Đăng ngày: 03/05/2022
Theo báo cáo của Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) nhân Ngày Tự do Báo chí Thế giới 03/05/2022, riêng ba nước châu Á (Trung Quốc, Miến Điện, Việt Nam) đã chiếm đến 2/3 số nhà báo bị bắt giữ trên khắp thế giới trong năm 2021. Nhưng trong năm 2022, Ukraina là nước nguy hiểm nhất, vì là nơi có 10 nhà báo đã thiệt mạng khi đưa tin trên chiến trường. Nga thì không còn tiếng nói đối lập, vì chỉ cần nói “lệch” đường lối của điện Kremlin là có thể lãnh đến 15 năm tù.
“Ukraina là một trong những cuộc chiến dữ dội nhất mà các nhà báo phải đối mặt trong những năm gần đây. Những lực lượng quy ước phải đối đầu với vũ khí hạng nặng, những đợt oanh kích không phân biệt dân thường, trong đó có các nhà báo”. Nhận định trên với RFI của Jean-Paul Marthoz, phóng viên nhật báo Bỉ, Le Soir, phản ánh rõ những nguy hiểm và khó khăn mà phóng viên chiến trường phải đối mặt. Ngoài ra, họ còn có thể bị cố tình nhắm bắn, vì bị coi là “thù nghịch”. Ít nhất hai trường hợp đã xảy ra với một xe ô tô của nhà báo Mỹ tại thị trấn Irpin, ngoại ô Kiev giữa tháng Ba và một xe ô tô của nhà báo Anh, dù tất cả đều treo những dấu hiệu cho thấy rõ là xe “báo chí”.
Ngoài Ukraina, nhiều cuộc chiến ít được nhắc đến vẫn gây thiệt hại về nhân mạng cho các nhà báo. Theo tổ chức RSF, 50 nhà báo và cộng tác viên của các cơ quan truyền thông đã bị sát hại khi tác nghiệp năm 2021. Các tổ chức vũ trang, trong đó có Hồi Giáo cực đoan, luôn tìm cách bắt cóc nhà báo để hành quyết, hoặc để đòi tiền chuộc. Ít nhất 65 nhà báo đang bị bắt cóc trên thế giới, trong đó tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo giữ 28 người, phe Huthi bắt 8 người ở Yemen.
Các nhà báo tại Mêhicô phải đối mặt với một kiểu chiến tranh khác, khốc liệt và tàn bạo, liên quan đến các băng đảng buôn ma túy. Chỉ trong hai tháng rưỡi đầu năm 2022 đã có 8 nhà báo bị sát hại tại Mêhicô, hơn cả tổng số 7 nhà báo bị trả thù trong năm 2021. Tại đất nước bị coi là một trong những nơi nguy hiểm nhất thế giới cho phóng viên, hơn 90% số vụ ám sát nhà báo không bị trừng phạt.
Tại các nước chuyên chế, tự do báo chí bị xóa bỏ trong cuộc trấn áp mọi tiếng nói đối lập và chỉ trích. Nga, đang xâm lược một nước có chủ quyền và không giấu mục tiêu sáp nhập nhiều vùng lãnh thổ của Ukraina, đã triệt hạ mọi cơ quan truyền thông độc lập, buộc truyền thông nước ngoài phải ngừng phát sóng tại Nga bằng đạo luật phạt 15 năm tù đối với việc phát tán “tin giả” về tình hình Ukraina, được thông qua hôm 05/03.
Truyền thông Nhà nước Nga nay chỉ nói theo chỉ thị của điện Kremlin. “Chiến dịch quân sự đặc biệt” mà Matxcơva luôn bảo vệ thực chất là một cuộc xâm lược với những “tội ác chiến tranh” đang được quốc tế điều tra. Những nhà báo độc lập làm phật lòng Kremlin có thể bị trừ khử, như trường hợp Anna Politkovskaia, nhà báo của tờ báo độc lập Novaia Gazeta, khi bị sát hại năm 2006, “ không ở trên chiến trường” mà ngay tại thủ đô Matxcơva.
Theo ông Jean-Pierre Canet, đạo diễn của SlugNews và là thành viên hiệp hội Thông tin không phải là một tội (Informer n’est pas un délit), “trong những chế độ độc tài, đối với các nhà báo độc lập, không có sự phân biệt thực sự giữa thời bình và thời chiến”. Điều này có thể thấy tại ba chế độ độc đảng ở châu Á, Trung Quốc, Miến Điện và Việt Nam. Trong số 365 nhà báo bị bắt giam trên thế giới năm 2021, ba nước này chiếm gần 2/3, cụ thể 127 người tại Trung Quốc, 53 ở Miến Điện và 43 ở Việt Nam. Bảng xếp hạng tự do báo chí 2022 của RSF xếp Việt Nam ở vị trí 174 trên tổng số 180 nước.
Tuy nhiên, ngay tại những nước dân chủ, tự do báo chí cũng không được tôn trọng hoàn toàn. Ví dụ tại Pháp, nước đứng thứ 26 trong bảng xếp hạng của RSF, “gần như không thể đặt câu hỏi về các hợp đồng bán vũ khí”, mặc dù nhiều cuộc điều tra độc lập cho thấy vũ khí của Pháp được sử dụng trong cuộc chiến ở Yemen. Trong khi đó, Chương trình vì an toàn cho các nhà báo của Hội Đồng Toàn Châu Âu chỉ trích việc một số nước như Ba Lan, Pháp, Latvia, Litva lạm quyền để hạn chế việc truy cập thông tin đối với người xin tị nạn.
Trong thông cáo ngày 05/03, tổng thư ký của RSF, Christophe Deloire, lưu ý rằng “việc tạo ra một kho vũ khí truyền thông ở một số chế độ chuyên chế không chỉ tước quyền được thông tin của công dân, mà còn góp phần làm gia tăng căng thẳng quốc tế có thể dẫn đến những cuộc chiến tồi tệ”. Cuộc chiến do Nga phát động ở Ukraina cho thấy rõ sự phân cực này khi cả hai bên đều tiến hành “cuộc chiến tuyên truyền”.
Ông Jean-Paul Marthoz cho rằng “tự do báo chí không thể được phó mặc cho thiện chí của các nhà lãnh đạo”. Đối với các nhà báo, tình tình chiến trường khắc nghiệt cũng có thể ảnh hưởng đến tinh thần, lập trường của họ khi chứng kiến những vụ thảm sát dã man. Tuy nhiên, “quy định và lương tâm của ngành báo vẫn thế : phải thu thập sự việc và tìm ít nhất hai, ba nguồn tin độc lập để xác nhận sự việc” và luôn làm đúng phận sự của một nhà báo : đưa tin trung thực về tình hình tại chỗ.