Nếu Elon Musk từ bỏ thương vụ chỉ vì cảm thấy đã trả quá nhiều tiền, Twitter thậm chí có quyền kiện vị tỷ phú bên cạnh việc nhận về 1 tỷ USD phí chia tay.
Ngoài khoản phí chia tay trị giá 1 tỷ USD, Musk sẽ thiệt hại thêm nếu Twitter đâm đơn kiện.
Hôm 13/5, tỷ phú Elon Musk tuyên bố tạm dừng quá trình mua lại Twitter với lý do dành thời gian nghiên cứu số lượng tài khoản giả mạo trên mạng xã hội này thực sự chỉ là 5% như thông tin ban đầu hay không.
Theo CNBC, dù vẫn khẳng định cam kết mua lại, Elon Musk đang đứng trước nguy cơ bị Twitter kiện do vi phạm hợp đồng.
Trong điều khoản, cả Musk và Twitter đều nhất trí đền bù 1 tỷ USD cho bên còn lại nếu có hành động đơn phương chấm dứt hoặc ảnh hưởng đến hợp đồng vào tháng trước. Tuy nhiên, phí chia tay ngược không phải thứ duy nhất Elon Musk phải đối mặt nếu phá hỏng thương vụ này.
Phí chia tay ngược là khoản phí do người mua trả nếu vi phạm thỏa thuận mua lại hoặc không thể hoàn thành giao dịch do thiếu tài chính và người bán chấm dứt thỏa thuận theo điều khoản quy định. Người mua cũng có quyền từ bỏ thương vụ nếu phát hiện gian lận, giả sử thông tin không chính xác có thể gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo một luật sư cấp cao trong lĩnh vực M&A, việc giá trị Twitter lao dốc, giống đợt bán tháo khiến mạng xã hội này mất hơn 9 tỷ USD vốn hóa thị trường hôm 13/5, không được coi là lý do hợp lệ để Musk thoát khỏi phí chia tay.
Nếu Musk từ bỏ thương vụ chỉ vì cảm thấy đã trả quá nhiều tiền, Twitter thậm chí có quyền kiện vị tỷ phú bên cạnh việc nhận về 1 tỷ USD phí chia tay.
Trường hợp này từng xảy ra trong quá khứ khi công ty trang sức Tiffany kiện tập đoàn LVMH của Pháp vào năm 2020 sau khi đơn phương rút khỏi thương vụ. Tuy nhiên, vụ kiện nhanh chóng được giải quyết khi Tiffany đã đồng ý giảm giá bán từ 16,2 tỷ USD xuống 15,8 tỷ USD.
Việc Musk liên tục trì hoãn hoàn tất thương vụ không ngoại trừ khả năng có mục đích tương tự. Musk có thể đang muốn Twitter giảm giá bán.
Cổ phiếu của Twitter đã giảm hơn 8% trong phiên giao dịch hôm qua. So với mức giá trị mua lại 54,2 USD/cổ phiếu được Musk đề xuất, giá cổ phiếu của Twitter đã giảm 23%.
Bên cạnh yếu tố chủ quan từ thương vụ, việc giá cổ phiếu của mạng xã hội lao dốc còn liên quan tới thị trường chứng khoán chung, đặc biệt là nhóm ngành công nghệ. Chỉ số Nasdaq 100 đã giảm thêm 11% kể từ khi thị trường đóng cửa vào ngày 25/4, thời điểm Twitter chấp nhận lời đề nghị mua lại.