Mục sư người Việt tại Ukraine: xót thương người Việt di tản năm xưa

Tường An
2022.05.08

\"MụcMục sư Nguyễn Mạnh Cường hộ tống những người Ukraine đến Ba Lan Mục sư Nguyễn Mạnh Cường

Một Mục sư người Việt đã sinh sống và làm việc ở Ukraine hơn 30 năm mới đây đã giúp di tản một nhóm người Việt khỏi Ukraine sang các nước Châu Âu láng giềng để tránh cuộc chiến xâm lược do Nga tiến hành ở Ukraine bắt đầu hôm 24/2 vừa qua. Phóng viên Tường An tại Paris có cuộc phỏng vấn Mục sư Nguyễn Mạnh Cường nhân dịp ông sang Pháp dự ngày tưởng niệm 30/4, kết thúc cuộc chiến Việt Nam.

Tường An: Kính chào mục sư Nguyễn Mạnh Cường. Thưa mục sư, ngày đầu tiên mà mục sư (tạm gọi là) tiếp cận được với cuộc chiến xâm lược của Nga diễn ra như thế nào?

Mục sư Nguyễn Mạnh Cường: Ngày 24/2/2022, khoảng tầm 5 giờ sáng thì chúng tôi dậy cầu nguyện. Nhưng trước khi cầu nguyện thì chúng tôi đã nghe tiếng ầm ầm, chúng tôi cứ tưởng đó là sấm và nghĩ sao sấm này lạ và âm thanh nó khác hẳn. Thì Vừa mới bật internet lên thì thấy là tin Nga không kích tấn công Kyiv. Chỗ chúng tôi ở là cạnh sân bay quốc tế, nơi đó có một số cơ sở quân sự, tên lửa phòng không ở đấy vì thế mà xâm lược Nga tấn công đơn vị phòng không chỗ đó

Khi nghe tin Ukraine bị tấn công, thì đối với chúng tôi không có gì ngạc nhiên cả. Thứ nhất là vì Đức Chúa Trời đã chỉ cho chúng tôi nhiều năm trước là sẽ có một cuộc chiến tranh đẫm máu giữa Nga và Ukraine rồi, vì thế chúng tôi chuẩn bị tinh thần vậy thôi. Thứ hai nữa thì ngày 21/1 năm nay, trong lúc cầu nguyện thì Đức Chúa Trời đã đưa cho chúng tôi một đoạn Kinh thánh, trong C39 (Ê-xê-chi-ên 39) có nói quân Nga sẽ bị thua liểng xiểng, thảm bại trên đất nước Ukraine và trong Kinh thánh có nói là người ta sẽ phải mất đến bảy năm để mà chôn vũ khí và mất bảy tháng để mà chôn xác chết của họ. Khi chúng tôi công bố những điều đó lên thì người ta không tin: Làm sao có chuyện đổ máu như thế ?!

Tường An: Tức là cái điều đó đã được báo trước như thế rồi ?

Mục sư Nguyễn Mạnh Cường: Vâng ạ, đã báo trước rồi. Đúng một tháng sau, ngày 21/2, Putin ra lệnh hợp pháp hóa, công nhận hai nước Cộng hòa tự xưng ở vùng Donbass là Lugansk và Donetsk và ba ngày sau là Putin tiến hành cái gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” của ông.

Tường An: Tại Kyiv, nơi mục sư làm việc trước khi đi di tản, tại đó có bao nhiêu người Việt sinh sống và thái độ của họ như thế nào khi chiến tranh xảy ra?

