Đăng ngày: 13/05/2022
Hôm qua, 12/05/2022, cả tổng thống và thủ tướng Phần Lan đều tuyên bố ủng hộ việc quốc gia Bắc Âu này nhanh chóng gia nhập khối NATO.
Theo Helsinki, vào Chủ Nhật 15/05/2022 tổng thống Sauli Niinistö và nữ thủ tướng Sanna Marin sẽ mở cuộc họp báo chung để chính thức công bố quyết định xin gia nhập khối NATO. Một ngày sau, Quốc Hội Phần Lan sẽ họp lại để xem xét quyết định của cơ quan hành pháp và có thể sẽ biểu quyết. Đại đa số của 200 nghị sĩ Phần Lan cũng đồng ý với việc nước này xin vào NATO.
Hãng tin AFP cho biết tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và nhiều thành viên của Liên minh, như Đức và Pháp, đều đã hoan nghênh và tuyên bố ủng hộ quyết định của Phần Lan. Hôm qua, các nghị sĩ chủ chốt của Thượng Viện Hoa Kỳ cũng hứa sẽ ủng hộ Phần Lan trong tiến trình gia nhập khối NATO.
Trong khi đó, Matxcơva đã có phản ứng ngay lập tức, xem việc Phần Lan trở thành thành viên của Liên minh Bắc Đại Tây Dương là “một mối đe dọa” đối với Nga.
Từ Matxcơva, thông tín viên Jean-Didier Revoin tường trình:
Bảo đảm an ninh cho 1.300 km đường biên giới chung giữa Nga với Phần Lan. Đó là vấn đề mà Matxcơva phải đối phó, theo lời phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitri Peskov : “ Chúng tôi đã nhiều lần tuyên bố rằng việc mở rộng khối NATO và việc đưa các cơ sở hạ tầng của Liên minh đến gần các biên giới của chúng tôi sẽ không khiến cho thế giới cũng như lục địa châu Âu của chúng ta trở nên ổn định hơn và an toàn hơn.”
Như vậy Matxcơva xem việc mở rộng này là một mối đe dọa, nhưng không hoàn toàn bị bất ngờ. Ngay từ giữa tháng 4, ông Dmitri Medvedev, kể từ nay là phó chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia, đã tuyên bố là việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập Liên minh Bắc Đại Tây Dương sẽ buộc nước Nga phải tái lập sự cân bằng lực lượng.
Vào lúc đó, cựu tổng thống Nga đã nói đến việc bố trí lại lực lượng bộ binh, không quân và hải quân để bảo vệ 1.300 km đường biên giới chung với Phần Lan. Ông Medvedev còn nêu khả năng chấm dứt việc phi hạt nhân hóa vùng biển Baltic.
Nhưng hôm nay, điện Kremlin tỏ vẻ có chừng mực hơn. Ông Dmitri Peskov khẳng định là phản ứng của Nga tùy thuộc vào diễn tiến của việc mở rộng khối NATO và của mức độ triển khai các cơ sở hạ tầng quân sự của Liên minh đến gần biên giới Nga.
Phần Lan gia nhập NATO sẽ là một thay đổi chiến lược quan trọng
Với cả tổng thống và thủ tướng hôm qua, 12/05/2022, tuyên bố ủng hộ việc Phần Lan nhanh chóng gia nhập khối NATO, như vậy là Helsinki tiến thêm một bước dài đến việc chính thức đệ đơn xin làm thành viên Liên minh Bắc Đại Tây Dương, một quyết định trên nguyên tắc sẽ được chính thức hóa vào Chủ Nhật tới 15/05.
Tuyên bố nói trên của tổng thống và thủ tướng Phần Lan đánh dấu một thay đổi mang tính lịch sử tại một quốc gia có đường biên giới chung với Nga dài đến 1.300 km và trước đây từng là một tỉnh của Nga (1809-1917), cũng như từng bị Liên Xô đánh chiếm vào năm 1939.
Trong một thời gian rất dài, Phần Lan vẫn sống dưới quy chế trung lập do Matxcơva áp đặt. Cụ thể là vào cuối thập niên 1940, Liên Xô đã không chiếm đóng Phần Lan, mà cũng không biến quốc gia Bắc Âu này thành một nước chư hầu, nhưng đổi lại, trong các hiệp ước, Helsinki buộc phải ghi rõ Phần Lan theo quy chế trung lập tuyệt đối. Mô hình này vẫn được gọi là “Phần Lan hóa” trong thời gian Chiến tranh lạnh.
