Tảo biển, món quà quý giá từ đại dương cho sự phát triển bền vững của thế giới

Đăng ngày: 04/05/2022

\"\"
\"\"
Tảo wakamé được dùng để chế biến nhiều món ăn ở Nhật Bản. Pixabay

Thùy Dương

Các loài tảo biển, phong phú về chủng loại, không chỉ là nguồn thực phẩm bổ dưỡng, mà còn là « lá phổi xanh của đại dương » hấp thụ carbon và tạo ra một nửa tổng lượng oxygène cho toàn Trái đất. Các chế phẩm từ tảo biển còn được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực, từ công nghiệp mỹ phẩm, dược phẩm đến bao bì, phân bón, năng lượng … Giá trị của tảo biển, « món quà của đại dương », ngày càng được xem là nguồn tài nguyên phục vụ sự phát triển bền vững.

Trên đài RFI, chuyên gia dinh dưỡng Stéphane Besançon, giám đốc tổ chức phi chính phủ Sức khỏe – Tiểu đường, giải thích : « Tảo biển là sinh vật sống, là thực vật và bao gồm hàng ngàn loài có đặc điểm chung là sống trong môi trường nước, không nở hoa và thực hiện quang hợp, tức là sản sinh chất hữu cơ nhờ năng lượng từ ánh sáng mặt trời. Đa phần các loài tảo biển được phân loại theo màu sắc : xanh lục, đen, nâu, vàng, đỏ hay là xanh lam. Ngoài ra còn có một loại tảo biển được gọi là tảo sợi. 

Trong vô số loài tảo biển, một số loài đã được con người tiêu dùng từ nhiều thế kỷ nay, tùy theo khu vực sinh sống. Chúng được gọi là các loài tảo thực phẩm. Chúng ta có thể lấy một vài ví dụ về tảo đa bào hoặc vi tảo (tảo đơn bào), nằm trong số những loại được tiêu thụ nhiều nhất: Spiruline là một loại tảo xanh, rau diếp biển là một loại tảo xanh lục, Nori là một loại tảo đỏ còn Wakame là loại tảo nâu vốn được tiêu thụ rất nhiều ở châu Á. »  

Tảo biển – nguồn thực phẩm cho tương lai 

Đối với người dân nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc … tảo biển, rong biển có thể dùng để chế biến thành nhiều món ăn bổ dưỡng không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Tất nhiên, không phải loài tảo nào cũng có thể ăn được, nhưng lợi ích của nhiều loại tảo biển thực phẩm đã được giới chuyên gia dinh dưỡng ghi nhận. Nhà dinh dưỡng học Stéphane Besançon giải thích với RFI Pháp ngữ :  

« Chúng có thành phần dinh dưỡng rất đáng quan tâm : cung cấp ít calo, ít chất béo, ít đường, nhưng ngược lại rất giàu chất xơ, vitamin (như vitamin A, C, E, K và B12), khoáng chất tùy loại tảo, như magie, đồng, sắt, canxi hoặc kẽm. Chúng chứa các chất chống oxy hóa như carotenoid, flavonoid hoặc axit phenolic – những chất bảo vệ cơ thể chống lại tác hại của các gốc tự do. Cuối cùng, một số loài tảo biển, chẳng hạn như tảo xoắn, chứa một hàm lượng lớn protein có chất lượng rất tốt. Các nghiên cứu về đề tài này, vốn ngày càng quan trọng, đã cho thấy chúng có vai trò bảo vệ chống lại một số bệnh ung thư, chống tăng mỡ máu hoặc thậm chí chống tăng đường huyết, chúng cũng có tác dụng hữu ích chống các cơn mệt mỏi hoặc thậm chí chống một số dạng trầm cảm ». 

Về nguy cơ khi dùng tảo biển, nhà dinh dưỡng học Stéphane Besançon lưu ý : « Chỉ có ít nguy cơ, nhưng chúng tôi có thể trích dẫn một điều rất quan trọng đã được ANSES, Cơ quan An toàn Thực phẩm Quốc gia của Pháp cảnh báo : « Hàm lượng i-ốt trong các chế phẩm từ rong biển có thể cao, tiêu thụ thường xuyên có thể dẫn đến lượng i-ốt cơ thể hấp thụ cao quá mức và thường xuyên, có khả năng dẫn đến rối loạn chức năng tuyến giáp và một số tác dụng phụ ảnh hưởng tới tim hoặc thận ».  

Do đó, Cơ quan An toàn Thực phẩm Quốc gia khuyến cáo những người bị rối loạn chức năng tuyến giáp, có bệnh tim hoặc bị suy thận hay những người đang điều trị bằng thuốc chứa i-ốt hoặc lithium, cũng như phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, không nên dùng tảo biển hoặc các chế phẩm từ tảo biển để tránh thừa i-ốt ».  

