12/05/2022
Tổng thống Joe Biden sẽ tiếp các nhà lãnh đạo Đông Nam Á tại Washington trong tuần này, tìm cách chứng tỏ chính quyền của ông vẫn tập trung vào Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và thách thức lâu dài từ Trung Quốc bất chấp cuộc khủng hoảng Ukraine.
Hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày với Hiệp hội 10 quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bắt đầu bằng dạ tiệc tại Tòa Bạch Ốc vào ngày 12/5 trước các cuộc thảo luận tại Bộ Ngoại giao vào ngày 13/5.
Đây sẽ là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo ASEAN, tổ chức được thành lập trong một trong những ngày đen tối nhất của Chiến tranh Lạnh, tụ họp tại Tòa Bạch Ốc. Tổng thống Barack Obama là nhà lãnh đạo Hoa Kỳ gần đây nhất tiếp đón họ, tại Sunnylands ở California vào năm 2016.
Dự kiến có tới tám nhà lãnh đạo ASEAN tham dự. Nhà lãnh đạo Myanmar đã bị loại khỏi cuộc họp vì cuộc đảo chính năm ngoái và Philippines đang trong quá trình chuyển đổi sau một cuộc bầu cử.
Hội nghị thượng đỉnh diễn ra trước chuyến thăm Hàn Quốc và Nhật Bản vào ngày 20-24 tháng 5 của ông Biden, bao gồm kế hoạch gặp gỡ các nhà lãnh đạo của nhóm Quad – Australia, Ấn Độ và Nhật Bản – những người chia sẻ mối quan tâm của Mỹ về tham vọng bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực và toàn cầu.
Điều phối viên Ấn Độ – Thái Bình Dương của Tổng thống Biden, ông Kurt Campbell, đã phát biểu tại một tổ chức nghiên cứu vào ngày 11/5 về một ý thức sâu sắc trong chính quyền Mỹ về sự cần thiết của việc không bị phân tâm khỏi Ấn Độ dương- Thái Bình Dương, đồng thời cho biết sẽ tìm cách tăng cường đầu tư và giao dịch của Mỹ vào các nước ASEAN.
Ông nói Trung Quốc, Myanmar, Đài Loan và Ukraine sẽ nằm trong số các vấn đề được thảo luận.
“Chúng tôi tin rằng các nước cần phải công khai và riêng tư nhấn mạnh rằng những gì đang diễn ra ở Ukraine sẽ không bao giờ xảy ra ở châu Á”, ông nói khi đề cập đến đe dọa của Trung Quốc sẽ chiếm lại Đài Loan bằng vũ lực nếu cần.
Ông Campbell thừa nhận những chỉ trích cho rằng việc giao dịch của Mỹ với ASEAN đã suy yếu trong nhiều lĩnh vực quan trọng.
Ông nói: “Chúng tôi phải gửi đi một tín hiệu rằng Hoa Kỳ sẽ là một đối tác ổn định và các lợi ích chiến lược của chúng tôi thúc đẩy chúng tôi và hướng chúng tôi vào việc đóng một vai trò lớn hơn theo thời gian.”
Trước đó hôm 9/5, ông Campbell cho biết sẽ có các cuộc thảo luận ‘quan trọng’ với ASEAN về công nghệ, giáo dục, cơ sở hạ tầng và rằng Washington sẽ sớm công bố các kế hoạch nhằm chống lại tốt hơn nạn đánh bắt bất hợp pháp ở Thái Bình Dương.
Bà Kate Rebholz, quyền Đại sứ Hoa Kỳ tại ASEAN, nói hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ mang lại ‘một tuyên bố về tầm nhìn Hoa Kỳ-ASEAN đầy tham vọng và hướng tới tương lai’ và các sáng kiến mới, bao gồm quan hệ đối tác về y tế cộng cộng, khí hậu và tăng trưởng kinh tế.
