May 13, 2022
Với chính sách đất đai bị cho là vô cùng bất hợp lý, chuyện khiếu kiện đất đai của những người dân mất đất trải dài khắp nước và kéo dài hàng chục năm qua vẫn không giải quyết được gây biết bao hệ lụy cho người dân. Thực tế cho thấy, dân cứ tiếp tục kiện nhưng sẽ không bao giờ thắng bởi những quy định chi tiết của luật pháp cho phép Nhà nước quyết định tất cả.Hội nghị Trung ương 5, Đảng Cộng sản VN khóa 13 vẫn duy trì chính sách “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” – tức người dân chỉ được quyền sử dụng đất mà không được quyền sở hữu mảnh đất mình bỏ tiền ra mua, được thừa kế hay được tặng, cho…
Giáo sư Đặng Hùng Võ, cựu thứ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường, nhận định rằng chính sách đất đai hiện nay của Việt Nam tạo ra những nỗi đau cũng như những cơ hội vơ vét lợi ích của xã hội mà không ai có thể kiểm soát nổi. Tuy vậy, Nhà nước cũng không thể thay đổi chính sách đó. Ông nêu lý do:
“Tôi thì cho rằng đây là điểm khác nhau giữa mô hình kinh tế nhà nước chỉ huy tập trung và mô hình kinh tế thị trường. Ở mô hình kinh tế nhà nước chỉ huy tập trung thì đất đai không có thị trường, không có giá trị, do nhà nước điều hành cụ thể. Ai dùng thì nhà nước giao, ai không dùng dùng nữa thì nhà nước lấy lại.
Còn khi vào cơ chế thị trường thì chắc chắn là đất đai nó có giá trị của nó và nó phải tạo lập thị trường đất đai thì mới phát triển kinh tế được. Thế nhưng Việt Nam hiện nay thì đang lưỡng lự, hay nói cách là đang bị rối giữa cái sự rành mạch của cơ chế nhà nước chỉ huy tập trung và cơ chế kinh tế thị trường. Cái rối nó thể hiện ở cơ chế Kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Cái cắt nghĩa của Kinh tế thị trường định hướng XHCN cho đến nay chưa có văn bản chính thức. Chính vì vậy mà vấn đề đất đai cứ bị vướng víu chỗ này chỗ khác mà chúng ta chưa thoát ra được một điểm quan trọng nhất là đất đai có giá trị hay không? Giá trị đó thể hiện thế nào và trong quá trình vận hành thì sự chia sẻ giá trị đó giữa các thành phần kinh tế như thế nào là hợp lý. Cơ bản là Việt Nam chưa làm được chuyện đó.”
Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai là một khái niệm tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ sở hữu đất đai. Với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, Nhà nước có toàn quyền trong việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đất đai. Pháp luật không cho phép tồn tại bất cứ hình thức sở hữu nào khác ngoài hình thức sở hữu toàn dân về đất đai do Nhà nước là người đại diện.
Toàn bộ vốn đất đai trên toàn cõi Việt Nam dù đã được giao hay chưa được giao cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào sử dụng đều thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước sở hữu và thống nhất quản lý. Đất đai do bất cứ ai sử dụng và sử dụng vào bất kỳ mục đích gì thì cũng đều phải tuân thủ các quy định của Nhà nước.
Là một người dân mất đất ở Sài Gòn, ông Cao Hà Trực nêu quan điểm của ông sau lời khẳng định “quyền sử dụng đất không phải quyền sở hữu” của ông Nguyễn Phú Trọng:
“Nhà cầm quyền họ giữ quan điểm không cho dân tư hữu về tài sản để họ có cớ lấy đất của dân vô tội vạ. Thứ hai, hầu như các quan chức Nhà nước đều giàu lên nhờ đầu tư, kinh doanh về đất đai. Họ thu hồi của người dân với giá rẻ mạt và bán với giá rất cao. Nếu bây giờ cho người dân được quyền tư hữu về tài sản thì sẽ có nhiều trường hợp gọi là ‘hồi tố’. Họ tránh tình trạng domino, người dân chỗ này, chỗ kia đòi lại đất.
Một điểm nữa, hầu như đất đai của các cơ sở tôn giáo sau năm 1975 ở miền Nam và trước kia ở miền Bắc, nhà cầm quyền cộng sản ‘mượn’ tạm thời cho giáo dục nhưng sau đó không trả lại. Nếu bây giờ cho người dân tư hữu về tài sản thì nhà nước phải trả lại các cơ sở tôn giáo. Họ sợ tình trạng đòi đất tiếp nối thì sẽ bất an về chính trị.”
Theo Luật đất đai năm 1993, Luật Đất đai năm 2003 và hiện nay là Luật Đất đai năm 2013, người dân chỉ có quyền sử dụng đất, còn quyền định đoạt đất đai, tức quyền quyết định số phận pháp lý của đất đai thì chỉ có Nhà nước mới có tư cách thực hiện. Đền bù bao nhiêu cũng do Nhà nước quyết định.
(Theo RFA)