Mục sư Nguyễn Mạnh Cường: Ở Kyiv tổng cộng có khoảng độ 10.000-11.000 người Việt, đó là con số tạm ổn định. Sau khi đại dịch COVID-19 xảy ra thì có khoảng vài ngàn người đã trở về Việt Nam. Còn lại ở Kyiv thì còn lại khoảng 10.000 người và những người Việt Nam đó thì họ cũng đã “ăn xái” cái tinh thần gọi là “bình án”  của người dân Ukraina. Ở Ukraine chúng tôi hiểu chuyện đó và tám năm trời là chiến tranh ở miền Đông và chúng tôi hiểu rằng cộng sản phát xít Nga đổi màu sẽ tấn công và dân Ukraina cũng chuẩn bị tinh thần để chiến đấu và chúng tôi cầu nguyện để sự hoảng loạn không xảy ra và cầu cho sự bình an đến. Biết rằng cuộc chiến vẫn sẽ xảy ra, nhưng cầu cho sự bình an mới chiến thắng được, còn hoảng loạn thì sẽ thất bại. Và người Việt Nam cũng được hưởng “xái” đó.

Tường An: Mục sư muốn nói là người Việt Nam tại đó cũng không bị hoảng loạn, sợ hãi?

Mục sư Nguyễn Mạnh Cường: Vâng, mặc dù bị tấn công như vậy, nhưng người Ukraine gần như bình an vô sự, họ không mua sắm thực phẩm, nước dự trữ như nhiều nơi khác có thể xảy ra. Bản thân tôi quyết định tận đến ngày 24/2, khi chiến tranh xảy ra, lúc đấy tôi mới ra chợ mua thực phẩm và bơm xăng. Người Việt tại đó nói chung hưởng cái tinh thần nói chung của toàn bộ người Ukraina tại Kyiv, họ rất bình an, bình dị. Bom nổ thì vẫn cứ nổ!

Chúng tôi đã trải qua những cuộc cách mạng tại Kyiv rồi, thí dụ như cuộc cách mạng cam 2004 khi chuyển quyền từ chế độ hậu cộng sản độc tài sang chế độ dân chủ. Rất tiếc là dân Ukraine không nhận được bài học từ cuộc Cách mạng Cam ấy nên 10 năm sau, họ phải trả một cái giá đau đớn là cuộc cách mạng phẩm giá năm 2014. Lúc đó Ukraine bị mất Crime và hai tỉnh miền Donbass.

Cuộc Cách mạng Cam và Cách Mạng phẩm giá là tuyệt vời. Họ vây quanh vùng chiến sự đánh nhau, còn bên ngoài rất là bình thường ! Các bạn có thể hình dung như các bạn đi vào một hộp đêm nhảy disco: bên trong thì rầm rầm, trong khi bên ngoài thì vẫn im lặng. Thì tình trạng ở Kyiv lúc đó là như vậy !

Tường An: Khi nào thì mục sư bắt đầu cuộc di tản sang Đức?

Mục sư Nguyễn Mạnh Cường: Tôi hoàn toàn không có ý định sang Châu Âu, tôi nghĩ sẽ trở về Việt Nam. Trước khi về Việt Nam có thể tôi sẽ qua Mỹ để huấn luyện một số anh chị em bên đấy. Năm ngoái, chúng tôi đã mở một Hội thánh bên đó rồi. Vì thế chương trình bên Châu Âu chúng tôi không có. Tiếp đó, cộng sản Việt Nam đã có ý định giam lỏng tôi bên Ukraine bằng cách là không cấp hộ chiếu cho tôi nữa khi hết hạn mà tôi cũng không muốn nhận quốc tịch Ukraine mà tôi sẽ phải sống trên quê hương của mình, muốn trở về Việt Nam để thay đổi chế độ cộng sản, thay đổi đất nước dân tộc của mình. Và cộng sản Việt Nam họ biết điều đó. Và khi ngày 24/2 xảy ra, tôi đi theo chế độ thẩm quyền mà Chúa đã đặt để, tôi vẫn không lo lắng gì cả. Mặc dù một số anh em bên Hoa Kỳ và Việt Nam dục : “Mục sư phải đi, lúc này là cơ hội để Mục sư ra nước ngoài bởi vì Châu Âu còn đang mở cửa, sau này họ đóng thì mục sư không đi được nữa đâu !”

