EU tìm kiếm vai trò lớn hơn ở châu Á, Trung Quốc ‘chê bai’ hội nghị Mỹ-ASEAN

12 tháng 5 2022

\"Chủ
Chụp lại hình ảnh,Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (phải), Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (giữa) tham dự hội nghị thượng đỉnh EU – Nhật Bản hôm 12/5/2022

Tại Hội nghị thượng đỉnh EU – Nhật Bản, các nhà lãnh đạo EU bày tỏ mong muốn đóng vai trò \’tích cực hơn\’ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

EU và Nhật Bản cũng đã lên án mạnh mẽ hành động xâm lược của Nga và yêu cầu Nga ngừng ngay lập tức hành động gây hấn quân sự trên lãnh thổ Ukraine.

Hôm 12 tháng Năm, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) – Nhật Bản lần thứ 28 diễn ra tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản.

Đây là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của các nhà lãnh đạo EU với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, kể từ khi ông lên nhậm chức vào tháng 10/2021, trong bối cảnh cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đang gây ảnh hưởng lên toàn thế giới.

Cả EU và Nhật đã áp đặt các lệnh trừng phạt lên Moscow. Mới đây, hai bên cũng công bố kế hoạch loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu của Nga.

Tại hội nghị, bên cạnh các nội dung thảo luận xoay quanh cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine, các nhà lãnh đạo cũng đề cập đến những căng thẳng đang tồn tại ở châu Á.

Charles Michel, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu nói: \”Hội nghị thượng đỉnh này diễn ra trong bối cảnh Nga tiếp tục tấn công dã man người dân Ukraine. Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ phản ứng để lên án Nga và đưa ra các biện pháp trừng phạt.\”

Tại họp báo chung giữa Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, EU bày tỏ mong muốn đóng vai trò lớn hơn ở châu Á, mà họ gọi là \”nơi xảy ra các căng thẳng\”, cảnh báo về một Trung Quốc ngày càng quyết đoán.

\”Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là một khu vực đang phát triển mạnh. Đây cũng là nơi xảy ra các căng thẳng,\” Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói.

\”EU muốn đóng vai trò tích cực hơn ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Chúng tôi muốn chịu trách nhiệm nhiều hơn trong một khu vực rất quan trọng đối với sự thịnh vượng của chúng tôi.\”

Charles Michel, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu nói: \”Sự hợp tác của chúng tôi ở Ukraine là rất quan trọng nhưng nó cũng quan trọng ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, và chúng tôi cũng muốn bàn sâu thêm về một Trung Quốc quyết đoán hơn\”.

\”Trung Quốc phải đứng lên bảo vệ hệ thống đa phương mà nhờ nó, họ đã được hưởng lợi cho việc phát triển đất nước,\” ông nói thêm.

Yếu tố Trung Quốc trong Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ – ASEAN

Hội nghị thượng đỉnh EU – Nhật Bản diễn ra cùng lúc với Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Hoa Kỳ – ASEAN tại Washington DC từ ngày 12 – 13/5.

Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ – ASEAN cũng là cơ hội để Washington xây dựng quan hệ đối tác song phương bền chặt hơn với ASEAN và thảo luận ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực.

Giáo sư Thitinan Pongsudhirak, Giám đốc Viện An ninh và Nghiên cứu Quốc tế, Khoa học Chính trị của Đại học Chulalongkorn nói với BBC rằng ngoài việc nhấn mạnh cam kết của Hoa Kỳ với khu vực, Mỹ muốn tập hợp ASEAN lại về vấn đề cuộc chiến Ukraine cũng như đánh giá sức mạnh của Trung Quốc.

\”Cuộc gặp cũng là công sức của Mỹ trong việc nhóm họp các lãnh đạo ASEAN về cuộc chiến Ukraine, phản đối việc xâm lược của Nga nên tôi nghĩ đây là một trong những vấn đề hàng đầu.\”

\”Mỹ cũng muốn họp mặt với các lãnh đạo ASEAN về vấn đề Trung Quốc. Đối sách Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cũng là nỗ lực để cân bằng Trung Quốc, nếu không muốn nói là kiềm chế Trung Quốc. Và đương nhiên, hội nghị sẽ bàn đến các vấn đề quan trọng khác như an ninh hàng hải, phục hồi hậu Covid, biến đổi khí hậu…vốn là những vấn đề thường lệ,\” ông Thitinan nói.

\”Nền kinh tế của các nước ASEAN phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc – Trung Quốc là đối tác giao thương số một. Nhưng bây giờ có thêm sự xuất hiện của Mỹ.\”

\”Nhưng về an ninh quốc phòng, nhiều nước ASEAN phụ thuộc vào Mỹ để giữ thế cân bằng với Trung Quốc. Nếu Trung Quốc tiếp tục gây hấn ở Biển Đông, vũ khí hóa các đảo nhân tạo, tôi nghĩ nhiều nước trong khối ASEAN, đặc biệt là Việt Nam và Philippines, có thể sẽ ngả về phía Mỹ nhiều hơn nếu Trung Quốc chống lại họ và phá hoại lợi ích của họ trên Biển Đông,\” ông Thitinan phân tích.

\"Hội
Chụp lại hình ảnh,Hội nghị cấp cao ASEAN – Mỹ lần thứ 9 diễn ra theo hình thức trực tuyến hồi tháng 10/2021

Phản ứng của Trung Quốc

Một ngày trước khi Hội nghị thượng đỉnh EU – Nhật Bản diễn ra, Bắc Kinh đã cảnh báo hội nghị không được \”nói xấu\” Trung Quốc và cho rằng mặc dù mối quan hệ EU – Nhật Bản là có lợi, nhưng nó không nên đi quá xa.

\”Tôi cũng cần nhấn mạnh rằng hội nghị thượng đỉnh EU – Nhật Bản là chuyện giữa họ nhưng họ không nên nói xấu Trung Quốc, chứ đừng nói là can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc,\” hãng tin Reuters trích lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên.

Hoàn Cầu Thời báo, ngày 11/5, có bài viết đánh giá về Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Hoa Kỳ – ASEAN.

Theo tờ báo Trung Quốc này, dù Mỹ tuyên bố xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở, nhưng mục tiêu thực sự của Mỹ là kiềm chế Trung Quốc.

\”Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine, Mỹ quyết định tổ chức một cuộc họp như vậy để cho thấy các ưu tiên chiến lược của họ đối với Trung Quốc không thay đổi,\” Hoàn Cầu Thời báo trích lời Li Kaisheng, thành viên nghiên cứu và là Phó Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải.

Bài báo cũng chỉ trích Mỹ là \”tác nhân gây xáo trộn lớn nhất cho sự phát triển của quan hệ Trung Quốc – ASEAN\”.

Từ việc chính quyền Obama xoay trục sang châu Á, cho đến \”Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương\” của chính quyền Biden, rõ ràng là Mỹ vận động hành lang xung quanh ASEAN và cố gắng đưa khối này vào liên minh chống Trung Quốc của mình, vẫn theo bài báo.

Tuy nhiên, theo ông Li Kaisheng, \”ASEAN không muốn can dự vào xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ, vì họ không muốn trở thành chiến trường của cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc. Họ nghi ngờ liệu Hoa Kỳ có đủ tôn trọng lợi ích của họ hay không.\”

Bài Liên Quan

Leave a Comment