Đăng ngày: 06/05/2022
Tại Nga, gần đây đe dọa hạt nhân đang ngày càng được bình thường hóa, một thực tế chưa từng thấy, kể cả dưới thời Liên Xô. Trong nhiều cuộc tọa đàm, bản tin trên truyền hình, người dẫn chương trình, khách mời tranh luận sôi nổi về khả năng các loại vũ khí hạt nhân Nga có thể hủy diệt bất kỳ đối thủ nào. RFI giới thiệu bài viết của Le Monde về một thực tế đáng lo ngại, đặc biệt trên truyền thông Nga, lúc này
Hôm thứ Hai (02/05), người dẫn chương trình nổi tiếng của kênh 1, Dmitri Kisselev, đã giới thiệu hình ảnh mô phỏng siêu thực dọa xóa sổ Vương Quốc Anh khỏi bản đồ thế giới bằng một trận sóng thần gây ra bởi vụ nổ của một loại tên lửa hạt nhân không người lái ngầm dưới biển, có tên gọi Poseidon. Những người sống sót trong vụ nổ giả định có thể bị nhiễm « liều lượng phóng xạ cực cao ».
Vài ngày trước đó trên một kênh truyền hình khác của Nga, người ta cũng đưa ra những tính toán thời gian cho một loại tên lửa đười mới nhất để có thể tấn công vào thủ đô của « những nước giao nhiều vũ khí nhất cho Ukraina » : 106 giây để tới Berlin, 200 giây tới Paris, 202 giây tới Luân Đôn. Chuyên gia tại trường quay truyền hình còn hân hoan rằng loại tên lửa mới « không thể bị bắn chặn, đối phương không có thời gian để đáp trả».
« Đánh chìm » Vương Quốc Anh
Những cảnh cáo như vậy liên tiếp được tung ra như những làn sóng biểu dương sức mạnh do chính quyền Matxcơva tổ chức. Ngày 20/04, họ đã bắn thử tên lửa đạn đạo Sarmat. Loại tên lửa này phải đến mùa thu tới mới được triển khai, nhưng nó « khiến cho những kẻ hung hăng và hiếu chiến đe dọa đất nước chúng ta phải suy nghĩ lại », như cảnh cáo của tổng thống Vladimir Putin. Ông tán dương đây là một loại vũ khí « bất bại ». Truyền hình Nga ngay tiếp theo đã gợi đến khả năng « đánh chìm » Vương Quốc Anh.
Mới đây, hôm 04/5, kênh truyền hình Pháp BFM-TV đã chú ý đến việc xuất hiện trên bầu trời Matxcơva chiếc máy bay IL-80 Maxdome, một loại máy bay dùng để chở cả bộ chỉ huy chiến tranh trong trường hợp xảy ra xung đột hạt nhân. Đây là lần cất cánh đầu tiên kể từ năm 2010 của loại phi cơ vận tải chiến lược thiết kế chỉ để dùng trong tình huống « tận thế ». Có thể chiếc máy bay này chuẩn bị tham gia lễ diễu binh mừng chiến thắng ngày 09/05 tới.
Đáng lo ngại hơn, cùng ngày, Matxcơva thông báo đã thử mô phỏng các vụ bắn tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân trong vùng Kaliningrad của Nga. Tại khu vực này, các loại tên lửa mang đầu đạn hạt nhân đã được triển khai từ năm 2016. Việc chọn vùng lãnh thổ nằm bên bờ biển Baltic này không vô tình, khi mà Thụy Điển và Phần Lan có khả năng sẽ thông báo ý định gia nhập NATO trong những ngày hay những tuần tới đây. Những ngày qua, người ta đã thấy xuất hiện các vụ xâm phạm không phận của hai nước bắc Âu này. Trên đường phố Matxcơva, người ta đã tổ chức một chiến dịch dán ảnh các nhân vật Thụy Điển bị gọi là « ủng hộ phát xít ».
Chuyện đe dọa hạt nhân không hoàn toàn là mới ở Nga. Từ nhiều năm gần đây, nhà báo Kisselev đã nhắc đến trong các chương trình của ông về khả năng biến nước này hay nước kia thành một « sa mạc hạt nhân ». Các vụ thử các loại tên lửa « không thể địch nổi », theo câu chữ của ông Putin, giờ đấy đã trở nên quen ở Nga.
« Nguy hiểm có thật »
Thế rồi « chiến dịch quân sự đặc biệt » khởi phát nhằm vào Ukraina đã đánh dấu một bước ngoặt. Ngay ngày 24/02, khi thông báo cuộc tấn công, ông Putin đã cảnh báo rằng « những ai có ý đồ can thiệp vào công việc của chúng ta phải biếtt rằng sự đáp trả của Nga sẽ ngay tức khắc và dẫn đến những hậu quả chưa từng thấy ».