Lúc đó ở Hội Thánh chỗ tôi ở có một Mục sư trên tôi, là một tiên tri nữa. Ông ấy ủy quyền cho tôi hộ tống một số phụ nữ và trẻ em người Ukraine ra khỏi biên giới sang Ba Lan, sau đó đi lánh nạn ở Châu Âu. Những người đàn ông Ukraine từ 18-60 tuổi thì không được rời khỏi đất nước, cho nên chỉ có những người nước ngoài như tôi thì mới hộ tống được những người đấy. Trên toàn bộ chặng đường đi, tôi hoàn toàn bình an, không hề lo lắng, lo sợ gì cả. Chúng tôi đi bằng xe hơi, đến ga xe lửa chúng tôi bỏ xe ở đấy và đi xe lửa đến biên giới Ba Lan. Ngày 1/3, chúng tôi vừa mới đi qua khỏi tháp truyền hình của Kyiv được mấy phút thì Kyiv bị không kích. Trên đường chúng tôi hoàn toàn bình an. Ngay cả không khí tại Kyiv cũng bình an. Thậm chí, có lúc họ xô đẩy, chúng tôi chỉ hét lên một tiếng : “Mọi người hãy bình tỉnh, tất cả các bạn sẽ được đi khỏi nơi đây, hãy bình tĩnh, đừng xô đẩy vì ở đây chúng ta có rất nhiều phụ nữ trẻ em…”. Thì họ lại bình thường trở lại.

Khi còn cách biên giới Ba Lan khoảng 60 km thì chúng tôi tạm trú tại nhà của một Mục sư trong Hội thánh và sáng hôm sau thì chúng tôi lại tiếp tục đi bằng xe bus đến biên giới Ba Lan. Đến biên giới, mặc dù tôi không có giấy tờ đầy đủ, họ cũng cho qua dễ dàng và nhanh chóng, hầu như không xếp hàng gì cả. Ngày hôm đó đi rất là bình an. Mặc dù những người khác họ nó rằng là: trước Mục sư và sau đó thì dòng người là rất đông, rất nhiều. Nhưng không hiểu tại sao đúng thời điểm của chúng tôi lại ít người như thế, đi rất nhẹ nhàng !
Sang đến Ba Lan thì chúng tôi được đón tiếp rất niềm nở. Họ chỉ là những người dân rất bình thường thôi, họ mang những bảng hiệu: họ có thể đón tiếp được hai người hay 5 -7 người…Họ đón tiếp vô vụ lợi, bất chất bạn là ai, họ đưa về nhà cho ăn ở.

Qua bên đó, tôi rất ngỡ ngàng là người Ukraine được tị nạn một cách rất “quý tộc”, được hưởng những quy chế tốt nhất. Lúc đó tôi nhìn thấy thì tôi mừng cho người Ukraine, nhưng trong lòng lại đau xót cho dân tộc Việt Nam của mình, hàng triệu người đã di tản, chết trên biển khơi, bị cướp, bị hiếp đủ các trò mà không ai nhìn nhận họ cả. Họ đi một cách chật vật và họ mất rất nhiều các thứ … Còn dân Ukraine đi rất nhẹ nhàng, được mời đón…Cả một số lượng người cho đến hôm nay là 5,2 triệu người mà cả Châu Âu đón tiếp rất niềm nở, miễn phí !

\"nguyenmanhcuong1.jpeg\"
Những người Ukraine được một gia đình Ba Lan tiếp đón. Hình: Mục sư Nguyễn Mạnh Cường

Tường An: Khi Mục sư ra đi thì số người ở lại Kyiv còn nhiều không ? Và tình trạng thủ đô Kyiv lúc đó như thế nào?