Cho dù hội nghị thượng đỉnh phần lớn mang tính biểu tượng và không có tiến bộ đáng kể nào được mong đợi, các nhà phân tích và nhà ngoại giao cho rằng sự kiện thượng đỉnh diễn ra nhằm cho thấy Trung Quốc vẫn là thách thức chính sách đối ngoại dài hạn hàng đầu của Mỹ, bất kể hành động của Nga ở Ukraine.
Những người này cho rằng sự kiện này có thể sẽ nâng tầm ‘quan hệ đối tác chiến lược’ Hoa Kỳ-ASEAN hiện tại bằng cách thêm một từ để biến nó thành quan hệ đối tác chiến lược ‘toàn diện’, tương tự như các mối quan hệ của ASEAN với Úc và Trung Quốc.
Ông Bilahari Kausikan, cựu thư ký thường trực của Bộ Ngoại giao Singapore, ngày 9/5 nói với Trung tâm nghiên cứu Stimson:
“Hội nghị là một thông điệp…rằng Mỹ trên thực tế có thể làm nhiều việc cùng một lúc, và không bị phân tâm.”
Mỹ ‘thất bại’ về kinh tế
Các nước ASEAN cũng chia sẻ mối quan ngại về Trung Quốc và rất muốn thúc đẩy quan hệ với Washington, nhưng họ đã thất vọng trước việc Hoa Kỳ chậm trễ trong việc trình bày chi tiết các kế hoạch giao dịch kinh tế kể từ khi cựu Tổng thống Donald Trump từ bỏ hiệp ước thương mại khu vực vào năm 2017.
Tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với ASEAN vào tháng 10 năm ngoái, ông Biden nói Washington sẽ bắt đầu đàm phán về việc phát triển một khuôn khổ kinh tế vùng, nhưng các nhà ngoại giao cho rằng điều này không phải là trọng tâm trong tuần này.
Đại sứ Nhật Bản tại Washington nói Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ dương – Thái Bình Dương (IPEF) của ông Biden có thể sẽ được chính thức ra mắt tại Nhật Bản, nhưng các chi tiết vẫn đang được thảo luận.
Các nhà phân tích và các nhà ngoại giao nói chỉ có hai trong số 10 quốc gia ASEAN – Singapore và Philippines – dự kiến sẽ nằm trong nhóm các quốc gia ban đầu sẽ ghi tên tham gia các cuộc đàm phán theo IPEF, vốn hiện không mang lại khả năng tiếp cận thị trường mở rộng mà các quốc gia châu Á mong muốn, vì các mối quan tâm của ông Biden đối với việc làm của người Mỹ.
Cũng có một số thất vọng là các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ có ít thời gian gặp ông Biden, không có cuộc họp song phương nào được công bố.
Một cố vấn của Thủ tướng Campuchia Hun Sen nói với Reuters rằng ông Biden nên dành nhiều thời gian hơn với các nhà lãnh đạo nếu ông nghiêm túc về việc nâng cao quan hệ với vùng này.
Cố vấn Kao Kim Hour, nói Campuchia, quốc gia có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc, sẽ không ‘chọn phe’ giữa Washington và Bắc Kinh mặc dù đầu tư của Hoa Kỳ vào đất nước của ông đang tăng lên. Tương tự, ASEAN đã làm việc với cả hai theo nguyên tắc ‘tiếp cận đồng đều’, ông nói.
Các nhà phân tích cho rằng mặc dù các nước ASEAN chia sẻ mối quan ngại của Hoa Kỳ về Trung Quốc, nhưng họ vẫn thận trọng về việc đứng vững hơn với Washington, do mối quan hệ kinh tế chủ yếu của họ với Bắc Kinh và các ưu đãi kinh tế hạn chế của Hoa Kỳ.
Ông Gregory Poling thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Washington nói: “Hoa Kỳ thi hành một công việc khá vững chắc về chính trị và an ninh, nhưng lại thất bại về kinh tế.”
“Không thể cạnh tranh hiệu quả với Trung Quốc nếu chỉ mang súng và ngoại giao lên bàn. Nói trắng ra là phải mang tiền mặt, và chúng ta chưa làm điều đó tốt.”