Thái Lan ‘vỡ mộng’ về vụ mua tàu ngầm Trung Quốc

May 13, 2022

\"\"
Hải quân Thái Lan kỳ vọng những chiếc tàu ngầm sẽ giúp bảo vệ lợi ích hàng hải trị giá khoảng 697 tỷ USD của nước này

Hải quân Thái Lan chọn mua tầm ngầm Trung Quốc là vì Bắc Kinh đưa ra đề nghị ưu đãi mua ba chiếc chỉ với giá của hai chiếc, đồng thời đảm bảo chất lượng lâu dài.

Thỏa thuận đóng tàu ngầm trị giá 392 triệu USD giữa Trung Quốc và Thái Lan hồi năm 2017 từng được ca ngợi là một trong những trọng tâm của kế hoạch xuất khẩu quốc phòng của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, thỏa thuận này chưa rõ sẽ đi đâu về đâu do nhà sản xuất chưa thể có được động cơ diesel của Đức như quy định trong hợp đồng, theo South China Morning Post.

Đức đang hạn chế xuất khẩu công nghệ quốc phòng sang Trung Quốc, với lý do Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lệnh cấm vận từ năm 1989. Trước đây, châu Âu cho phép xuất khẩu một số mặt hàng, nhưng các quy tắc bị siết chặt hơn trong khoảng thời gian gần đây.

Hồi tháng Hai, một quan chức tại Đại sứ quán Đức ở Thái Lan cho biết thỏa thuận giữa Bắc Kinh và Berlin đã thất bại trước cả khi ký thương vụ năm 2017.

Chiếc đầu tiên trong số ba tàu ngầm diesel-điện S26T với động cơ MTU do Đức sản xuất mà Thái Lan đặt hàng từ Trung Quốc dự kiến giao vào năm 2024. Do khó khăn liên quan đến quy trình cung cấp động cơ, ngày giao hàng có thể bị trì hoãn.

Thỏa thuận khó có thể bị hủy bỏ

Các chính trị gia đảng đối lập ở Thái Lan kêu gọi hủy bỏ thỏa thuận mua tàu ngầm, đồng thời tuyên bố điều này là vì lợi ích quốc gia.

Trong khi đó, chính phủ của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha gặp khó khăn để bảo đảm thỏa thuận theo đúng kế hoạch. Dư luận Thái Lan chỉ trích gay gắt chủ đề này, khi nhiều người đặt câu hỏi về việc liệu có cần phải chi tiêu quốc phòng nhiều tới như vậy sau khi đại dịch gây ra “nỗi đau” kinh tế sâu rộng hay không.

Giới quan sát cho rằng thỏa thuận này khó có thể bị hủy bỏ, nhưng vụ việc này đem lại sự suy tính kỹ lưỡng mới về mối quan hệ ngoại giao và an ninh giữa Bắc Kinh với Bangkok.

Năm 2020 – 3 năm sau khi ký kết thỏa thuận đầu tiên với tập đoàn nhà nước Trung Quốc China Shipbuilding & Offshore International, Hải quân Thái Lan cho biết những chiếc tàu ngầm sẽ giúp bảo vệ lợi ích hàng hải trị giá khoảng 697 tỷ USD của nước này và tăng cường chiến lược đòn bẩy tại thời điểm căng thẳng gia tăng ở Biển Đông.

Các tàu ngầm sẽ hoạt động ở biển Andaman ở phía Tây và vịnh Thái Lan ở phía Đông.

Hải quân Thái Lan nói thêm việc mua bán là cần thiết vì các quốc gia Đông Nam Á khác  như Indonesia, Malaysia và Singapore đều đã có tàu ngầm.

Quân đội nước này đã đưa ra lời giải thích trên sau khi dư luận phản ứng dữ dội vì một tiểu ban của quốc hội Thái Lan đã thông qua thương vụ mua hai tàu ngầm khác.

Lý do Hải quân Thái Lan chọn Trung Quốc là vì Bắc Kinh đã đưa ra đề nghị ưu đãi.

Họ giảm giá các tàu ngầm này, mua ba chiếc chỉ với giá của hai chiếc, đồng thời đảm bảo chất lượng lâu dài. Hệ thống thông tin liên lạc và chiến đấu như ngư lôi và tên lửa dẫn đường được cài đặt sẵn, trong khi các chương trình đào tạo cho quân Thái Lan được đưa vào như một phần của gói mua bán.

Thái Lan cũng đã xem xét các đề nghị của Đức, Hàn Quốc, Nga, Thụy Điển và Pháp cho gói hai tàu ngầm. Tuy nhiên, theo chuyên gia Termsak Chalermpalanupap của Học viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, Thái Lan nhận thấy lời đề nghị bán 3 chiếc với giá 2 chiếc của Trung Quốc là “không thể cưỡng lại”.

Hồi tháng Hai, Hải quân Thái Lan cho biết họ dự định giải quyết vấn đề động cơ thông qua thảo luận với công ty đóng tàu nhà nước Trung Quốc. Tuy nhiên, chưa rõ thời điểm các cuộc thảo luận đó sẽ kết thúc.

Giới quan sát cho rằng Trung Quốc có thể chuyển giao các tàu ngầm cũ cho Thái Lan để bồi thường. Đây là kịch bản mà các phương tiện truyền thông đưa tin nhưng chưa có bất cứ xác nhận nào từ hải quân Thái Lan.

Trong khi đó, các chính trị gia đối lập đặt câu hỏi liệu Trung Quốc hay Thái Lan có biết về chính sách cấm vận của Đức vào thời điểm thỏa thuận năm 2017 được ký kết hay không.

Hải quân Thái Lan trước đó tuyên bố China Shipbuilding & Offshore International phải tuân thủ hợp đồng quy định sử dụng động cơ MTU do Đức sản xuất.

“Nếu Trung Quốc đề nghị gửi cho Thái Lan hai tàu ngầm tân trang lại, Bangkok có khả năng sẽ từ chối vì họ muốn tàu ngầm mới”, ông Storey nói và chỉ ra rằng lời đề nghị tương tự đã bị từ chối từ “vài năm trước”.

Bài Liên Quan

Leave a Comment