Mục sư Nguyễn Mạnh Cường: Khi tôi ra đi thì Kyiv vẫn còn khá nguyên vẹn vì lúc đó nó chưa bị không kích nhiều, lúc đó quân Nga vẫn còn bị giữ ở phía Bắc, nó chưa bị thua thảm hại. Sau này nó không kích dữ dội là trả thù người dân, vì cộng sản hay chơi trò trả thù vì đây là đặc trưng của cộng sản. Như ở Việt Nam, những người bất đồng chính kiến thì cộng sản sẽ không chỉ bắt người đấy mà họ còn khủng bố những người thân, họ hàng, hàng xóm của người đấy ! Vì thế khi nó (Nga) đánh không lại với quân Ukraine thì nó lại khủng bố dân Ukraine, vì đấy cũng là người thân, cũng là gia đình của quân đội để họ đau đớn. Vì thế quân đội Nga bắn phá tất cả những cơ sở dân sự để khủng bố tinh thần dân Ukraine. Khi tôi đi Kyiv gần như là còn nguyên vẹn. Lúc đó ở Kyiv chỉ có những trạm kiểm soát và những hàng rào để chống xe tăng thôi nhưng người dân vẫn đi lại, mua bán bình thường, không có nạn cướp bóc, đầu cơ tích trử hàng hóa gì cả.

Tường An: Nhà nước Việt Nam có chiến dịch để đưa người Việt Nam trở về Ukraine không ạ?

Mục sư Nguyễn Mạnh Cường: Khi Ukraine bị tấn công như thế thì Đại sứ Thạch (Nguyễn Hồng Thạch) hoảng hốt, ông ấy phải chui xuống hầm, người ta nói “trốn như chuột”. Chuyện ấy thì tôi không biết, nhưng lúc bom rơi, đạn nổ thì chuyện ấy là chuyện bình thường, nhưng tất cả những quan tham cộng sản thì đều sợ chết. Họ vinh thân phì gia, ích kỷ, họ có rất nhiều tiền nên rất sợ chết, khác với người dân chúng ta.

Lúc đó Đại sứ quán Việt Nam không có chương trình di tản cho dân Việt Nam. Thậm chí họ còn tin tưởng rằng đại quân Nga sẽ tiến vào đây. Và khi mà họ biết là không thay đổi được tình hình, họ biết là họ phải di tản dân thì bản thân ngoại giao đoàn của Đại sứ quán Việt Nam đã di tản trước và chạy sang miền Tây hết rồi!  Còn dân thì mặc kệ bây ! Chúng bây cứ lo, tự thân vận động!

Nhưng Đại sứ quán Việt Nam, cộng sản thì chúng ta biết rồi, toàn là Lý Thông, Thạch Sanh thôi. Mọi người cứ tụ tập làm hết mọi sự. Đến giai đoạn cuối cùng thì đại sứ mới bắt đầu xuất hiện: “Đây là công lao của bọn ta”. Trò hề đấy chúng ta biết từ bao nhiêu năm nay rồi, cộng sản nó dối trá như vậy.

Và khi công dân Việt Nam đã di tản được sang Romania, Moldavia, Ba Lan, Tiệp (Cộng hoà Séc)..v.v.. thì từ đó, Việt Nam mới có những chuyến “giải cứu nhân đạo”. 

Thì những chuyến “giải cứu” này chúng ta đã được cảnh báo rồi ! Bởi vì chúng ta đã biết những chuyến “giải cứu” của cộng sản. Hồi đại dịch COVID-19, họ đã làm tiền trên xương máu đau khổ của đồng loại ra sao rồi ! Và những chuyến giải cứu này đỡ hơn một chút là vì nó được bị cảnh cáo rồi, đã bị dư luận lên án trước cho nên họ không dám làm tiền dữ dội như vậy. Nhưng họ vẫn ưu tiên cho “con ông cháu cha” của họ bởi vì vẫn có những thành phần thành niên “bất hảo” (tức là đối với họ là những thanh niên, đoàn viên ưu tú, nhưng đối với chúng tôi là những thanh niên “bất hảo”). Bởi vì những người mà đã ủng hộ chế độ cộng sản thì họ là những người “bất hảo”, những người vô lương tâm, vô lý trí. Tôi đã từng là đoàn viên cộng sản Việt Nam trẻ nhất Việt Nam năm 12 tuổi rưỡi, tôi biết sự vô lương tâm, vô lý trí như thế nào. Tôi đã từng là trưởng lớp từ cấp hai, cấp ba, những cái gọi là đạo đức cách mạng, đạo đức Hồ Chí Minh, cháu ngoan Bác Hồ. Tôi cũng từng là thủ khoa của trường chuyên thành phố Hải Phòng vì thế mà (tôi biết) cái sự nhồi dọ nó khủng khiếp như thế nào.

