thị trường.
Báo Haaretz của Israel ngày 1/5 có bài nói các hợp đồng vũ khí Israel xuất khẩu sang Việt Nam, trị giá hơn 1 tỉ USD, gặp rủi ro sau lệnh bắt giam \”nữ môi giới chủ chốt\”.
Bài báo mô tả bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, người đóng vai trò chính trong việc xúc tiến và môi giới các thỏa thuận mua bán vũ khí giữa hai nước, chịu lệnh bắt giam nhưng đã \”sang châu Âu được hơn một năm\”.
Tác giả bài báo dẫn một nguồn thạo tin nói rằng lý do có lệnh bắt bà Nhàn là bởi \”có sự dính líu vào các hợp đồng quân sự\” thay vì các cáo buộc liên quan tới sai phạm đấu thầu thiết bị y tế trị giá khoảng 7 triệu USD\” và rằng một lý do khác bắt nguồn từ việc \”tranh giành quyền lực\” cấp cao.
Trong diễn biến đáng chú ý, trên mạng xuất hiện một lá thư ghi là bà Thanh Nhàn gửi những người liên quan. Một \”KOL\”, Phó tổng biên tập của một báo Việt Nam, sau khi đưa lên Facebook cá nhân ngày 1/5, đã gỡ nội dung thư này.
BBC không thể kiểm chứng độc lập về mức độ xác thực của bức thư ở dạng phiên bản điện tử này.
Bức thư có đoạn:
\”Tôi đã dự đoán trước được những điều sẽ đến với công ty tôi, các đối tác và bản thân tôi trong thời gian gấp gáp tiếp theo. Tôi xin được gửi lời xin lỗi đến các đối tác đã tin tưởng tôi và đang có nhiều kế hoạch muốn đầu tư vào Việt Nam các dự án về y tế, giáo dục, đào tạo, năng lượng… mà tôi sẽ không giữ được lời hứa với họ.
\”Tôi gửi lời xin lỗi tới các nhân viên trong toàn hệ thống của tôi, chỉ vì cá nhân tôi mà nhiều người sẽ phải sa vao vòng lao lý, mất việc làm, hàng ngàn con người ngơ ngác, nhiều gia đình tan nát.
\”Tôi vô cùng bất ngờ, đau xót trước tất cả mọi sự việc vừa xảy ra. Những gì mà doanh nghiệp của tôi làm chưa đúng, hoặc làm sai, tất cả là do tôi không biết lãnh đạo, điều hành, lỗi là do tôi chứ không phải do các cán bộ của tôi.
\”Trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh, chúng tôi cũng không hối lộ, biếu xén gì ai, không có bất cứ ai đòi hỏi chúng tôi phải cho, biếu gì, nên việc những người có liên quan bị khởi tố, vướng vòng lao lý cũng làm lương tâm của tôi vô cùng day dứt\”.
Bản điện tử thư ký tên Nguyễn Thị Thanh Nhàn kết thúc thư này với thông điệp rằng \”Tôi vô cùng yêu tổ quốc Việt Nam, và tôi luôn có mong muốn làm được nhiều điều tốt đẹp cho đất nước mình, nhưng giờ đây tôi sẽ không thể tiếp tục làm bất cứ điều gì nữa.\”
\”Tạm biệt tất cả quê hương, đất nước và những người thân thiết của tôi!\”, một chỉ dấu dường như cho thấy người viết hiện không ở Việt Nam.