- Bùi Thư
- BBC News Tiếng Việt
12 tháng 5 2022
Giáo sư Thitinan Pongsudhirak, Giám đốc Viện An ninh và Nghiên cứu Quốc tế, Khoa học Chính trị của Đại học Chulalongkorn đánh giá tầm quan trọng của hội nghị Hoa Kỳ – ASEAN, diễn ra ngày 12 và 13/5, với BBC News Tiếng Việt.
Theo một tuyên bố từ chủ tịch luân phiên ASEAN năm nay là Campuchia, Tổng thống Biden và những người đồng cấp Đông Nam Á sẽ thảo luận về một số chủ đề chính, chẳng hạn như COVID-19, an ninh y tế toàn cầu, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Hội nghị thượng đỉnh \”hiếm có\”
Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Hoa Kỳ-ASEAN là cơ hội để Washington xây dựng quan hệ đối tác song phương bền chặt hơn với ASEAN và thảo luận ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực.
Giáo sư Thitinan Pongsudhirak, Giám đốc Viện An ninh và Nghiên cứu Quốc tế, Khoa học Chính trị của Đại học Chulalongkorn phân tích với BBC News Tiếng Việt hôm 11/5:
\”Đầu tiên, Hội nghị đã từng bị hoãn lại vào tháng 3 và cuộc gặp tuần này đã được xếp lịch lại. Đây là sự kiện quan trọng vì thông thường, các lãnh đạo khối ASEAN gặp gỡ nhau trong lãnh thổ các nước ASEAN, chứ không phải ở các quốc gia bên ngoài. Việc hội nghị diễn ra ở Mỹ là hiếm có. Lần cuối có sự kiện như vậy tôi nghĩ là từ năm 2016 ở Sunnylands, California dưới thời Obama.\”
\”Bây giờ, Tổng thống Joe Biden làm điều tương tự nhưng ở một hoàn cảnh rất khác vì hiện ASEAN không đầy đủ các thành viên. Tôi nghĩ lãnh đạo của Philippines và Myanmar sẽ vắng mặt – điều này cũng thể hiện các vấn đề đang tồn đọng ở ASEAN. Philippines thì đang có bầu cử và Tổng thống Duterte quyết định không tham dự,\” ông Thitinan nói.
\”Myanmar trải qua cuộc đảo chính quân sự, đang có nội chiến. Myanmar có cấp lãnh đạo bị chia rẽ, một chính phủ quân đội và người dân phản kháng. Liên Hiệp Quốc hiện vẫn công nhận đại sứ Myanmar – người được bổ nhiệm dưới thời chính phủ của bà Aung San Suu Kyi và chắc chắn Mỹ sẽ không chấp nhận Đại tướng Min Aung Hlaing ở Hội nghị.\”
\”Khối ASEAN nhìn chung cũng không đạt được tiến triển gì về vấn đề Myanmar nên ta đang nói về ASEAN với 8 thành viên chứ không phải 10 thành viên nữa.\”
Theo chuyên gia, Hội nghị thượng đỉnh này là nỗ lực của Hoa Kỳ trong việc trấn an các nước Đông Nam Á rằng Mỹ vẫn can thiệp vào khu vực và chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương vẫn đi đúng hướng.
Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được Nhà Trắng công bố vào tháng Hai, nói rằng Hoa Kỳ tìm cách \”thúc đẩy một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, kết nối hơn, thịnh vượng, an toàn và linh hoạt hơn\”.
Chiến lược gọi \”Trao quyền cho ASEAN\” là một thành phần quan trọng để đem đến thành công bên cạnh các liên minh hiện đại hóa như Bộ tứ kim cương QUAD (Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản)\”.
Trong bản chiến lược do Nhà Trắng đăng tải nói rõ, Hoa Kỳ từ lâu đã công nhận Ấn Độ – Thái Bình Dương có vai trò then chốt đối với an ninh và sự thịnh vượng của nhiều quốc gia.
\”Lợi ích của Mỹ chỉ có thể được nâng cao nếu Mỹ neo chặt chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và củng cố chính khu vực này, cùng với đồng minh và đối tác thân thiết nhất.\” vẫn trích dẫn thông báo.
Ngoài việc hứa tổ chức Hội nghị đặc biệt Hoa Kỳ – ASEAN, chính phủ của Joe Biden còn nói sẽ tìm kiếm các cam kết mới ở cấp bộ trưởng giữa Mỹ và ASEAN.
\”Chúng tôi sẽ triển khai hơn 100 triệu USD cho các sáng kiến mới của Hoa Kỳ-ASEAN. Chúng tôi cũng sẽ mở rộng hợp tác song phương ở Đông Nam Á, ưu tiên các nỗ lực tăng cường an ninh y tế, giải quyết các thách thức hàng hải, tăng cường kết nối và đậm thêm mối quan hệ giữa người với người,\” bản thông cáo viết.
Các vấn đề ưu tiên
Giáo sư Thitinan Pongsudhirak cho rằng, các vấn đề trọng tâm được bàn thảo trong cuộc gặp giữa Mỹ và các lãnh đạo ASEAN ngoài việc nhấn mạnh cam kết của Hoa Kỳ với khu vực, Mỹ muốn tập hợp ASEAN lại về vấn đề cuộc chiến Ukraine cũng như đánh giá sức mạnh của Trung Quốc.