Chúng ta quay trở lại câu chuyện. Khi chuyến bay tới thì theo thông báo của đại sứ quán thì họ ưu tiên cho phụ nữ mang thai, người tàn tật và trẻ em. Thế nhưng mà chuyến bay đầu tiên thì những người này không có trong danh sách bởi vì toàn là “con ông cháu cha” hết. Những người mà nhét tiền ở Việt Nam hay ở đâu đó thì được đưa đi trước, thậm chí còn gây ra sự bất đồng rất lớn trong cộng đồng Việt Nam, họ đưa những thông tin đó lên Facebook, thậm chí họ kể lại: Không thấy tên của vợ, con tôi ở đâu cả mà toàn là tên của những thành niên “ưu tú”, đoàn viên, \”con ông cháu cha” thôi.

Tường An: Hiện giờ còn khoảng bao nhiêu người Việt còn ở lại Ukraine?

Mục sư Nguyễn Mạnh Cường: Hiện giờ người Việt Nam còn ở lại Ukraina chắc chỉ còn khoảng 100 người thôi. Đó là những người ốm yếu không đủ sức để đi, thứ hai là những thành phần chán đời, họ bất cần đời, sống chết mặc kệ, không quan trọng nữa ! Ở đây chết thì có chỗ để mà chôn, về Việt Nam chết nhiều khi không có chỗ để mà chôn mà có khi còn chết đói nữa. Bên này, nếu may mắn, bom không rơi trúng thì vẫn còn sống.

Và thứ ba là những người mà con cái của họ là công dân Ukraine ở độ tuổi 18-60 không thể xuất cảnh được và phải thi hành nghĩa vụ quân sự. Vì vậy, họ không thể rời xa con cái của họ được. Họ vẫn tin tưởng và hy vọng là Kyiv sẽ không bị phá hủy. Còn thứ tư là những người tiếc của, họ tiếc những tài sản mà họ đã tạo dựng bao nhiêu năm hay nửa cuộc đời của họ ở Ukraine, nếu bỏ đi thì tài sản ngoài chuyện bom rơi đạn nổi, có thể sẽ bị cướp nên họ quyết định ở lại.

Tường An: Có người Việt nào ở Ukraine tuy không có quốc tịch Ukraine, nhưng vẫn tình nguyện chiến đấu để bảo vệ Ukraine không?     

Mục sư Nguyễn Mạnh Cường: Đến thời điểm này thì theo thông tin của tôi, tôi vẫn chưa biết có người Việt nào có quốc tịch Việt Nam mà tình nguyện ở lại chiến đấu bảo vệ Ukraine. Mặc dù có người Việt ở lại, nhưng nộp đơn chiến đấu thì chưa có. Ngược lại, họ tìm mọi cách để mà trốn chạy thôi.

Và theo cá nhân tôi biết thì không ít những công dân Việt có quốc tịch Ukraine đã đi tay trong với đại sứ quán để có được cả quốc tịch Việt Nam. Họ vẫn sống bình thường như công dân Ukraine, nhưng khi chiến sự xảy ra thì họ trốn đến biên giới thì họ xuất trình hộ chiếu Việt Nam của họ, và họ đi qua khỏi được biên giới. Còn một số người không có quốc tịch đấy (Việt Nam) thì họ phải tìm mọi cách để đút lót hay thế nào đấy để trốn sang bên kia, một số người không trốn được thì ở lại, nhưng họ vẫn chui lủi vì sợ quân đội bắt được rồi tóm đi lính… Ở đây tôi cảm thấy một sự rất nhục nhã đối với người Việt Nam ở Ukraine. Tôi không nói tất cả, có một số trường hợp là tốt nhưng nói chung là tình trạng này rất nhục nhã đối với người Việt. Người Việt đến đấy chỉ để đào mỏ, lợi dụng Ukraine để làm giàu chứ không coi Ukraine như đất nước quê hương của mình, có trách nhiệm với quê hương đấy.