Đài France 24 ngày 08/02/2022 trích dẫn chuyên gia về rong biển, Vincent Doumeizel, cố vấn về đại dương của tổ chức Hiệp ước Toàn cầu của Liên Hợp Quốc, tác giả cuốn sách « Cách mạng tảo biển » (NXB. Equateurs), theo đó tời xa xưa tảo biển đã được con người khắp nơi trên thế giới dùng làm thức ăn. Sau này, việc sử dụng này dần biến mất, chỉ còn được duy trì ở châu Á.  

Chế phẩm từ tảo biển : Ứng dụng trong vô số lĩnh vực 

Theo một nghiên cứu của đại học Wageningen, Hà Lan, chỉ cần dành 2 % các đại dương cho hoạt động nuôi trồng tảo biển, cùng với hệ sinh thái liên quan (cá, các loài nhuyễn thể) là đủ đáp ứng nhu cầu protein của dân cư toàn cầu. Không chỉ được dùng làm thực phẩm, tảo biển với những đặc tính tốt cho sức khỏe còn được chiết xuất làm thành phần mỹ phẩm, kem trị mụn … và dược phẩm, kem chống nấm, chống viêm và thuốc trị đau dạ dày. Và trên thực tế, không phải ai cũng biết rằng tảo biển còn được dùng làm nguyên vật liệu trong rất nhiều lĩnh vực sản xuất và đang được nghiên cứu để trở thành các loại nguyên vật liệu đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu.  

Giàu dinh dưỡng nên tảo biển được dùng làm thức ăn cho động vật, gia súc, làm phân bón phục vụ nông nghiệp. Tại châu Âu, khoảng chục doanh nghiệp đã bắt đầu sản xuất bao bì sinh học tự hủy từ tảo để thay thế nguyên liệu nhựa vốn khó tiêu hủy, gây ô nhiễm môi trường nặng nề. Nhiều doanh nghiệp hàng dệt may cũng đang nghiên cứu sản xuất quần áo từ chất liệu tảo biển, thậm chí một start-up ở Hà Lan còn hướng đến dùng tảo biển để sản xuất băng vệ sinh phụ nữ. Riêng trong lĩnh vực năng lượng, theo chuyên gia Philippe Potin, việc dùng tảo để chế tạo nhiên liệu, chất đốt vẫn còn cần thêm thời gian …   

Nuôi trồng và chế biến tảo biển : tương lai đầy hứa hẹn 

Theo tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), sản lượng tảo biển nuôi trồng đã tăng gấp 3 lần trong giai đoạn 2000-2018 và nay trở thành lĩnh vực sản xuất thực phẩm đạt nhiều bước tiến nhanh nhất trên quy mô toàn cầu. Nhận thấy tiềm năng vô cùng lớn của tảo biển trong nhiều lĩnh vực, từ ngành công nghiệp thực phẩm đến mỹ phẩm, dược phẩm, từ ngành công nghiệp bao bì đến năng lượng, trong bối cảnh thị trường thế giới về tảo biển đang mở rộng, nhưng các hoạt động khai thác và bảo tồn, tái sinh diện rộng chưa được quan tâm, nhiều loài tảo biển đang ồ ạt biến mất do đại dương bị hâm nóng và khí hậu toàn cầu biến đổi, mới đây, Liên hiệp quốc tế về rong biển Safe Seaweed Coalition đã được thiết lập để làm đầu mối, kết nối toàn cầu nhằm phát triển lĩnh vực nuôi trồng, khai thác và chế biến rong biển.  

Trả lời đài RFI Pháp ngữ, chuyên gia nghiên cứu về rong biển Vincent Doumeizel nhấn mạnh : « Trên hết, đây là sự tập hợp các tác nhân của lĩnh vực mới nổi còn rất non trẻ này, lĩnh vực có thể nói là hầu như vừa mới được khai sinh, để đáp ứng và khai thác tiềm năng của tảo biển. Vì thế, mục đích của của Liên hiệp là tập hợp tất cả mọi người cùng thực hiện công việc hiện thực hóa tiềm năng của tảo để nuôi sống thế giới, chăn nuôi gia súc tốt hơn, giảm thiểu ô nhiễm, làm sạch đại dương, tạo thu nhập cho các cư dân sống ven biển, cung cấp việc làm mới và tạo ra một loại hình nuôi trồng thủy sản mới thực sự là tái sinh chứ không chỉ khai thác như hiện giờ. 