Ít ngày sau, trong cuộc gặp với tổng tham mưu trưởng quân đội, Valeri Guerassimov và bộ trưởng Quốc Phòng , Serguei Choigu, tổng thống Nga đã ra lệnh đặt các lực lượng hạt nhân trong tình trạng báo động chiến đấu, một biện pháp dù sao cũng chỉ mang tính tượng trưng, vì lực lượng hạt nhân vẫn được coi là luôn trong tình trạng báo động. Các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo của Nga vài ngày sau đó có lẽ đã vượt qua khu vực chiến lược vẫn được gọi là GIUK – Groenland, Iceland, Vương Quốc Anh – ở giữa biển Bắc với Đại Tây Dương.
Hành động khoa trương đó ngày càng tăng cùng với những thất bại của quân đội Nga trên chiến trường, nhất là vụ Kiev tấn công vào soái hạm Moskva và nhất là việc phương Tây đẩy mạnh việc cung cấp vũ khí cho quân đội Ukraina.
Ngày 29/04, trong cuộc gặp với các dân biểu, ông Putin đã bộc lộ rõ khi nói với các nước « đe dọa Nga » bằng việc giao vũ khí cho Ukraina rằng : « Họ phải biết rằng đòn tấn công trả đũa của chúng ta sẽ nhanh như chớp. Chúng ta có tất cả các công cụ để làm việc đó, mà bất kỳ ai khác nằm mơ cũng không thấy và chúng ta sẽ sử dụng nếu cần thiết. Các quyết định về việc này đã có ».
Nên nhìn nhận các phát biểu lặp đi lặp lại như vậy chỉ là công cụ khích động nội bộ, hay là những tín hiệu rõ ràng gửi đến phương Tây ?
Matxcơva luôn mập mờ, ngay cả trong các phát ngôn của ngoại trưởng Serguei Lavrov cũng thế. Cuối tháng 4, được hỏi về viễn ảnh một « cuộc chiến tranh thế giới thứ 3 » với yếu tố hạt nhân, ông Lavrov đánh giá kịch bản đó là « không thể chấp nhận được » nhưng đồng thời lại khẳng định rằng đó là « mối nguy hiểm có thực »
« Tất cả các bên đều thua »
Học thuyết quân sự của Nga cho đến năm 2020 vẫn nhìn nhận vũ khí hạt nhân « chỉ như là một phương tiện răn đe, việc sử dụng là một biện pháp cực đoan và bắt buộc », nhưng Nga ngày càng biến cuộc xung đột Ukraina thành mối đe dọa sống còn ». Ngay từ hồi tháng 3, một người hiểu biết về giới lãnh đạo Nga trả lời phỏng vấn báo Le Monde đã nhận định rằng kịch bản hạt nhân tự thân nó đang leo thang dần dần với việc sử dụng các loại vũ khí chiến thuật tại Ukraina, hay bắn tên lửa đạn đạo trong Đại Tây Dương mang tính chất cảnh cáo.
Các nước phương Tây dường như cảm thấy nằm trong đe dọa này, ít bình luận về các thông báo của Nga, nhưng đều tỏ cho biết lực lượng hạt nhân của họ cũng sẵn sàng. Không nước nào liều lĩnh nói đó là « trò bịp » của Nga, ngay cả các chuyên gia châu Âu và Mỹ vẫn chưa thấy đáng báo động. « Trong một cuộc chiến tranh như vậy, tất cả các bên đều sẽ thua », bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin đã khẳng định trong một phát biểu hôm 27/04.
Nga có ý thức được điều hiển nhiên này không ? Việc đáp trả của các cường quốc hạt nhân khác đối với đòn tấn công hạt nhân Nga là điều không tránh khỏi. Đó là dữ kiện hoàn toàn quen thuộc trong một đất nước như Nga mà bao lâu nay các vấn đề chiến lược vẫn là một phần của chính trị.
Dù đó là hành động yên hùng, khoác lác hay là niềm tin thực sự, những người dẫn chương trình và khách mời trên trường quay truyền hình Nga luôn phấn khích trả lời về khả năng có thể xảy ra chiến tranh hạt nhân bằng cách đua nhau nhắc lại hai câu nói của Vladimir Putin hồi 2018 : « Một thế giới không nước Nga thì còn ra cái gì ? » ( muốn mọi người ngầm hiểu thà hủy diệt nhân loại còn hơn là nước Nga biến mất ) và « Chúng ta, như những người tử vì đạo, sẽ đi đến thiên đường, còn bọn họ sẽ bị tiêu diệt ».