Tôi nhìn lại Châu Âu hay Mỹ chẳng hạn. Những công dân Hoa Kỳ hay Châu Âu có gốc Việt Nam thì họ trở thành những tướng tá, những sĩ quan cao cấp để có trách nhiệm với bản thân mình và đất nước mà họ đang ở. Ở Ukraine rất tiếc là không như vậy. Đây là hậu quả của truyền thông cộng sản. Mặc dù Liên bang Xô Viết cũ đã tan nhưng hệ thống an ninh cộng sản nó vẫn nắm vững, nó vẫn như cũ thôi hay còn tinh vi hơn nữa.

Tường An: Xin mục sư cho biết khi Mục sư qua đến Ba Lan thì sự tiếp đón đó như thế nào và tình trạng mục sư hiện nay ra sao?

Mục sư Nguyễn Mạnh Cường: Khi tôi sang Ukraina thì tôi cũng không ngờ là người Ukraine được tiếp đón một cách “quý tộc” như vậy. Họ tiếp đón miễn phí, họ cho chỗ ở miễn phí, các phương tiện công cộng là hoàn toàn miễn phí, chỉ cần trình hộp chiếu Ukraine hoặc thẻ định cư tại Ukraine. Và hầu như ở các nhà ga đều có những trạm để giúp đỡ người Ukraine. Họ trợ giúp quần áo, ăn uống, giấy tờ, sim điện thoại để người Ukraine có cơ hội liên lạc với nhau. Thậm chí những nhà mạng Ukraine cho roaming miễn phí đến tận giờ. Và tốc độ roaming khá tốt. Và những nhà mạng tại Châu Âu cũng cung cấp thẻ sim miễn phí cho công dân Ukraine hay những người từ Ukraine lánh nạn, chỉ cần trình thẻ công dân Ukraine, những thể đó có giá trị một tháng, sau đó có thể gia hạn. Còn tàu lữa thì đi miễn phí.

Tường An: Thưa mục sư, nếu chiến tranh chấm dứt, theo Mục sư, sẽ có bao nhiêu người xin ở lại tị nạn ở nước thứ ba, hoặc trở lại Ukraine và bao nhiêu người sẽ trở về Việt Nam?

Mục sư Nguyễn Mạnh Cường: Khi Ukraine chấm dứt chiến tranh thì theo tôi đa số những người trở lại Ukraine là những người có tài sản đáng kể ở Ukraine, họ mới quay trở lại. Còn những người thấy đời sống ở Châu Âu tốt thì họ sẽ xin ở lại. Nhưng có một tin mừng là trong vài tháng nữa thôi là Ukraine sẽ gia nhập EU thì dù là công dân Ukraine họ cũng có thể đi lại trong Châu Âu, nên những người này đã biết tiếng Ukraine nên những người này cũng sẽ trở lại Ukraine. Còn những người không có tài sản ở Ukraine thì họ sẽ xin ở lại tị nạn ở các nước Châu Âu  vì quy chế tị nạn và bảo trợ xã hội ở các nước này rất tốt.

\"2022-03-14T132618Z_217847165_RC2C2T9KQ73X_RTRMADP_3_UKRAINE-CRISIS-KYIV.JPG\"
Hình minh hoạ: Một người dân ngồi bên ban công căn nhà bị đạn pháo Nga phá huỷ ở thủ đô Kyiv, Ukraine hôm 14/3/2022. Reuters

Tường An: Đa số những người Việt ở Ukraine làm nghề buôn bán lẻ ?

Mục sư Nguyễn Mạnh Cường: Buôn lậu là chính…(cười..). Người Việt qua đó không biết tiếng, không biết luật, không có giấy tờ. Nhưng có thể kiếm được tiền triệu ! Bởi vì nhờ hệ thống bảo kê Mafia địa phương ở Việt Nam !

Tường An:Mục sư đã sống ở Việt Nam và Ukraine, xin mục sư cho biết có những gì khách nhau về con người và cuộc sống ở Việt Nam và Ukraine?