\”Cuộc gặp cũng là công sức của Mỹ trong việc nhóm họp các lãnh đạo ASEAN về cuộc chiến Ukraine, phản đối việc xâm lược của Nga nên tôi nghĩ đây là một trong những vấn đề hàng đầu.\”
\”Mỹ cũng muốn họp mặt với các lãnh đạo ASEAN về vấn đề Trung Quốc. Đối sách Ấn Độ – Thái Bình Dương cũng là nỗ lực để cân bằng Trung Quốc, nếu không muốn nói là kiềm chế Trung Quốc. Và đương nhiên, hội nghị sẽ bàn đến các vấn đề quan trọng khác như an ninh hàng hải, phục hồi hậu Covid, biến đổi khí hậu…vốn là những vấn đề thường lệ,\” ông Thitinan nói thêm.
Ngoài sự kiện chính, sẽ có những cuộc gặp riêng bên lề giữa Mỹ và các lãnh đạo ASEAN và Hoa Kỳ sẽ cân nhắc đến khía cạnh hợp tác song phương.
Việt Nam và Singapore đang là đối tác chiến lược chủ chốt của Mỹ. Bằng chứng, quan chức cấp cao của chính quyền Biden – Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đều đến thăm Việt Nam và Singapore trong các chuyến công du Đông Nam Á đầu tiên.
Giáo sư Thitinan Pongsudhirak nói thêm: \”Philippines vừa có tổng thống mới, người được xem có vẻ thích hợp hơn với Mỹ, vì lịch sử Ferdinand Marcos, cha của tổng thống vừa đắc cử từng lưu vong tại Mỹ và Mỹ giúp đỡ gia tộc này. Nên mối quan hệ giữa Philippines và Mỹ có thể sẽ suôn sẻ hơn.\”
\”Thái Lan thì có rất nhiều vấn đề gồm chính phủ do quân đội hậu thuẫn, quan hệ giữa Mỹ và Thái Lan vẫn căng thẳng vì nhiều người vẫn hoài nghi về lợi ích và động cơ của Mỹ, đồng thời, Thái Lan cũng hướng gần hơn về phía Trung Quốc.\”
\”Nhưng nếu các vấn đề nội hàm trong Thái Lan thay đổi, có một chính phủ cấp tiến tự do hơn, thì chúng ta sẽ thấy Thái Lan sẽ lùi lại, không quá ngả về phía Trung Quốc,\” Giám đốc Viện An ninh và Nghiên cứu Quốc tế của Đại học Chulalongkorn đánh giá.
Các nước ASEAN muốn gì ở Mỹ?
Giáo sư Thitinan Pongsudhirak chỉ ra có nhiều chia rẽ trong khối ASEAN thông qua vấn đề Biển Đông, chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cuộc đảo chính ở Myanmar và gần nhất là cuộc chiến giữa Ukraine – Nga.
Theo ông, ASEAN phản ứng \”một cách qua loa và không thỏa đáng, kêu gọi biện pháp ngoại giao và giải pháp hòa bình mà không lên án cuộc xâm lược và cuối cùng làm suy yếu các nguyên tắc cốt lõi của khối về chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ\”.
Sự chia rẽ về cuộc chiến giữa Nga và Ukraine thể hiện ở cách biểu quyết ở LHQ: Lào và Việt Nam bỏ phiếu trắng cho nghị quyết LHQ lên án hành động xâm lăng của Nga ở Ukraine. Tám nước còn lại ủng hộ việc lên án gồm cả Campuchia.
\”Và rồi chúng ta thấy một sự chia rẽ ở việc biểu quyết đình chỉ tư cách của Liên bang Nga trong Hội đồng Nhân quyền LHQ hôm 7/4, chỉ có Philippines là ủng hộ, còn các nước ASEAN bỏ phiếu trắng. Chúng ta có thể thấy việc Nga xâm lược Ukraine, một vài sự khác biệt về quan điểm đã lộ rõ và tôi nghĩ, cuộc chiến càng kéo dài thì các nước ASEAN càng miễn cưỡng lên án Nga trực diện,\” ông Thitinan nói.
Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng, bất kể khác biệt và chia rẽ trong nội bộ ASEAN thì các nước này đều có chung một mong muốn là sự hiện diện và cam kết của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á để cân bằng ảnh hưởng ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc.
Theo đó, các quốc gia ASEAN cũng tìm cách để Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và các cường quốc bên ngoài khác can dự càng nhiều càng tốt để tạo ra sự cân bằng quyền lực trong khu vực.
Về vấn đề này, Giám đốc Viện An ninh và Nghiên cứu Quốc tế cho rằng, các nước ASEAN thực dụng và đặt lợi ích quốc gia lên đầu, và nhiều quốc gia muốn có thêm lựa chọn.
\”Nền kinh tế của các nước ASEAN phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc – Trung Quốc là đối tác giao thương số một. Nhưng bây giờ có thêm sự xuất hiện của Mỹ.\”
\”Nhưng về an ninh quốc phòng, nhiều nước ASEAN phụ thuộc vào Mỹ để giữ thế cân bằng với Trung Quốc. Nếu Trung Quốc tiếp tục gây hấn ở Biển Đông, vũ khí hóa các đảo nhân tạo, tôi nghĩ nhiều nước trong khối ASEAN, đặc biệt là Việt Nam và Philippines, có thể sẽ ngả về phía Mỹ nhiều hơn nếu Trung Quốc chống lại họ và phá hoại lợi ích của họ trên Biển Đông,\” ông Thitinan phân tích.