2022.05.05
Nhà phê bình văn học Nguyễn Thị Tịnh Thy Facebook Nguyễn Thị Tịnh Thy
Dù được xướng tên là người nhận giải thưởng Văn Việt lần thứ bảy trong lĩnh vực phê bình văn học do những nhà văn nhưng tác giả không dám nhận vì sức ép từ chính quyền.
Vào ngày 5 tháng 4, Văn Việt – một diễn đàn của Ban Vận động thành lập Văn đoàn độc lập – đăng tải bức thư có tựa đề “Còn khổ bao lâu nữa?” của nhà phê bình văn học Nguyễn Thị Tịnh Thy, người được trao giải với cuốn sách “Dám ngoái đầu nhìn lại”.
Mở đầu bức thư, tác giả Tịnh Thy viết “Không biết trên thế gian này, trong nền văn chương Đông Tây kim cổ, đã có ai phải viết bài phát biểu này như tôi không. Bởi, đây là phát biểu XIN GIỮ GIÙM GIẢI THƯỞNG.”
Theo nhà phê bình văn học này thì dù rất vinh dự nhưng bà không thể nhận giải thưởng do Văn Việt trao bởi vì áp lực mà phía chính quyền gây ra.
Cụ thể, bà cho biết đã bị an ninh tiếp cận và đề nghị không đi nhận giải với lý do “để tránh ảnh hưởng đến tình hình an ninh chung”.
Sự việc này xảy ra hai tháng sau sự kiện nhà thơ Thái Hạo bị an ninh mặc thường phục hành hung nhằm ngăn cản ông đi nhận giải thưởng cũng của Ban Vận động thành lập Văn đoàn độc lập, một tổ chức do các nhà văn nổi tiếng như Nguyên Ngọc lập ra nhằm bảo vệ quyền tự do sáng tác.
Phóng viên Đài Á châu Tự do đã liên hệ với nhà phê bình văn học Nguyễn Thị Tịnh Thy để đề nghị phỏng vấn, nhưng bà cho biết đã nói hết thông qua bức thư được đăng trên diễn đàn Văn Việt, và từ chối nói thêm.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Hoàng Dũng, thành viên của Hội đồng chấm giải Văn Việt, cho biết sự việc xảy ra với tác giả Tịnh Thy là sự tiếp nối của một chuỗi các hành động sách nhiễu và đàn áp của chính quyền nhắm vào Văn Việt.
“Cái việc gây áp lực để người này phải rút bài, người kia rút bài, rồi rút giải thưởng, rồi ngăn chặn thậm chí đánh đập không phải bây giờ mới xảy ra.
Xin nói rằng chuyện của Tịnh Thy là nằm trong cả một cái chuỗi mà nhà nước ứng xử với Văn Việt nói riêng và nói chung là văn chương ngoài luồng. Người ta luôn luôn sợ hãi.”
Phó Giáo sư Hoàng Dũng lý giải nguyên nhân chính quyền sợ hãi là vì sự yếu đuối của thế chế chính trị, dẫn đến những phản ứng hoảng hốt và tiêu cực đối với các hoạt động nằm ngoài sự kiểm soát của chế độ. “Họ nhìn đâu cũng thấy địch” ông nói.
Ông cũng cho rằng kiểm soát văn chương là chính sách lâu dài và xuyên suốt của Đảng Cộng Sản chứ không phải mang tính tạm thời hay cục bộ. Để minh chứng cho điều này, Phó Giáo sư Hoàng Dũng đặt câu hỏi kể từ khi lên nắm quyền thì Đảng Cộng Sản đã bao giờ cho văn chương được tự do chưa, và cũng tự ông đưa ra câu trả lời là \”chưa từng\”.
Bất chấp sự đàn áp và cản trở liên tục từ phía chính quyền, nhưng vị trí thức người Huế khẳng định Văn Việt sẽ tiếp tục các hoạt động của mình. Khi được hỏi về ý nghĩa của việc người cầm bút vẫn tiếp tục viết trong môi trường hà khắc hiện tại, Phó Gáo sư Hoàng Dũng nói:
“Trước hết là nó cho mọi người, cho đồng bào thấy rằng vẫn còn có những trí thức có lương tâm, có can đảm để chịu đựng những chuyện (đàn áp) đó. Và mong ước đất nước có ngày vấn đề tư tưởng được cởi mở hơn. Thực sự là một tập hợp trí tuệ của toàn dân để xây dựng đất nước.
Cái quan trọng là làm sao để cho mọi người thấy rằng đây là đất nước của mình, rồi góp tiếng nói để sao cho đất nước càng ngày càng tốt đẹp hơn.”
Còn đối với nhà phê bình văn học Nguyễn Thị Tịnh Thy thì bà đặt ra câu hỏi trong cuối bức thư của mình rằng, \”nhà văn An Nam còn khổ bao lâu nữa?”