Mục sư Nguyễn Mạnh Cường: Tôi nhìn thấy cả Ukraine và Việt Nam thì Ukraine văn minh hơn nhiều, họ có ảnh hưởng từ nền văn hóa Cơ Đốc, thành ra họ tin tưởng vào con người, họ yêu thương… Điều này không có nghĩa là người Việt Nam không có, người Việt vẫn có.

Một điểm tương đồng giữa hai dân tộc nữa là họ không dám nói sự thật, họ sợ… Vì Ukraine cũng lệ thuộc Nga từ hàng trăm năm nay. Trong lịch sử thì Ukraine cũng bị Nga kiểm soát liên tục, vài năm độc lập rồi lại quay trở lại sự bảo kê của Sa Hoàng và sau cuộc Cách mạng tháng 10 được vài năm thì Bolsevic lại bị cộng sản cướp và sát nhập vào liên bang Xô-Viết cũ.
Việt Nam và Ukraine có một điểm tương đồng là họ muốn có quyền “tự quyết”.

Việt Nam đang ở cái thế là bị lệ thuộc vào Trung Cộng rất nhiều. Bản thân nhân dân thì muốn tự quyết, nhưng phần chóp bu thì bị mua chuộc làm tay sai, chư hầu cho Trung cộng nên họ không làm. Nhưng dân Ukraine thì khác, họ đã nếm trải ít nhiều nền dân chủ. Mặc dù họ bất mãn về thành phần chóp bu trước đây, nhưng khi ông Zelenskyy lên làm Tổng thống qua cuộc bầu cử thì họ nhìn thấy rằng chưa có một người Tổng thống nào bình dị như ông này, nói và làm như ông này…họ chưa hề có.

Dân Ukraine và Việt Nam đều khát khao độc lập, khát khao tự do, nhưng mỗi dân tộc sẽ tìm một cách khác nhau. Dân tộc Việt Nam chúng ta bị lừa dối bởi cộng sản và đến giờ vẫn chưa thoát ra được các ách lừa dối của cộng sản. Còn dân Ukraine đã thoát ra khỏi ách cộng sản rồi và họ đang tìm cách đoạn tuyệt với tất cả những tàn tích cộng sản.
Một trong những nguyên nhân của cuộc chiến Ukraine-Nga là do dân Ukraine muốn thoát khỏi hoàn toàn ra khỏi chế độ cộng sản. Còn Nga thì muốn tóm Ukraine trở về quỹ đạo của họ như thời Liên bang Xô-Viết cũ.

Một điều khác nhau giữa Việt Nam và Ukraine là tinh thần yêu nước. Trước đây chúng ta hơi buồn vì dân Ukraine vẫn chưa thể hiện tinh thần đó ra. Không ngờ qua cuộc chiến tranh này họ đã thể hiện rất tốt. Chính vì có một vị nguyên thủ quốc gia mà cả thế giới đang ca ngợi ngày hôm nay. Nhờ vị nguyên thù này mà dân Ukraine cũng được nhờ lây. Còn Việt Nam cộng sản thì rất tiếc không có.

Tường An: Xin cảm ơn Mục sư.

Mục sư Nguyễn Mạnh Cường sinh ngày 19/8/1972, sang Ukraina từ năm 1990. Từ 1990-2013, Mục sư Cường học và làm việc tại Kyiv, thủ đô của Ukraine. Từ năm 2013-2016, Mục sư Cường làm việc ở Odessa, sau đó ông làm việc ở cả hai nơi là Kyiv và Odessa.

Sau khi Nga xâm lược Ukraina ngày 24/2, Mục sư Nguyễn Mạnh Cường đã phụ trách một nhóm bảy người rời Kyiv vào ngày 1/3 và họ đến biên giới Ba Lan vào ngày 3/3. Sau đó, ông rời Ba Lan sang Cộng hòa Séc vào ngày 5/3, và đến ngày 10/3, ông sang Đức. Ông lại Đức từ đó cho đến nay.

Bài Liên Quan

Leave a Comment