Sau khi Liên Xô tan rã, Phần Lan đã gia nhập Liên Hiệp Châu Âu vào năm 1995 và tham gia Đối tác vì Hòa bình của khối NATO, nhưng cho tới nay vẫn không muốn gia nhập Liên minh Bắc Đại Tây Dương, vì thật ra trong nhiều năm, Nga không bị xem là có mưu đồ đen tối đối với Phần Lan và quan hệ kinh tế giữa hai nước rất chặt chẽ.
Nhưng nay, cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraina khiến người dân Phần Lan không còn thấy an tâm sống với quy chế trung lập đó và muốn tìm sự che chở của khối NATO. Theo kết quả một cuộc thăm dò được công bố hôm thứ hai tuần này, có đến 76% dân số Phần Lan ủng hộ việc gia nhập Liên minh Bắc Đại Tây Dương, một tỷ lệ cao gấp 3 so với thời kỳ trước chiến tranh Ukraina. Lý do khiến cả tổng thống lẫn thủ tướng Phần Lan hôm qua đều tuyên bố ủng hộ việc gia nhập “không chậm trễ” khối NATO đó chính là những “thay đổi địa chính trị” liên quan đến cuộc chiến tranh Ukraina.
Trả lời phỏng vấn nhật báo Ouest France hôm 12/05 ông François Heisbourg, cố vấn đặc biệt của Tổ chức Nghiên cứu Chiến lược, cho rằng quyết định nói trên của Helsinki là một thay đổi chiến lược quan trọng mang tính lịch sử.
Ông Heisbourg nhắc lại là thật ra ngay cả trước khi bùng nổ chiến tranh Ukraina, đã có một yếu tố khác khiến cho Helsinki phải xét lại quy chế trung lập, đó là vào tháng 12/2021, tổng thống Nga Vladimir Putin đã trao cho phía Mỹ (mà không thèm báo với các nước châu Âu) hai bản dự thảo hiệp ước nhằm sắp xếp lại trật tự an ninh ở châu Âu, trong đó có việc cấm Phần Lan và Thụy Điển gia nhập khối NATO. Nói cách khác, đối với Helsinki, việc không gia nhập Liên minh Bắc Đại Tây Dương không còn là một sự chọn lựa nữa, mà là một sự hạn chế về chủ quyền quốc gia mà Nga áp đặt lên hai nước Bắc Âu.
Phải mất nhiều tháng nữa Phần Lan mới thật sự được thâu nhận làm thành viên NATO, và như vậy là trước mắt, nước này chưa thể được hưởng sự bảo vệ của Liên minh trong trường hợp bị tấn công. Nhưng do đã là thành viên của Liên Hiệp Châu Âu, Phần Lan có thể trông chờ vào bảo đảm phòng thủ của khối này chiếu theo điều 49-7 trong hiệp ước của Liên Âu. Theo nhận định của chuyên gia Heisbourg, với việc Phần Lan gia nhập NATO, như vậy là các điều khoản về an ninh trong các hiệp ước của Liên Hiệp Châu Âu sẽ được tăng cường và như vậy là châu Âu cũng được hưởng lợi từ việc Phần Lan trở thành thành viên của Liên minh Bắc Đại Tây Dương.
Ngoài ra, nếu cả Phần Lan và Thụy Điển được thâu nhận vào NATO, sẽ có đến 23 trên tổng số 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu cũng là thành viên của Liên minh Bắc Đại Tây Dương. Như vậy là hai khối này sẽ làm việc với nhau, bổ sung cho cho nhau nhiều hơn, chứ không còn đối nghịch với nhau.
Về phần NATO, có thêm hai thành viên mới, khả năng quân sự của khối này sẽ được tăng cường. Trong thời chiến, Phần Lan có thể huy động đến 280.000 quân sẵn sàng chiến đấu, với một phi đội 55 chiến đấu cơ F-18, mà trong những năm tới sẽ được thay thế bằng chiến đấu cơ F-15 của Mỹ, cộng thêm 200 xe tăng và hơn 700 khẩu pháo. Còn quân đội của Thụy Điển nay có khoảng 50 ngàn quân. Cả hai quốc gia Bắc Âu này cũng đều tăng mạnh ngân sách quốc phòng, thậm chí Phần Lan dự tính tăng 40% chi tiêu quân sự từ đây đến 2026.