Đăng ngày: 04/05/2022
Ngày 03/05/2022, Ủy Ban Châu Âu đã chuẩn bị xong loạt trừng phạt thứ 6 nhắm vào nhiều ngân hàng, cá nhân Nga, trong đó có thượng phụ Kirill, người đứng đầu Giáo hội Chính thống giáo Nga, và đặc biệt là lệnh cấm vận dầu lửa. Tuy nhiên, loạt trừng phạt mới này được cho là khó được áp dụng hơn, do việc cấm vận dầu lửa Nga sẽ gây tác động đến kinh tế của các nước thành viên. Văn bản đang chờ được 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu phê chuẩn.
Thông tín viên RFI Pierre Bénazet tường trình từ Bruxelles :
« Do mức độ phụ thuộc vào dầu lửa Nga, Liên Hiệp Châu Âu hướng đến việc cấm vận hoàn toàn nhưng theo từng bước. Việc mua dầu lửa sẽ được dừng theo từng chặng và trải dài trong sáu tháng đối với dầu thô, theo đề xuất hiện nay, và hạn chót là vào cuối năm đối với toàn bộ sản phẩm từ dầu mỏ.
Một phần tư dầu thô và sản phẩm chế biến mà Liên Hiệp Châu Âu nhập khẩu vẫn đến từ Nga, cho nên các nước thành viên không thể dừng nhập khẩu ngay lập tức. Một số nước phụ thuộc vào dầu khí Nga nhiều hơn những nước khác, do vậy, quyết định dừng từng bước là giúp những nước này thích ứng, ví dụ Bulgari nhập đến 100% nhu cầu về dầu khí từ Nga.
Tình hình hiện còn phức tạp hơn đối với các nước Slovakia và Hungary. Những nước này yêu cầu được miễn trừ, vì hiện họ không có phương tiện tăng nguồn dự trữ song song, do phần nào đó bị kẹt và phụ thuộc gần như hoàn toàn vào đường ống Droujba, « đường ống hữu nghị » với Nga.
Những biện pháp trừng phạt này đã được Ủy Ban Châu Âu thông qua vào nửa đêm qua, thay vì ngay giữa ngày như thường lệ. Từ đêm qua, văn bản đã được chuyển cho 27 nước. Một số nước cho rằng việc thông qua các biện pháp trừng phạt này sẽ không thể kết thúc vào trước cuối tuần ».
Nga tiếp tục trừng phạt các nước « thù nghịch »
Cùng lúc Liên Hiệp Châu Âu chuẩn bị loạt trừng phạt thứ 6, theo NHK, ngày 03/05, tổng thống Nga Putin đã ký một sắc lệnh trừng phạt mới để đáp trả « những hành vi thiếu thiện chí của một số nước và tổ chức quốc tế », gồm cấm xuất khẩu nhiều mặt hàng và nhiện liệu cho nhiều cá nhân hay công ty, nhưng không nêu chi tiết, và cấm chính quyền Nga, các công ty, cá nhân ký hợp đồng mới.
Ngoài ra, trong cuộc điện đàm kéo dài 2 tiếng với tổng thống Pháp ngày 03/05, ông Putin cho rằng « phương Tây có thể giúp ngăn chặn những hành động tàn bạo này bằng cách gây ảnh hưởng đối với chính quyền Kiev, cũng như bằng cách ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraina ». Về phần tổng thống Macron, ông « kêu gọi Nga cho phép tiếp tục các đợt sơ tán thường dân được tiến hành từ nhiều tuần qua » ở Mariupol.