Đăng ngày: 11/05/2022
Nga tấn công Ukraina khiến Thụy Điển phải xem xét lại chính sách an ninh, tái thiết lại các cơ sở quân sự của hòn đảo chiến lược Gotland. Hòn đảo đã giải tán tất cả các căn cứ quân sự sau hậu Chiến Tranh Lạnh để giữ quan hệ với Nga.
Ba thập kỷ trước, sau khi Liên Xô tan rã, thế giới bước vào thời kỳ hậu Chiến Tranh Lạnh, Thụy Điển đã di dời lực lượng quân sự ra khỏi hòn đảo chiến lược Gotland, để duy trì quan hệ với Nga. Đến năm 2005, tất cả đơn bị quân đội thường trực đều bị giải tán.
Thế nhưng, kể từ khi Nga sáp nhập Crimée năm 2014, quốc gia thường xuyên phải đối mặt với với “nỗi sợ Nga”, gấp rút xây dựng lại các căn cứ quân sự trên đảo Gotland được ví như tàu sân bay không thể chìm ở trung tâm biển Baltic, cách hạm đội ở Kaliningrad của Nga 300 km. Trung đoàn trưởng của Gotland, ông Magnus Frykvall cho biết :
“Chúng tôi đang trong giai đoạn phát triển mà chúng tôi gọi là tăng cường khả năng quân sự. Hòn đảo sẽ tiếp nhận nhiều binh lính hơn và tổ chức nhiều hoạt động quân sự hơn. Do tình hình hiện tại, chúng tôi phải xây dựng khả năng quân sự lớn hơn và hiệu quả hơn.”
Từ năm 2018, Thụy Điển đã thành lập Trung Đoàn Gotland, trang bị các tên lửa đất đối không và các thiết bị quân sự khác trên hòn đảo, để củng cố khả năng phòng thủ. Việc Nga xâm lược Ukraina đã khiến Thụy Điển và láng giềng Phần Lan phải suy nghĩ lại về chính sách an ninh và khả năng gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO.
Vậy liệu tình hình trên Gotland có gì thay đổi hay không nếu Thụy Điển trở thành thành viên của NATO ? Ông Frykvall cho rằng “về ngắn hạn, tình hình quân sự sẽ cải thiện đối với Thụy Điển và cả trên đảo Gotland vì hiệu ứng ngưỡng, tức là NATO sẽ tăng cường hiện diện quân sự. Trong trường hợp này, đối với Nga, tấn công một nước thuộc thành viên NATO rủi ro hơn nhiều so với việc tấn công một nước không nằm trong khối.”
Chính phủ Thụy Điển cho rằng Nga không có ý định tấn công nước này. Tuy nhiên, nhiều người dân tỏ ra bất an. Một số đã tham gia huấn luyện tại các đội tự vệ địa phương để chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất có thể xảy ra giữa Nga và Thụy Điển. Đó là trường hợp của cô Camilla Selander, 34 tuổi, làm việc tại một siêu thị trên hòn đảo. Cô nói :“Mọi người có vẻ lo lắng nhưng chúng tôi đang cố trấn an họ. Chúng tôi sẽ nói chuyện về những gì đang xảy và nói với nhau rằng mọi chuyện sẽ ổn.”
Còn đối với một nhân viên công chức, anh Jonas thì lại khác. “Tôi không nghĩ rằng người dân Gotland quá lo lắng mà họ đang cảnh giác đối với những chuyện có thể xảy ra hay không. Tôi thì không thấy lo lắng. Và mọi người không cần phải như vậy, nhưng nên quan sát và có sự chuẩn bị,” anh khẳng định.
Một số người dân địa phương cho biết thực ra nỗi sợ Nga đã có từ rất lâu rồi chứ không có gì mới mẻ. Về quyết định gia nhập NATO hay không, chính phủ Thụy Điển và Phần Lan sẽ cho biết trong tháng 5/2022.