Liên hiệp được Quỹ Fondation Lloyd’s Register tài trợ, được đặt tại trạm sinh học Roscoff của Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học CNRS của Pháp, hưởng sự hỗ trợ mạnh mẽ và sự dẫn dắt của Liên Hiệp Quốc, thông qua tổ chức Hiệp ước toàn cầu của Liên Hợp Quốc và sẽ quy tụ hàng ngàn thành viên, từ các nhà sản xuất nhỏ đến công ty chế biến lớn. Ý tưởng là thực sự tập hợp, quy tụ về một mối tất cả các tác nhân trong chuỗi sản xuất, bao gồm cả các nhà đầu tư, bởi vì để hiện thực hóa được tiềm năng của các loài tảo, chúng ta sẽ cần nhiều đầu tư và sự tham gia tích cực của mỗi tác nhân trong chuỗi sản xuất ». 

Sự ra đời của Liên hiệp ngành rong biển Safe Seaweed Coalition cho thấy quốc tế đang ngày càng quan tâm và muốn đặt cược tương lai vào nguồn tài nguyên biển dù là không mới nhưng chưa được biết đến nhiều trên phạm vi toàn cầu. Chuyên gia về tảo biển Vincent Doumeizel lưu ý : « Ngoài châu Á thì không có bất cứ nơi nào có hoạt động nuôi trồng tảo biển làm thực phẩm. Trên thực tế, tảo biển dường như thực sự là giải pháp tốt nhất, mang tính sinh thái nhất và bền vững nhất để nuôi sống cư dân thế giới đang tăng lên hàng ngày. Mỗi ngày trên Trái đất có thêm 300.000 người cần được nuôi sống. Chúng ta đứng trước áp lực thường trực này, đồng thời tác động mà các hoạt động sản xuất lương thực, thực phẩm gây ra đối với môi trường cũng rất lớn.  

Chúng ta biết rằng sản xuất lương thực, thực phẩm đang trở thành một trong những ngành thải nhiều khí carbon nhất, làm phát sinh bệnh tật và góp phần gây ô nhiễm đất đai. Vì vậy, chúng tôi có một mối lo thực sự là nhìn nhận xem xét toàn bộ hệ thống sản xuất lương thực, thực phẩm của con người. Chúng ta có thể thấy là 70% hành tinh được bao phủ bởi các đại dương, thế nhưng những đại dương này rốt cục chỉ cung cấp chưa đến 3% tổng lượng thực phẩm cho chúng ta, có nghĩa là tiềm năng phát triển về sản xuất lương thực thực phẩm từ các đại dương là vô cùng lớn. Thế mà chúng ta vẫn như người tiền sử, vẫn chưa có hoạt động nuôi trồng ở đại dương.  

Con người đã làm điều đó trên mặt đất từ cách nay 12.000 năm, chúng ta đã có được rất nhiều kiến ​​thức. Chúng ta phải bắt đầu nuôi trồng ở các đại dương và cố gắng xây dựng các hệ sinh thái ở đại dương, chứ không phải là phá hủy chúng như chúng ta đang làm ngày nay, với việc sử dụng chỉ mang tính cơ hội và tàn phá, hủy diệt. » 

Nuôi trồng tảo biển : những hạn chế cần khắc phục 

Xét theo khu vực, sự phát triển ngành nuôi trồng tảo biển là không đồng đều. Không chỉ tiêu thụ nhiều tảo biển, châu Á cũng là khu vực đi tiên phong về nuôi trồng tảo biển, tập trung 99% sản lượng tảo biển nuôi trồng trên toàn thế giới, đứng đầu là Trung Quốc (13 triệu tấn) trong năm 2015, tiếp theo là Indonesia (9 triệu tấn). Châu Phi cũng đang vươn lên nhanh chóng.  

Tại châu Âu, nơi hoạt động nuôi trồng tảo biển rất hạn chế, nước Pháp và Na Uy là hai quốc gia được xem là tích cực nhất. Theo chuyên gia tảo biển, nhà sinh học Philippe Potin, được France 24 trích dẫn, vấn đề nghiêm trọng của châu Âu là trong số hàng chục ngàn loài tảo biển đang tồn tại, châu Âu mới chỉ nuôi trồng được khoảng chục loài, đặc biệt là các loài tảo châu Á. Châu Âu phải cấp tốc tăng cường nghiên cứu về các loài tảo của chính châu lục này, tránh phải nhập các loài tảo của châu lục khác, vì điều này có thể dẫn tới nguy cơ làm mất cân bằng sinh thái.  

Trái lại, ở châu Á, việc nuôi trồng thâm canh và độc canh thường được áp dụng, phân bón cũng thường được sử dụng để kích thích tảo biển sinh trưởng, tăng sản lượng, những điều này lại gây tác hại cho nhiều hoạt động khác khác liên quan đến biển cũng như ảnh hưởng tới các giống loài sinh vật khác, tác hại không nhỏ tới hệ sinh thái. Đó là một số trong những hạn chế cần khắc phục để tảo biển có thể thực sự trở thành đòn bẩy cho sự phát triển bền vững của Trái đất.

Bài Liên Quan

Leave a Comment